Ngành Y tế Nghệ An: Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư y tế

Thành Chung 13/03/2023 12:47

(Baonghean.vn) - Có 20 cơ sở y tế báo cáo thiếu thuốc với tổng số 3.030 mặt hàng thiếu, tổng giá trị trên 291 tỷ đồng.

Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của tất cả các điểm cầu bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Sáng 13/3, Sở Y tế Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các văn bản mới của Chính phủ, Bộ Y tế về công tác y tế và triển khai cuộc vận động ủng hộ xây nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2023- 2025.

Một nội dung lớn được đưa ra bàn bạc trong hội nghị này là giải quyết những vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư y tế và tình trạng thiếu thuốc, hoá chất.

Tỷ lệ trượt thầu thuốc, hoá chất cao

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Y tế đã thực hiện đánh giá công tác đấu thầu thuốc, hóa chất, nêu rõ những khó khăn và các giải pháp khắc phục. Theo đó:

Vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương sử dụng cho năm 2023-2024 với 232 mặt hàng có tổng giá trị gần 522 tỷ đồng. Kết quả lựa chọn được 182 mặt hàng trúng thầu với tổng giá trị trên 429 tỷ đồng (đạt 78% về danh mục, 82% về giá trị). Đối với 22% mặt hàng không trúng thầu, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tổ chức đấu thầu.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu với 186 gói thầu gồm 24.522 mặt hàng, tổng giá trị trên 2.490 tỷ đồng; đã tiến hành mời thầu 115 gói thầu gồm 11.931 mặt hàng (48,7%), tổng giá trị trên 1.492 tỷ đồng (59,9%). Kết quả lựa chọn được 7.020 mặt hàng trúng thầu (đạt 58,8% so với mời thầu), tổng giá trị gần 1.044 tỷ đồng (đạt 70,0% so với giá trị mời thầu).

Rất ít doanh nghiệp tham gia dự thầu gói dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Ảnh: Internet

Tỷ lệ trượt thầu ở các cơ sở y tế là 41,2%, trong đó 32% trượt thầu do không có nhà thầu dự thầu, 5% trượt thầu do vượt giá kế hoạch. Trong các gói thầu, gói thầu có tỷ lệ trượt thầu cao nhất là gói Vị thuốc cổ truyền (92%); gói thầu hóa chất (47,8%).

Có thể thấy rằng: Tỷ lệ trúng thầu các gói thầu do đơn vị y tế tự tổ chức đấu thầu thấp so với tỷ lệ trúng thầu của đấu thầu tập trung cấp địa phương và đấu thầu tập trung cấp quốc gia (82%). Công tác đấu thầu hóa chất, vật tư y tế chậm tiến độ, tính đến 5/3/2023, mới chỉ có 5,7% gói thầu hóa chất, vật tư sử dụng cho năm 2023 đã ban hành kết quả lựa chọn nhà thầu.

Có 20 cơ sở y tế báo cáo thiếu thuốc với tổng số mặt hàng thiếu 3.030 mặt hàng, tổng giá trị trên 291 tỷ đồng (Chiếm 12% so với tổng nhu cầu của các cơ sở y tế toàn tỉnh); có 8 cơ sở thiếu trên 20%; 8 cơ sở thiếu trên 10%; 4 cơ sở thiếu ít hơn 10%... Trong các mặt hàng thiếu, vị thuốc y học cổ truyền thiếu nhiều nhất với tỷ lệ thiếu 50%, tiếp theo là các mặt hàng hóa chất 16%.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến việc đấu thầu thuốc, hóa chất chưa đạt hiệu quả cao: Một số đơn vị không chủ động, tích cực trong công tác lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm đối với các gói thầu do đơn vị tự tổ chức đấu thầu.

Khả năng tổ chức lập kế hoạch đấu thầu mua sắm của một số đơn vị còn yếu. Nhân lực tham gia đấu thầu tại bệnh viện còn yếu và thiếu. Nhân viên y tế ngại tham gia vào công tác đấu thầu.

Bên cạnh đó, về khách quan, kết quả trúng thầu của các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá năm 2022-2023 có chậm hơn kế hoạch. Cơ sở khám chữa bệnh không kịp tổ chức đấu thầu khi chưa có kết quả đấu thầu tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương và đàm phán giá) bị chậm hoặc không lựa chọn được nhà thầu.

Trong đợt mua sắm thuốc chữa bệnh thông qua đấu thầu tại các đơn vị y tế, dịch truyền là mặt hàng có tỷ lệ trượt thầu cao. Ảnh: minh họa

Do nhu cầu khám, chữa bệnh sau đại dịch tăng khiến khó có thể dự đoán được chính xác nhu cầu sử dụng đối với từng loại thuốc nên việc lập kế hoạch quá thấp hoặc quá cao so với nhu cầu thực tế.

Trong xây dựng, thẩm định giá kế hoạch đấu thầu, do tâm lý e ngại nên thiếu công ty thẩm định giá độc lập tham gia thẩm định giá đối với thuốc, vật tư y tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 đơn vị thẩm định giá độc lập tiến hành thẩm định giá đối với thuốc, vật tư y tế, trong khi thẩm định giá nhà nước yêu cầu phải có thẩm định giá độc lập của các công ty thẩm định giá.

Nhà thầu không tham dự thầu đối với một số mặt hàng đã biến động, tăng so với giá kế hoạch được lập do tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó hoặc số lượng hàng hóa và giá trị mua sắm trong kế hoạch và hồ sơ mời thầu nhỏ không bù đắp được chi phí dự thầu và cung ứng hàng hóa.

Một số nhà thầu ngừng cung cấp thuốc khi công nợ của bệnh viện chưa được thanh quyết toán dứt điểm. Một số nhà cung cấp độc quyền không sẵn sàng cung ứng cho một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như các bệnh viện tư nhân. Đơn vị cung ứng thuốc không cung ứng kịp thời các thuốc thuộc danh mục thuốc kiểm soát đặc biệt.

Tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn

Tại hội nghị, các cơ sở y tế trong tỉnh đã có những ý kiến thảo luận, trao đổi liên quan tới những vướng mắc của công tác đấu thầu thuốc, hóa chất.

Dược sĩ Ngô Trí Diễm – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An nêu kiến nghị: Sở Y tế nghiên cứu đứng ra đấu thầu tập trung cấp địa phương một số mặt hàng nhỏ, lẻ, ít sử dụng giúp các đơn vị y tế. Với các mặt hàng này, nhà thầu không tham gia đấu thầu tại đơn vị do nhu cầu sử dụng của đơn vị ít, lợi nhuận ít. Nếu tổ chức đấu thầu tập trung ở cơ sở thì số lượng các mặt hàng này sẽ tăng lên nhiều lần, chắc chắn các nhà thầu sẽ tham gia.

Việc các nhà thầu không tham gia, trượt thầu nhiều mặt hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: Internet

Sở Y tế Nghệ An đã ghi nhận và có các phản hồi, giải đáp mang tính hướng dẫn, gỡ khó cho các cơ sở y tế. Để giải quyết vấn đề khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư y tế và tình trạng thiếu thuốc hiện nay, Sở Y tế Nghệ An yêu cầu các đơn vị y tế chủ động tổ chức đấu thầu lại đối với những mặt hàng không trúng thầu và không có mặt hàng thay thế khác; chủ động triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với 51% mặt hàng chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Cập nhật thông tin, triển khai kịp thời các chỉ đạo của Trung tâm mua sắm quốc gia đối với việc tổ chức đấu thầu, mua sắm đối với các thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia; đối với các thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đang tiến hành tổ chức đấu thầu mà chưa có kết quả.

Về phía Sở Y tế sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức đấu thầu của các cơ sở y tế; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm các mặt hàng không thuộc danh mục mua sắm tập trung; mặt hàng thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa có kết quả hoặc đã sử dụng hết số lượng trúng thầu.

Các phòng, ban chức năng của Sở thường xuyên liên hệ với các cơ sở y tế để kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thuốc và đưa ra các giải pháp tháo gỡ; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc của các đơn vị y tế, kịp thời chấn chỉnh đối với các đơn vị chưa thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, tổ chức cung ứng thuốc dẫn đến thiếu thuốc tại các cơ sở y tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An yêu cầu lãnh đạo các đơn vị y tế phải thật sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai các giải pháp mua sắm để cung ứng thuốc, hoá chất. Ảnh: Thành Chung

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Sở Y tế tiếp thu các ý kiến từ cơ sở y tế để có những kiến nghị với Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư y tế trong thời gian tới.

Trong bối cảnh chung thiếu thuốc, hoá chất cục bộ của các cơ sở y tế trong cả nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã có những văn bản chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn như Nghị quyết 30 NQ-CP. Đề nghị các đơn vị y tế nghiên cứu kỹ, nắm chắc, quán triệt rõ các nội dung văn bản; triển khai nghiêm túc, đúng quy định, kịp thời báo cáo các vướng mắc để có sự chỉ đạo kịp thời.

Lãnh đạo các đơn vị y tế phải thật sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai các giải pháp mua sắm để cung ứng thuốc, hoá chất kịp thời phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân… Hiện nay Sở Y tế nhận được báo cáo 20 đơn vị có thiếu thuốc nguyên nhân do không trúng thầu, tuy nhiên chưa đơn vị nào trình kế hoạch tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung. 20 đơn vị này cần sớm trình kế hoạch đấu thầu các mặt hàng còn thiếu.

Trong thời gian chờ Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30 NQ-CP, Sở Y tế sẽ kiến nghị UBND tỉnh có hình thức đấu thầu thuốc, vật tư, hoá chất hiệu quả trong thời gian tới… Các đơn vị y tế, các phòng ban của Sở Y tế tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc, có những ý kiến, kiến nghị để Sở Y tế cùng làm việc với các ngành liên quan, với Bộ Y tế nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Cũng tại hội nghị, Sở Y tế đã thực hiện quán triệt, triển khai các văn bản mới về công tác y tế, bao gồm: Nghị quyết 30 NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị; Nghị định 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị; Thông tư 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập; Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Sở Y tế Nghệ An cũng đã triển khai cuộc vận động ủng hộ xây nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2023-2025 đến tất cả các đơn vị, cán bộ, nhân viên y tế .

Mới nhất
x
Ngành Y tế Nghệ An: Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO