Xã hội

Nhạc sĩ Lê Hàm - bao nhớ thương để lại

Thuỳ Vinh 19/09/2024 12:11

Giờ đây, nhạc sĩ Lê Hàm đã chẳng còn có thể nhìn thấy “trăng treo trên đỉnh núi Quyết trắng trong”, chẳng thể nghe “sóng nhạc êm thành Vinh lên đèn”, “giọng nói miền Trung ngọt ân tình xứ sở”, “tiếng hát câu hò vang vọng trời xanh”...

Bác Lê Hàm của tôi - nhạc sĩ Lê Hàm - đã không còn nữa. Thế là từ nay, tôi sẽ không còn nhận được những tin nhắn từ bác: Vinh, ngủ sớm đi! Vinh, sao dậy sớm vậy? Nay nắng nóng đấy, Vinh ơi!

Rồi bác động viên khi thấy tôi đăng những bức hình đẹp trên facebook. Bác chia sẻ cùng tôi những bản nhạc mà bác tâm đắc, những bài báo, những chương trình truyền hình làm về bác, những niềm vui nhỏ nhoi hàng ngày. Không chỉ có tôi, nhiều người mà bác quý mến cũng nhận được những tin nhắn sẻ chia như vậy. Một ông lão 90, một nhạc sỹ nổi tiếng… ấy vậy nhưng sự trẻ trung, hiện đại, vẻ bình dị, mộc mạc, tình cảm lại luôn hiện hữu.

Ông trí tuệ, mẫn tiệp nên nói chuyện với ông cũng vô cùng thú vị. Mỗi lần gặp ông, tôi luôn ra về với cảm giác hàm ơn, bởi đâu đó trong từng câu từng chữ, từng mảnh vụn ký ức của người nhạc sĩ ấy, một điều gì giống như niềm hạnh phúc được sống, và là được sống ở nơi thân tình ấm áp nhất, cứ len lỏi để rồi thấm vào hồn tôi lúc nào không hay.

bna_z5845793273514_ddf47c52d9904d9448bdbbac3a477671.jpg
Nhạc sĩ Lê Hàm. Ảnh: Quốc Khánh

Tôi nhớ như in nụ cười rạng rỡ của ông trong những lần gặp gỡ, dù lúc ông khỏe hay đang phải nằm viện. Câu chuyện dẫu có đề cập đến trăm ngàn việc nọ việc kia nhưng cuối cùng vẫn dẫn về âm nhạc. Về xóm nhỏ xã Diễn Hồng, Diễn Châu, khi cậu bé Hàm thuở lên năm lên ba thổn thức nghe mẹ lẩy Kiều. Về sân khấu quây tạm của đội văn nghệ xóm. Về chiếc sáo được làm từ cuống lá đu đủ mà lúc nào cậu bé Hàm cũng mang theo bên người. Có lẽ chính cái nhạc cụ đầu tiên thô sơ mộc mạc dân dã ấy đã dẫn dắt tâm hồn nhạc sĩ Lê Hàm đi qua những tháng ngày của cuộc đời mình cùng với âm nhạc, để rồi không chỉ dừng lại ở đam mê, âm nhạc đã trở thành sự nghiệp của đời ông. Về niềm tự hào với cậu con trai nối nghiệp bố, trở thành nhạc sỹ - Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4 mà suốt một tuổi thơ lăn lóc theo bố mẹ đi diễn rồi ngủ ngon dưới sàn sân khấu…

Từ những say mê buổi đầu với giọng lẩy Kiều của mẹ, với những giai điệu của đội văn nghệ xóm, với âm thanh trong trẻo, lảnh lót mà bình dị, thân thương phát ra từ chiếc sáo tự chế, Lê Hàm đã dần bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Năm 1948, Lê Hàm gia nhập trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 và sau đó trở thành văn công của Quân đội Liên khu 4. Năm 1951, ông vào Phòng Văn hóa Liên khu 4 và tiếp tục theo học tại Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam. Những năm tháng học tập và công tác trong môi trường âm nhạc chính là bước đệm quan trọng, giúp ông phát triển kỹ thuật sáng tác và làm phong phú ngôn ngữ âm nhạc của mình.

bna_z5845790635254_b3b84e3142f50e0b165b2a76620c2346.jpg
Nhạc sĩ Lê Hàm (người cầm micro) và bạn bè văn nghệ sĩ. Ảnh: Quốc Khánh

Trong sự nghiệp dài hơn 70 năm, Lê Hàm đã viết hơn 200 ca khúc, tiêu biểu là các tác phẩm: "Người mẹ Làng Sen", "Gái sông La", "Vinh - thành phố bình minh", và nhiều bài hát khác đã trở thành di sản âm nhạc quý giá của Việt Nam và xứ Nghệ. "Vinh - thành phố bình minh" không chỉ là nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thành phố Vinh mà còn là biểu tượng của niềm tự hào và sự hồi sinh của thành phố sau chiến tranh.

