Xây dựng Đảng

Nhân lên giá trị phong trào 'Dân vận khéo' ở Nghệ An

Mai Hoa 14/06/2024 10:59

Triển khai phong trào “Dân vận khéo”, các cấp, các ngành ở Nghệ An tập trung đổi mới phương thức, cách thức lãnh đạo và điều hành, góp phần thúc đẩy sự tham gia, đoàn kết của cộng đồng vì mục tiêu phát triển chung.

Cán bộ chính quyền thành phố Vinh tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ thành phố Vinh tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa. Ảnh: Mai Hoa

Hiệu quả từ “Dân vận khéo”

Xóm 9, xã Nghi Phú (thành phố Vinh) có 315 hộ, với gần 900 nhân khẩu, trong đó, có gần 1/2 dân cư theo đạo Thiên chúa. Cơ cấu dân cư của xóm đa dạng, gồm cán bộ đương chức, nghỉ hưu, người hoạt động thương mại, dịch vụ, làm nghề tự do, làm nông nghiệp… nên việc vận động thực hiện các phong trào ở khu dân cư có nhiều khó khăn.

Từ thực tiễn này, Chi ủy xóm 9 đã nghiên cứu và đưa ra Chi bộ, Ban cán sự, Ban công tác Mặt trận xóm thảo luận và đi đến thống nhất, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện mô hình “Dân vận khéo”. “Khéo” trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách; “khéo” trong vận động bà con nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao...

Tuyến đường huy động bằng sức dân xây dựng, chỉnh trang tại xóm 9, xã Nghi Phú
Tuyến đường huy động bằng sức dân xây dựng, chỉnh trang tại xóm 9, xã Nghi Phú. Ảnh Mai Hoa

Đồng chí Bùi Trọng Tuệ - Bí thư Chi bộ xóm 9 cho biết: Cách làm của xóm là rà soát kỹ hoàn cảnh kinh tế từng hộ dân trong xóm; tổ chức họp các tổ chức, đoàn thể, tổ dân cư để thống nhất cách vận động, không cào bằng về mức đóng góp. Phát huy vai trò tiên phong người của đứng đầu và người uy tín trong xóm để tuyên truyền, vận động. Các khoản đóng góp và chi tiêu từ nguồn vận động của người dân được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, rõ tiền, rõ công trình, phần việc và rõ quyền lợi hưởng thụ của người dân. Khi gây dựng được niềm tin, mọi công việc ở xóm đều được sự đồng thuận cao của nhân dân, triển khai được nhiều công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chỉ tính riêng năm 2023, xóm 9 đã huy động sức dân với hơn 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khuôn viên, trồng cây xanh và nội thất bên trong nhà văn hóa xóm; xây dựng khu vui chơi, giải trí, sân bóng chuyền, cầu lông trên vùng đất trống gần 700 m2; đổ bê tông 6 tuyến đường bộ trong khu dân cư; lát vỉa hè đường Hồ Tông Thốc… Nếu như trước đây, một số hộ không đóng phí thu gom, xử lý rác thải thì nay 100% hộ đều đóng. Người dân cũng tích cực tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” và có trách nhiệm giám sát lẫn nhau trong giữ gìn vệ sinh chung.

 MH13
Lãnh đạo xã Nghi Phú trao đổi với Bí thư Chi bộ xóm 9 về xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư. Ảnh: Mai Hoa

Triển khai phong trào “Dân vận khéo”, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức lấy việc nêu gương “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để kích thích, lan tỏa sự tham gia và hành động từ cộng đồng nhằm tạo ra giá trị và sự phát triển chung.

Ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn), cán bộ hội phụ nữ xã và các chi hội nêu gương làm trước, lăn lộn với phong trào đã tạo ra sự thay đổi về nhận thức và thúc đẩy hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ trong thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ).

Vai trò hoạt động của tổ tự quản ở xóm 5, xã Nam Anh đã góp phần đưa xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu,
Thông qua sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhiều mô hình "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Nam Đàn tạo được hiệu quả thiết thực về cảnh quan môi trường nông thôn sạch, đẹp, văn minh tại xã Xuân Hòa. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều mô hình, phong trào được hội phụ nữ xã tổ chức đạt nhiều kết quả. Riêng năm 2023, mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ tặng hội viên nghèo” của hội đã huy động hơn 13 triệu đồng hỗ trợ hội viên nghèo phát triển kinh tế; thực hiện 2 công trình, phần việc, gồm mô hình “Biến phế liệu thành đường hoa” tại Chi hội Hồng Sơn và Chi hội Đồng Phong; mô hình “Biến phế liệu thành thùng rác văn minh” tại 6 chi hội.

Hội Phụ nữ xã Xuân Hoà đã tổ chức vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đóng góp nâng cấp, mở rộng một số sân bóng chuyền phục vụ hoạt động thể dục, thể thao cho người dân; xây dựng 2 km mương thoát nước có nắp đậy đảm bảo vệ sinh môi trường; vận động các hộ dân chỉnh trang nhà cửa, vườn tược đạt tiêu chí 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ… Vận động giúp đỡ 6 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng hơn 300 triệu đồng; kết nối nhận đỡ đầu 1 cháu mồ côi trong 5 năm…

 NĐ
Nhà văn hoá xóm 7, xã Xuân Lâm (Nam Đàn) được làm bằng sức dân. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Diễn Lâm (Diễn Châu), sau sáp nhập xóm, xóm 1 được xã hỗ trợ đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa với quy mô 240 chỗ ngồi. Tuy nhiên, nội thất, thiết chế bên trong, sân nền, bờ bao, cây xanh, các công trình phụ trợ khác của nhà văn hóa phải huy động sức dân đóng góp. Bằng sự nêu gương đóng trước và ở mức cao hơn bình quân chung của người dân, kết hợp trực tiếp đến những hộ gia đình, cá nhân có điều kiện kinh tế khấm khá hơn để tuyên truyền, vận động, kêu gọi cả con em đi làm ăn xa quê ủng hộ, xóm đã hoàn thành việc đầu tư thiết chế, hệ thống truyền thanh, cột cờ, khuôn viên nhà văn hóa, cùng với làm 1 sân bóng đá mi ni và 4 sân bóng chuyền… với tổng kinh phí gần 650 triệu đồng. Cách làm này đã lan tỏa trong 8/11 xóm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân tại các khu dân cư.

Đa dạng mô hình "nói dân nghe"

Ở Nghệ An, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai bài bản, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị các cấp với nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực trên nhiều lĩnh vực; đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh ở các cấp.

Ở thành phố Vinh, phong trào “Dân vận khéo” được định hướng tập trung huy động sự đoàn kết, sức mạnh trong nhân dân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, gắn thực hiện các tiêu chí phường đạt chuẩn đô thị văn minh, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong giải phóng mặt bằng; các mô hình kinh tế nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế; xây dựng tuyến phố có kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; lắp đặt camera an ninh, bình chữa cháy tại nhà… Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, thành phố đã xây dựng gần 700 mô hình “Dân vận khéo” ở 4 lĩnh vực kinh tế; văn hóa – xã hội; an ninh - quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị.

Lãnh đạo huyện Nam Đàn tuyên truyền, giải thích cho người dân xã Xuân Lâm về chủ trương sáp nhập xã. Ảnh Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Nam Đàn tuyên truyền, giải thích cho người dân xã Xuân Lâm về chủ trương sáp nhập xã. Ảnh: Mai Hoa

Đối với huyện Nam Đàn, phong trào “Dân vận khéo”, ngoài tập trung đẩy mạnh thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; trong năm 2024, huyện chú trọng triển khai thực hiện “Dân vận khéo” trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tại 4 xã Xuân Lâm, Hồng Long, Nam Thái và Nam Nghĩa. Nhờ đó, đã tạo được sự quan tâm, đồng thuận của người dân về chủ trương sáp nhập xã, thể hiện thông qua kết quả lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập tại 4 xã, có 100% người tham gia lấy ý kiến và tỷ lệ đồng ý đạt 98,86%.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: Triển khai phong trào “Dân vận khéo”, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đăng ký và thẩm định công nhận mô hình "Dân vận khéo" ngày càng bài bản và nề nếp. Nhiều đơn vị, địa phương đã lựa chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào những việc khó, việc mới, giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết của địa phương.

Đồng thời, gắn xây dựng mô hình "Dân vận khéo" với các phong trào thi đua có sức lan tỏa liên quan đến huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả canh tác và chăn nuôi; công tác giảm nghèo; làm nhà ở cho người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở…

bna_mh.jpg
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy
và Huyện ủy Nam Đàn nắm bắt thu nhập và điều kiện của công nhân trong doanh nghiệp. Ảnh: Huyền Trang (Ban Dân vận Tỉnh uỷ)

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng khẳng định: Thông qua duy trì các mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả, đồng thời, xây dựng và công nhận hàng nghìn mô hình mới hàng năm, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo ra hướng phát triển tích cực ở từng cơ quan, đơn vị, từng địa phương và chung toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn còn hạn chế, chưa có tính đột phá. Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại vùng khó khăn, đặc thù và trong một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông… chưa có hiệu quả. Đây là những vấn đề được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trăn trở tìm giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.

Nhân lên giá trị phong trào 'Dân vận khéo' ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO