Nhật Bản cân nhắc triển khai THAAD: Mũi tên nhiều đích
(Baonghean) - Nối gót Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada vừa qua tuyên bố, nước này đang xem xét việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Theo giới quan sát, động thái này của Nhật Bản không chỉ nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia mà còn muốn gửi thông điệp đến nhiều nước.
Răn đe Triều Tiên
Ngay trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã khẳng định, việc cân nhắc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ nước này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia trong việc đối phó với các mối đe dọa liên quan tới tên lửa đạn đạo có thể xảy ra.
Hệ thống THAAD vốn do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, là hệ thống đánh chặn tên lửa hoạt động bên trong và ngoài bầu khí quyển của Trái đất. Nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Triều Tiên, Nhật Bản hiện cũng đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hai lớp.
Hệ thống này bao gồm tên lửa đánh chặn SM-3 hoạt động trên tàu chiến nhắm bắn các tên lửa hoạt động trên cao và khẩu đội tên lửa PAC-3 đặt trên mặt đất chuyên đánh chặn tên lửa hoạt động tầm thấp. Tất nhiên với Nhật Bản, nguy cơ càng tăng cao thì việc đầu tư kỹ càng để ứng phó là điều cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho hay, Nhật Bản đang cân nhắc việc triển khai THAAD tại nước này. |
Thực tế liên tiếp trong những tháng gần đây, như tháng 7, 8, 9, CHDCND Triều Tiên đều tiến hành phóng thử tên lửa về phía vùng biển Nhật Bản. Như hồi tháng 7, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân đội nước này cho biết, CHDCND Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo hướng ra phía biển Nhật Bản. Đến tháng 8, Triều Tiên tiếp tục phóng 1 tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía Đông nhằm phản đối kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Ngay sau đó, Nhật Bản cho biết, đây là lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên rơi xuống trong hoặc gần vùng biển do Nhật Bản kiểm soát. Thậm chí theo một quan chức quốc phòng Nhật bản, phần thân chính của tên lửa đã rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mô tả vụ phóng là một mối đe dọa nghiêm trọng đến Nhật Bản.
Hay mới hơn hôm 5/9, CHDCND Triều Tiên đã bắn 3 tên lửa đạn đạo từ bờ biển phía Đông đất nước. Các tên lửa đã bay được hơn 1.000km, có tên lửa bay tới 1.300 - 1.500km trước khi rơi xuống vùng nhận dạng phòng không Nhật Bản. Một sự tiến bộ không ngừng của Triều Tiên như vậy tất yếu đã khiến Nhật Bản không khỏi lo lắng và đưa ra quyết định cân nhắc triển khai THAAD tại nước này.
Đánh tiếng với Trung Quốc
Nếu như Trung Quốc liên tục bày tỏ thái độ phản đối với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, thì việc triển khai hệ thống này tại Nhật Bản chẳng khác gì thêm dầu vào lửa. Dễ hiểu bởi khi THAAD được triển khai trên lãnh thổ Nhật Bản, hệ thống này có thể vươn tầm hoạt động về phía Trung Quốc.
Tháng 8 vừa qua, Nhật Bản và Hàn Quốc còn lần đầu tiên nhất trí chia sẻ các thông tin, dữ liệu thu được từ hệ thống THAAD dự kiến sẽ được triển khai tại miền Nam Hàn Quốc. Động thái này đã đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn lập trường của Hàn Quốc về việc chia sẻ thông tin, bởi từ trước đến nay, nước này chưa từng có ý định hợp tác với Nhật Bản.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD dự kiến được Mỹ triển khai ở Hàn Quốc năm 2017. Nguồn: Reuters |
Cần nhắc lại, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ tại châu Á nhưng lại có quan hệ không mấy tốt đẹp, liên quan đến những căng thẳng trong chiến tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhằm đối phó với những nguy cơ chung thì việc hai nước này xích lại gần nhau là điều dễ hiểu. Đây cũng là cơ sở để hình thành liên minh chặt chẽ Mỹ - Nhật - Hàn.
Mặc dù Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã đưa ra một số tuyên bố đòi hỏi đồng minh Nhật Bản phải đóng góp nhiều hơn, thế nhưng, lợi ích cốt lõi của Mỹ tại khu vực sẽ không dễ dàng để ông Trump quay lưng với 2 đồng minh quan trọng hàng đầu này.
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn bền chặt tất nhiên sẽ khiến nhiều nước lo lắng, trong đó có Triều Tiên và cả Trung Quốc. Trung Quốc lo lắng còn ở chỗ, một khi hệ thống THAAD được thiết lập ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, mọi hoạt động của quân đội nước này dọc bờ biển tương lai sẽ nằm hoàn toàn trong tầm trinh sát của radar hệ thống này.
Theo các chuyên gia quân sự, hệ thống radar di động của THAAD với phạm vi tìm kiếm tới 3.000 km có thể phát hiện mọi cuộc diễn tập quân sự trên đất liền và trên không. Các thông số chi tiết như tần suất xuất kích, số lượng, vị trí sân bay cũng đều bị phát hiện. Không chỉ vậy, việc triển khai THAAD tại Nhật Bản chắc chắn cũng sẽ là thông điệp mà Tokyo muốn gửi đến Bắc Kinh trong các tranh chấp trên biển Hoa Đông thời gian qua.
Gửi thông điệp đến Nga
Không chỉ nhắm tới CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, Nhật Bản tuyên bố cân nhắc triển khai THAAD cũng là muốn Nga phải bận tâm. Hôm 22/11 vừa qua, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cho hay đã triển khai các khẩu đội tên lửa Bal và Bastion đến các căn cứ hải quân của nước này trên quần đảo Kuril mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền, gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Phía Nga cho hay, các khẩu đội tên lửa này sẽ tiến hành bắn tập trận trong thời gian sớm nhất.
Thực tế cho thấy, Nga và Nhật Bản đến nay vẫn chưa ký kết hiệp ước hòa bình kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, do những tranh chấp chủ quyền liên quan đến 4 đảo tại quần đảo tranh chấp giữa hai nước. Vì thế, động thái của phía Nga đã khiến Nhật Bản vô cùng tức giận.
Thủ tướng Nhật Bản Abe đã tuyên bố đây là hành động “đáng chỉ trích” và đi ngược với lập trường của Tokyo. Cho nên, tuyên bố cân nhắc triển khai THAAD không khác nào một “đòn gió” mà chính quyền Nhật Bản muốn gửi đến Nga.
Mặc dù trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada khẳng định, nước này không có ý định ngay lập tức triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và giới chức quân đội Nhật Bản “đang cân nhắc những gì có thể thực hiện”. Tuy vậy, tuyên bố này đã khiến các nước liên quan phải bận tâm; đồng thời được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á vốn đã có nhiều xung đột phức tạp.
Phương Hoa