Ông nói với tôi, rằng: “Vinh là thành phố trẻ, thành phố đang xây dựng, bình minh ấy là khởi đầu của một chặng đường mới, hy vọng Vinh cũng sẽ lên rực rỡ như ánh bình minh”. Đấy chính là lý do ông đặt tên “Vinh - thành phố bình minh” cho ca khúc của mình. Cảm hứng để sáng tác là một kỷ niệm đầy thơ mộng với một cô gái thanh niên xung phong trẻ mà ông vô tình bắt gặp trên đường đạp xe từ Hà Tĩnh ra Vinh. Cô ngỏ ý muốn được đi nhờ: “Anh đi về mô? Có phải về Thành Vinh quê em không?”. Ông gật đầu. Ngồi sau lưng, cô cứ ríu ra ríu rít kể chuyện quê hương rồi hỏi chuyện ông. Cho tới khi qua Bến Thủy, cô xin dừng để rẽ vào lối về nhà mình, rồi cất tiếng chào: “Chào anh, nhớ hôm sau em sẽ đón anh về Thành Vinh”.

Cái kỷ niệm riêng tư với lời chào thân thương ấy đã giúp cho ông viết nên giai điệu đầu tiên của bài hát: “Em đón anh về thành Vinh quê em/ Nghe gió biển ru dòng Lam êm đềm/ Người người thân quen sống vui chung tình thương/ Đây những công trường thành phố bình minh/ Câu hát ân tình người em gái quê Vinh...”.

Cùng với câu chuyện đó, những hình ảnh về một cuộc chiến ác liệt, một thành phố Vinh hoang tàn, những người con thành phố đứng trên đống đổ nát để dựng xây lại quê hương, hình ảnh những người lính khố xanh khố đỏ bước đều trong tiếng kèn thổi mà Lê Hàm nhìn thấy vào những năm xưa theo gánh vải bán buôn tảo tần của mẹ bên ngách Cửa Tả thành Vinh…, tất cả đã trở thành nguồn cảm hứng để ông viết “Vinh - thành phố bình minh”.

Ngoài tác phẩm này, ông còn có rất nhiều ca khúc về Vinh như “Từ Thành phố Đỏ chúng tôi lên đường”, “Thành Vinh yêu thương”… Viết về xứ Nghệ với biết bao ân tình, một trong những tác phẩm nổi bật khác là "Người mẹ Làng Sen", ca khúc đã chạm đến trái tim của nhiều thế hệ. Bài hát không chỉ ca ngợi công lao của người mẹ Việt Nam mà còn phản ánh lòng kính trọng và tình cảm sâu sắc của nhạc sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương. Lê Hàm đã sử dụng âm nhạc để ghi lại hình ảnh vĩ đại nhưng giản dị của người mẹ, với những tứ thơ mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa.

bna_z5845790621651_88d7fa39ff607e02646196fca823aca3.jpg
Nhạc sĩ Lê Hàm chụp ảnh kỷ niệm cùng anh chị em văn nghệ sĩ tại buổi Toạ đàm, giao lưu âm nhạc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam, tổ chức tại TP. Vinh. Ảnh: Quốc Khánh

Nhạc sĩ Lê Hàm còn là một “người lính văn hoá” trong thời kỳ chiến tranh, chứng kiến bao nhiêu cam go trên trận tuyến chống lại quân thù. Ông đã có thời kỳ phục vụ cho chiến sĩ ta tại giới tuyến Vĩnh Linh, bờ bắc sông Bến Hải, rồi về chỉ huy dàn nhạc của Đoàn văn công nhân dân Hà Tĩnh những năm chiến tranh khốc liệt nhất. Ông đã từng biểu diễn trên những sân khấu vừa quây tạm sau đợt bom đạn trút xuống của quân thù. Tiếng đàn, tiếng hát đã vang lên trên những trận địa nghi ngút khói súng. Kinh nghiệm từ những ngày tháng ấy đã cho ông cái nhìn sâu sắc về sức mạnh của âm nhạc trong việc động viên tinh thần chiến sĩ và nhân dân.

Nhiều ca khúc của ông ra đời từ những trải nghiệm này, như “Gái sông La”, "Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang" và "Những người chiến sĩ bến phà", đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do. Bài hát “Gái Sông La” đã khiến chính ông, khi nghe lại trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đã rơi nước mắt. Cả dân tộc mình, từ những người nghèo khổ nhất hay những người mẹ trẻ đang còn phải ẵm con đã cố ru con mình vào giấc ngủ, dứt vạt áo vương mùi sữa để đi thông đường cho xe ta qua với khát khao về ngày toàn thắng.

Lê Hàm không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm âm nhạc phong phú mà còn với tâm huyết bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu và sưu tầm các làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ, nhưng điều đáng chú ý là ông không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ mà còn đổi mới, phát triển chúng theo phong cách hiện đại. Như ông từng chia sẻ, việc quá câu nệ vào âm điệu truyền thống mà không phát triển có thể khiến tác phẩm trở nên đơn điệu và không còn sức hấp dẫn. Chính vì thế, trong các sáng tác của ông, mặc dù ít sử dụng chất liệu ví, giặm, nhưng vẫn giữ được sự tươi mới và sâu lắng, phản ánh tinh thần đổi mới và sáng tạo trong âm nhạc.

Ông đã được vinh danh với nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Nhà nước năm 2022 cho chùm tác phẩm: "Người mẹ Làng Sen", "Gái sông La", và "Việt Nam trong trái tim ta". Những giải thưởng này không chỉ là sự công nhận cho tài năng và cống hiến của ông mà còn là minh chứng cho sức ảnh hưởng lâu dài của những tác phẩm âm nhạc mà ông đã tạo ra.

Nhớ lần biết tin ông được Giải thưởng Nhà nước, nhạc sĩ đang nằm viện. Cán bộ lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, Tạp chí Sông Lam đến bệnh viện hỏi thăm và chúc mừng ông. Lúc đến phòng bệnh, nhạc sĩ ngồi bật dậy, tươi cười đón hoa và hăng hái kể chuyện, cảm ơn, đòi chụp ảnh cùng. Cái mặt nạ ô xi vẫn đang chụp trên mặt ông. Nhưng ông nói: Không can chi, vẫn rất vui, cứ chụp ảnh đi!

Tác giả bài viết chụp lưu niệm cùng nhạc sĩ Lê Hàm
Tác giả bài viết chụp ảnh kỷ niệm cùng nhạc sĩ Lê Hàm. Ảnh: Quốc Khánh

Giờ đây, nhạc sĩ Lê Hàm đã chẳng còn có thể nhìn thấy “trăng treo trên đỉnh núi Quyết trắng trong”, chẳng thể nghe “sóng nhạc êm thành Vinh lên đèn”, “giọng nói miền Trung ngọt ân tình xứ sở”, “tiếng hát câu hò vang vọng trời xanh”. Giờ đây, trên bậc cửa ngôi nhà nhỏ ở phường Trường Thi sẽ không còn ông đón tôi với nụ cười rạng rỡ. Không còn những lúc ông chống cây gậy lên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh “vì nhớ các cháu” và đến để nhớ về một thời buồn vui ở nơi này. Không còn nữa những tin nhắn “Vinh, ngủ sớm đi”, “Nay nắng nóng đấy Vinh ơi”… Nhưng tôi biết, không chỉ trên Đài Phát thanh thành phố Vinh, mà đâu đó giữa tiếng sóng rì rào dòng Lam, giữa bỏng rát gió Lào, giữa ồn ào phố thị, đâu đó trong lòng bè bạn đồng nghiệp và những người dân Vinh, cả những người xứ khác yêu mến Lê Hàm, những giai điệu viết về Vinh, về xứ Nghệ, về đất nước, con người Việt Nam của ông vẫn được ngân nga. Tôi biết, âm nhạc có thể phá vỡ những giới hạn mà đời sống ngắn ngủi của con người quy định. Và bởi vậy, những ca từ, giai điệu của những người nhạc sĩ nặng lòng với quê hương, đất nước như ông sẽ trải dài cùng năm tháng, sẽ mãi “trắng trong”, “vang vọng”, mãi rạng ngời như “nắng tỏa bình minh”.

Nhạc sĩ Lê Hàm, bút dɑnh Lɑ Kỳ An, Lɑm Hà. Sinh năm 1934, quê xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An. Ông tốt nghiệp Khoa Sáng tác Nhạc viện Âm nhạc Hà Nội. Nhạc sĩ Lê Hàm có nhiều đóng góp cho âm nhạc Nghệ An đương đại. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: “Tiếng hát đêm trăng” (1956); “Gái sông La”; “Vinh thành phố bình minh” (1979); “Người mẹ làng Sen” (1990)...

Ông từng là Trưởng đoàn Văn công Nghệ Tĩnh, Phó Tổng thư kí Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, Giám đốc Nhà Văn hóa Lɑo động, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An kiêm Phó Tổng thư kí Hội Văn nghệ dân giɑn Nghệ An, Chi Hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Thɑnh - Nghệ - Tĩnh.

Nhạc sĩ Lê Hàm vừa qua đời vào lúc 19h ngày 18/9 tại nhà riêng, hưởng thọ 90 tuổi.

Mới nhất
x
x
Nhạc sĩ Lê Hàm - bao nhớ thương để lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO