Nhật - Nga: Xây lại lòng tin

21/03/2017 07:27

(Baonghean) - Hôm qua (20/3), Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã có cuộc hội đàm 2+2 với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tại Tokyo. Ngoài việc hiện thực hóa thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong các cuộc gặp hồi năm ngoái thì đây cũng là cơ hội để hai bên xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác trước các vấn đề khu vực và quốc tế.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay trước thềm cuộc họp Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay trước thềm cuộc họp Ảnh: AP

Vượt qua trở ngại

Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nga, Nhật Bản gặp nhau kể từ tháng 11/2013 – thời điểm các cuộc hội đàm 2+2 bị đình chỉ do Nhật Bản tham gia áp đặt lệnh trừng phạt với Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trong lần gặp này, hai bên đã bàn thảo những kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa việc hợp tác kinh tế chung tại quần đảo tranh chấp mà phía Nga gọi là Nam Kuril còn phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, Thứ trưởng Ngoại giao hai bên đã có cuộc gặp “tiền trạm” vào ngày 18/3 tại Tokyo cho thấy, hai bên thực sự nghiêm túc và mong muốn đạt được kết quả thực chất trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác mới mẻ này. Những lĩnh vực hợp tác được ưu tiên tại quần đảo tranh chấp là ngư nghiệp, du lịch và y tế. Hai bên cũng xem xét khả năng đưa những người dân Nhật Bản đã từng sinh sống tại quần đảo Nam Kuril/ Vùng lãnh thổ phương Bắc được đến thăm nơi này.

Phía Nhật Bản cho biết, sẽ cố gắng thống nhất các vấn đề nhằm hướng tới tương lai, dựa trên nguyên tắc không làm tổn hại lập trường của nhau với mục tiêu chung là ký kết Hiệp định hòa bình. Trong khi đó, Nga đưa ra lập trường sẵn sàng hợp tác nếu các hoạt động hợp tác không mâu thuẫn với luật pháp của Nga.

Tranh chấp lãnh thổ nghĩa là vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ song phương Nga – Nhật, nhất là khi hai bên cùng giữ vững lập trường về lợi ích quốc gia đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bản thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói rằng “Với tư cách Thủ tướng Nhật Bản, tôi khẳng định quan điểm đúng đắn của Nhật Bản, trong khi đó Tổng thống Putin hoàn toàn tự tin với quan điểm đúng đắn của Nga. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy thì những cuộc đàm phán sẽ kéo dài thêm nhiều thập niên nữa”.

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng nhiều lần bắn đi thông điệp rằng Nga “không đem lãnh thổ ra trao đổi”. Bởi vậy, bản thân quan chức của cả Nga và Nhật Bản đều không kỳ vọng cuộc hội đàm 2+2 có thể tạo ra bước đột phá trong giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril/ Vùng lãnh thổ phương Bắc. Điều quan trọng là những hoạt động hợp tác kinh tế khi đi vào thực tế có thể tạo ra nền tảng và bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán xa hơn, như lời của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: “Tôi tin tưởng rằng sự hợp tác chung này là một bước đi quan trọng nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để giải quyết vấn đề hiệp ước hòa bình”.

Hội nghị 2+2 giữa Nhật Bản và Nga được nối lại sau hơn 3 năm Ảnh: Sputnik
Hội nghị 2+2 giữa Nhật Bản và Nga được nối lại sau hơn 3 năm Ảnh: Sputnik

Từ kinh tế tới an ninh

Theo các nhà phân tích, một khi hợp tác kinh tế giữa hai bên tại vùng quần đảo tranh chấp tiến triển thuận lợi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác sẽ tiến triển nhanh chóng, nhất là hợp tác về an ninh trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động. Trước nay, Nhật Bản vẫn là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, vì vậy, Nhật Bản có xu hướng chia sẻ với Mỹ những quan điểm về các vấn đề như Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Biển Đông, Biển Hoa Đông hay chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên…

Minh chứng cho nhận định này là việc Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ngay trong lần đầu hội đàm 2+2 sau hơn 3 năm đã tập trung thảo luận về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Nga vốn rất lo ngại Hệ thống phòng thủ tên này sẽ phá vỡ thế cân bằng chiến lược tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đe dọa an ninh của Nga. Thế nhưng, Nhật Bản đã không ít lần tỏ ý sẽ tham gia hệ thống này. Bởi vậy, tại cuộc gặp 2+2 lần này, nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada là củng cố niềm tin với Nga rằng, nếu phía Nhật Bản có tham gia Hệ thống phòng thủ này thì cũng là nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh xuất phát từ Triều Tiên và không nhằm vào nước thứ 3 nào.

Có thể nói, việc tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực giữa Nga và Nhật có thể mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai nước. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy ở khu vực, trong đó có những hành động cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, việc tăng cường quan hệ với Nga có thể phần nào giúp Nhật Bản bớt lo âu về nguy cơ “đi đêm” giữa Nga và Trung Quốc. Nhật Bản muốn cải thiện quan hệ với Nga cũng nằm trong chiến lược cân bằng mối quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào chính sách của Mỹ như trước đây. Đối với Nga, việc thắt chặt mối quan hệ với Nhật Bản là phù hợp với chính sách “hướng Đông” – khu vực được đánh giá là phát triển nhất trong thế kỷ 21.

Hơn nữa, Tổng thống Putin cũng không giấu diếm quyết tâm thiết lập xung quanh Nga “một trật tự quốc tế mới đầy tham vọng”. Trật tự quốc tế này sẽ không chỉ cần có sự can dự sâu hơn, hiệu quả hơn của Nga vào các điểm nóng quốc tế, mà còn cần củng cố mối quan hệ với các nước lớn, có ảnh hưởng trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc. Và những bước đi cụ thể hơn cho một mối quan hệ nồng ấm Nga – Nhật Bản sẽ được bàn thảo trong cuộc gặp đang được xúc tiến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến vào cuối tháng 4 tới.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhật - Nga: Xây lại lòng tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO