Triển khai hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán
(Baonghean.vn) - Chiều 21/12, LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến về tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động, tổ chức "Tết Sum vầy - Xuân Bình an", nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tham dự hội nghị có đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đại diện các ban liên quan LĐLĐ tỉnh, các LĐLĐ huyện, ngành và nhiều CBCĐ cơ sở khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: D.T |
Đây là năm đầu tiên chương trình chăm lo cho đoàn viên và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán được triển khai nên hội nghị đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia, góp ý của các đại biểu tham dự. Trong đó, nhiều ý kiến trao đổi về nguồn kinh phí, hình thức quà hỗ trợ, đối tượng được chăm lo, thời điểm thực hiện…
Liên quan đến những nội dung trên, đại diện LĐLĐ tỉnh đã quán triệt nội dung và trả lời một cách thấu đáo.
Đông đảo CBCĐ tại các doanh nghiệp thuộc KKT Đông Nam tham dự và cho ý kiến tại hội nghị. Ảnh: D.T |
Theo đó, một số điểm cần lưu ý trong quá trình triển khai kế hoạch này là: Đối tượng được chăm lo, thăm hỏi là đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập, đáp ứng đủ một số điều kiện.
Cụ thể, với khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, áp dụng cho đoàn viên công đoàn, người lao động có đóng BHXH ở những đơn vị có đóng kinh phí công đoàn giai đoạn 2019-2021; những đơn vị thành lập Công đoàn trong năm 2021 có đóng kinh phí Công đoàn trước 15 ngày, kể từ ngày ban hành Kế hoạch này cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Ở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (có đóng BHXH) có hoàn cảnh khó khăn, thuộc những trường hợp mà LĐLĐ tỉnh đã quy định.
CĐCS Khối Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cần chủ động cân đối nguồn thu chi tài chính trong năm và nguồn tích lũy của đơn vị, hạn chế chi các hoạt động không cần thiết, phối hợp với doanh nghiệp và huy động nguồn xã hội hóa để chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. CĐCS được để lại hoạt động tối đa 30% tài chính công đoàn tích lũy, tính đến thời điểm 31/12/2021, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng. Trường hợp thiếu nguồn kinh phí, công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ.
Tại các đơn vị khối hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, CĐCS chủ động nguồn tài chính để chăm lo cho đoàn viên và người lao động theo quy định.
Quà hỗ trợ có thể là hiện vật hoặc tiền mặt, giá trị tối thiểu là 300.000 đồng/người.
Ông Phan Văn Hồng - Trưởng ban Tài chính LĐLĐ tỉnh trả lời các câu hỏi của đại biểu. Ảnh: D.T |
Ngoài ra, những CĐCS đã được công đoàn cấp trên tổ chức "Tết Sum vầy" cho đoàn viên, người lao động thì không sử dụng nguồn tài chính công đoàn ở cấp mình để chi cho đoàn viên, người lao động; Chủ tịch, kế toán Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính pháp lý khi đề xuất sử dụng nguồn tài chính của công đoàn cấp trên và thời gian thực hiện: theo kế hoạch của Liên đoàn Lao động tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đề nghị các CBCĐ chuyên trách cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình để triển khai một cách khẩn trương trên tinh thần khách quan, trung thực, hoạt động này thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, người lao động trong mọi hoàn cảnh.
Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: D.T |
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp công đoàn nghiên cứu kỹ hướng dẫn trước khi triển khai, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hoạt động này và báo cáo các vướng mắc để kịp thời tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của LĐLĐ tỉnh.