Nhận diện động lực phát triển của Nghệ An
(Baonghean) - Sau khi Báo Nghệ An thông báo mở chuyên mục mới để chuyển tải ý kiến đóng góp của độc giả nhằm xây dựng Nghệ An ngày càng phát triển, đã nhận sự hưởng ứng tích cực của độc giả với nhiều bài viết tâm huyết, Báo Nghệ An lần lượt đăng tải trên chuyên mục “Góp ý xây dựng quê hương Nghệ An”.
Như đã biết, Nghệ An là một tỉnh lớn về dân số và diện tích, nhưng chưa phải là một tỉnh giàu và mạnh về nguồn lực. Diện tích và dân số của Nghệ An đều vào hàng nhất nhì cả nước, nhưng nhìn vào bức tranh xuất khẩu hay thu ngân sách thì thực sự đáng băn khoăn!
Hàng may mặc phục vụ xuất khẩu tại Công ty may Minh Anh - KCN Bắc Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm 2015 của Nghệ An theo công bố của Tổng Cục Hải quan chỉ là 526 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng nhỏ nhoi, khoảng 0,32% của cả nước, thấp hơn nhiều kim ngạch xuất khẩu riêng một công ty thủy sản tư nhân Minh Phú ở Cà Mau năm 2014 là 730 triệu đô la Mỹ. Nếu số liệu xuất khẩu thể hiện mức độ mở cửa của địa phương, thì số thu ngân sách là chỉ số của sự thịnh vượng, chỉ báo sự phát triển của doanh nghiệp, của công nghiệp, thương mại của địa phương đó.
Là tỉnh lớn, có biên giới, có cảng biển, có sân bay quốc tế, xuất phát điểm không quá thấp, nhưng tổng số thu ngân sách trên địa bàn của Nghệ An có nguy cơ ra khỏi nhóm 20 tỉnh, thành phố cao nhất. Đáng lo ngại, mức độ tăng thu ngân sách của Nghệ An trong 4 - 5 năm vừa qua thấp hơn nhiều địa phương khác, trước hết so với 2 tỉnh hàng xóm là Thanh Hoá và Hà Tĩnh, thì 2 tỉnh này đều có mức tăng hơn gấp đôi so với Nghệ An.
Thách thức lớn cho Nghệ An trong thời gian tới là tương lai của các nguồn thu từ đâu? Mũi đột phá của Nghệ An dựa vào điều gì thực sự đang là một câu hỏi lớn.
Sự cất cánh của mỗi nền kinh tế quốc gia hay địa phương thường dựa vào 4 “động cơ” chính: I) Doanh nghiệp Nhà nước, II) Khu vực nông nghiệp, III) Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và IV) Doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nền kinh tế bay được cao, đi được xa phụ thuộc rất lớn vào sức đẩy của các “động cơ” quan trọng này. Chúng ta thử xem các “động cơ này” của Nghệ An hiện đang ra sao?
Trước hết về khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung chắc không dựa được nhiều vào sự phát triển hiệu quả của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Đây là khu vực dù được sử dụng nhiều nguồn lực, tạo điều kiện về chính sách nhưng thực tế đã khẳng định là hoạt động không hiệu quả. Nhiều đại dự án từng được các tập đoàn Nhà nước “vẽ lên” tại địa phương, nhưng chưa có một dự án lớn nào thực sự vận hành trên thực tế.
Thu hoạch chè tại xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu |
Khu vực nông nghiệp của Nghệ An cũng như cả nước hiện đang kém hiệu quả và được dự báo là khu vực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất từ quá trình mở cửa hội nhập trong thời gian tới. Sự manh mún, kém hiệu quả, năng suất thấp của nông nghiệp tỉnh nhà thực sự rất khó cạnh tranh với các nền nông nghiệp công nghệ cao của các nước khi mở cửa. Nghệ An là vùng đất cằn cỗi, phần lớn đồi núi (là tỉnh diện tích lớn nhưng đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm gần 17% tổng diện tích), nhiều khô hạn, lắm thiên tai thì phát huy thế mạnh của nông nghiệp lại càng là khó khăn lớn.
Về đầu tư nước ngoài; dù là trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ, nhưng Nghệ An đang thu hút được rất khiêm tốn vốn đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến cuối năm 2015, Nghệ An có 69 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép, chỉ chiếm 0,34% số dự án và 0,58% số vốn đăng ký của cả nước. Đáng lo ngại là tốc độ tăng dự án đầu tư nước ngoài của Nghệ An trong 4 năm gần đây từ năm 2012 đến 2015 có xu hướng chậm hơn nhiều so với các tỉnh “hàng xóm”.
Các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tập trung vào nơi gần cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế, nơi mà hạ tầng có sẵn (như các khu công nghiệp phát triển). Các nhà đầu tư nước ngoài lớn cũng có xu hướng đầu tư vào những nơi có sẵn cộng đồng đầu tư đông đảo để khai thác các thuận lợi về kết nối chuỗi (như gần các nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ, sẵn có các dịch vụ hỗ trợ đầu tư với chất lượng cao…).
Với những đặc điểm như vậy thì có thể thấy trong cuộc đua tranh thu hút đầu tư nước ngoài này, Nghệ An cũng không hề dễ dàng gì để lấy cho mình “một phần bánh lớn”, ít nhất là trong trung hạn.
Như vậy, động cơ chính cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới chính là các doanh nghiệp tư nhân, từ các hộ kinh doanh cho đến các doanh nghiệp đang hoạt động chính thức theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Tổng Cục Thuế đến 31/12/2015, thì số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của Nghệ An còn khá khiêm tốn, 7.532 doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Nghệ An có quy mô vừa và nhỏ, rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Với dân số hơn 3 triệu người, tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người của Nghệ An khoảng 24 doanh nghiệp/10.000 dân. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 53 doanh nghiệp/10.000 dân và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Số lượng doanh nghiệp ít, sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu là tín hiệu đáng lo trong thời gian tới vì không đảm bảo được việc làm cho người dân. Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến 2014 tỷ suất xuất cư (tức số người đi khỏi địa phương) đều cao hơn mức 10%, cao hơn mức bình quân 6 - 7% của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Sản xuất cá hộp tại Nhà máy Royal Foods, khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh tư liệu |
Đảm bảo việc làm cần phải là ưu tiên, là tiêu chí quan trọng hàng đầu của chính quyền trong thời gian tới. Là tỉnh đông dân, có lực lượng lao động trẻ gia nhập thị trường hàng năm rất lớn, số lượng lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang cao, thì việc làm sẽ tạo ra ở đâu nếu không phải là chính ở các doanh nghiệp tư nhân cả chính thức và không chính thức.
Tất nhiên, những lao động trẻ có thể rời quê hương đi tìm kiếm việc làm ở những địa phương khác, thậm chí xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhưng nếu tỷ lệ này quá lớn thì là thực trạng đáng lo ngại. Tỉnh đã phải đầu tư rất nhiều kinh phí cho giáo dục các cấp (và chất lượng giáo dục của Nghệ An được đánh giá tương đối cao), nhưng các nguồn lực phát triển không được tạo ra khi người lao động đến độ tuổi lao động. “Đất lành chim đậu”, nếu không có đủ việc làm thì sau những đợt di cư là những làng quê “trống rỗng”, chỉ còn người già và trẻ nhỏ với gánh nặng chi phí an sinh.
Du lịch biển là một trong những định hướng phát triển kinh tế của Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Khi người dân có được việc làm sẽ thúc đẩy tiêu dùng và dịch vụ, lại tạo ra việc làm mới. Việc làm nhiều, thu nhập tăng cũng giúp phát triển y tế, giáo dục và giảm tệ nạn xã hội. Do vậy, tạo ra được việc làm có chất lượng cần phải là ưu tiên hàng đầu và công việc trọng tâm của lãnh đạo tỉnh và chính quyền các cấp.
Để phát triển doanh nghiệp hay thu hút đầu tư thì phải phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực và đặc biệt phải nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một bộ chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành, mức độ cải cách thủ tục hành chính cho sự phát triển của doanh nghiệp mà VCCI công bố hàng năm, thì Nghệ An thường xuyên nằm ở nhóm sau trong 63 tỉnh, thành phố, năm 2015 là vị trí 32.
Trong quá trình hội nhập sắp tới để tránh nguy cơ bị tụt hậu, Nghệ An cần nỗ lực nhiều, đi nhanh hơn so với các tỉnh, thành phố khác. Để hấp dẫn nhà đầu tư, Nghệ An không thể dịch chuyển tỉnh đến gần thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để có lợi thế, cũng không thể cải thiện hạ tầng hay chất lượng nhân lực một cách nhanh chóng trong “ngày một, ngày hai”. Điều quan trọng Nghệ An cần làm là cải thiện chất lượng điều hành một cách nhanh chóng, điều này không cần quá nhiều nguồn lực, không tốn quá nhiều thời gian.
Đậu Anh Tuấn
(VCCI Việt Nam)