Nhiều băn khoăn xung quanh Nghị định về tăng phụ cấp ưu đãi nghề y
(Baonghean.vn) - Việc Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề đã góp phần hỗ trợ cho đội ngũ công chức, viên chức y tế cơ sở, tạo động lực để họ yên tâm gắn bó với nghề. Hy vọng rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn để Nghị định 05/2023/NĐ-CP đi vào cuộc sống.
Xứng đáng với công sức
Ngày 15/2/2023 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011, quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề. Theo đó, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp: Làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố.
Cán bộ y tế vào bản điều tra dịch tễ. Ảnh tư liệu: Thành Cường |
Việc Chính phủ nâng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở là hết sức kịp thời góp phần động viên, khích lệ để đội ngũ nhân viên y tế yên tâm gắn bó, cống hiến với nghề. Và việc nâng phụ cấp hoàn toàn xứng đáng với công sức của cán bộ y tế cơ sở - những người phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và hy sinh, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cùng nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Với Nghị định 05/2023/NĐ-CP, mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, làm chuyên môn y tế dự phòng đã được nâng lên rất đáng kể. Ví dụ, với 1 trạm trưởng trạm y tế có hệ số lương 4,06 vượt khung 5% (hệ số 0,203), phụ cấp chức vụ trưởng trạm 0,2, phụ cấp ưu đãi 40% thì mức phụ cấp cũ là 2,66 triệu đồng/tháng và mức phụ cấp mới là 6,65 triệu đồng/tháng. Với 1 nhân viên y tế mới được tuyển dụng vào trạm y tế, có bằng đại học thì mỗi tháng tăng 2,092 triệu đồng/tháng; có bằng cao đẳng thì mỗi tháng tăng 1,877 triệu đồng/tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chia sẻ: Trong những năm qua, chế độ, chính sách cho cán bộ y tế khu vực công đã từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ y tế. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thể hiện sự ưu đãi đối với ngành Y tế như phụ cấp thu hút, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động, phụ cấp trách nhiệm nghề nghiệp, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp...
Cán bộ y tế cơ sở vượt suối vào bản, khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên |
Tuy nhiên, nhiều văn bản quy định về chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế đã được ban hành chủ yếu vào thời điểm những năm 2005-2007. Sau nhiều năm thực hiện, các chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập không còn phù hợp với tình hình hiện nay cần phải được điều chỉnh, bổ sung. Hơn nữa, lao động trong ngành Y tế là một loại lao động đặc thù với cường độ cao trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động, do phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và các dịch bệnh truyền nhiễm cũng như các loại hóa chất độc hại, các chất phóng xạ, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế gấp 2-3 lần so với bình thường.
Đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều ngành nghề khác có thu nhập khá và tốt, giá cả các mặt hàng thiết yếu thì tăng nhanh và nhiều hơn lương. Vì vậy, mặc dù đã có những ưu đãi nhất định cho nhân viên y tế nhưng đang còn thấp, chưa phù hợp với cống hiến cũng như nhu cầu cuộc sống hiện nay, đặc biệt là nhân viên y tế cơ sở. Và đa số nhân viên y tế cho rằng, lương, các chế độ phụ cấp và thu nhập tăng thêm tại đơn vị chỉ đảm bảo được một phần đời sống của gia đình
Dự kiến có khoảng 6.098 /12.558 viên chức y tế được điều chỉnh phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP. Việc tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên mức 100% cho cán bộ y tế cơ sở đã tạo được sự đồng thuận rất lớn. Hy vọng rằng, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở không chỉ áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023 mà nên từ năm 2022 trở về sau. Và đối tượng được hưởng là toàn bộ cán bộ, công nhân viên làm trong ngành Y tế chứ không riêng y tế dự phòng và y tế cơ sở, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thương nêu rõ.
Nhiều băn khoăn… chờ hướng dẫn
Sau khi Nghị định 05/2023/NĐ-CP ra đời, bên cạnh sự đồng thuận lớn thì vẫn còn đó một số băn khoăn, thắc mắc từ chính các đơn vị chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở. Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn cho rằng: Nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ chung của toàn đơn vị. Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, từ các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ hành chính - kế toán cho đến nhân viên bảo vệ, lái xe đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch… Để đảm bảo sự công bằng và yên tâm công tác đối với viên chức, người lao động làm việc gián tiếp tại cơ sở y tế, đề nghị các cấp bổ sung chế độ phụ cấp nghề đối với đội ngũ này.
Cán bộ y tế dự phòng lấy máu xét nghiệm sốt rét cho người dân vùng cao. Ảnh tư liệu: Thanh Hoa |
Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn kiến nghị: Nên điều chỉnh lại thời gian thực hiện Nghị định 05/2023/NĐ-CP từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/01/2022 (thay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023), bởi thời gian này là thời gian cao điểm của dịch Covid-19. Có một số cán bộ đã nghỉ hưu trước thời điểm hưởng chế độ mặc dù có tham gia chống dịch mà không được hưởng. Trong khi đó những cán bộ tuyển dụng mới trong hoặc sau thời điểm hưởng lại được thụ hưởng chế độ từ Nghị định này.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật & Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh Nghệ An thì: Cần bổ sung mức phụ cấp đối với các đối tượng ở Khoa Xét nghiệm, Khoa Dược vật tư y tế, phòng khám đa khoa, điều trị hệ dự phòng, Khoa Sức khỏe sinh sản, Phòng kế hoạch, Truyền thông giáo dục sức khỏe, Tổ chức hành chính, Tài chính - Kế toán, Công nghệ - Thông tin... vì hầu như đều huy động toàn bộ nhân lực này tham gia vào các hoạt động chống dịch. Tại Nghị định 05 cũng như Nghị định 56, chỉ mới đề cập đến xét nghiệm cho bệnh nhân hoặc giám sát trọng điểm, đề nghị bổ sung xét nghiệm sàng lọc túi máu (có sàng lọc HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai).
Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu và Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu cùng đề nghị: Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghị định, trong đó, cần quan tâm đến cả đội ngũ làm công tác gián tiếp tham gia vào các nhiệm vụ phòng, chống dịch của các cơ sở y tế; sau thời gian áp dụng từ năm 2022-2023 thì thời gian sau đó đề nghị Chính phủ có phương án tăng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP…
Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Chung |
Theo các đơn vị, thời gian hưởng chỉ 2 năm (2022, 2023) là quá ngắn không đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực đối với các bệnh viện công lập. Từ năm 2024 thực hiện theo Nghị định 56, mức phụ cấp ưu đãi không tương xứng với vị trí việc làm của cán bộ y tế, chênh lệch quá nhiều so với bệnh viện tư nhân chi trả. Ví dụ, 1 bác sỹ học 6 năm ra trường vào công tác ở bệnh viện công lập lương chỉ giao động từ 4,6-5 triệu đồng. Trong lúc đó, một số bệnh viện tư nhân trả trên 8 triệu đồng.
Ngoài ra, các đơn vị y tế cũng còn có thêm những băn khoăn khác như: Những viên chức nghỉ thai sản, đi học trong thời gian này thì tính hưởng như thế nào? Viên chức Hợp đồng 68/2000/NĐ-CP có được hưởng mức ưu đãi 100% không? Viên chức dân số trung tâm y tế có được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 100% không?
Trong cuộc họp triển khai các văn bản mới về công tác y tế do Sở Y tế Nghệ An tổ chức mới đây, bác sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng phòng Tổ chức, Sở Y tế Nghệ An cho hay: Sau khi có Nghị định 05/2023/NĐ-CP, Sở Y tế Nghệ An đã nhận được ý kiến từ 16 đơn vị y tế. Các ý kiến tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Sở Y tế Nghệ An đã tiếp thu toàn bộ ý kiến kiến nghị của các đơn vị, chắt lọc và đưa vào kiến nghị với Bộ Y tế. Hiện nay, Chính phủ mới ban hành Nghị định 05, sau Nghị định còn có Thông tư hướng dẫn hoặc văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ triển khai xuống các đơn vị thực hiện.