Nhiều bánh kẹo không rõ nguồn gốc bày bán ở vùng cao Nghệ An
Trên địa bàn vùng cao Nghệ An dịp cận Tết này, lượng người mua bánh kẹo tăng cao. Giữa hàng ngàn mặt hàng lẫn lộn tại các chợ và cửa hàng, ki ốt, người dân vùng cao rất khó phân biệt hàng thật, giả khi mua hàng Tết.
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc bán tràn lan
Dịp cận Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa, đặc biệt là bánh kẹo các loại tăng mạnh so với ngày thường. Điều đáng lo ngại, nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn mác... được bày bán tại các chợ, cửa hàng, ki ốt vùng miền núi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết đối với người tiêu dùng.
Có mặt tại khu vực chợ Hòa Bình ở thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương vào sáng 22/1 cho thấy, nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ được các chủ hàng bày bán công khai. Các loại bánh kẹo này được đóng gói sơ sài, không có thông tin nơi sản xuất.
Các loại bánh kẹo rẻ tiền như kẹo dồi, kẹo dẻo… được đựng trong túi ni lông trọng lượng 5 – 10kg/túi để bán lẻ cho khách. Trong bao bì có mảnh giấy ghi địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, tuy nhiên điều khó hiểu là ngày sản xuất được viết bằng nét mực bút bi. Điều này khiến khách hàng không khỏi băn khoăn, lo ngại.
Tình trạng bánh kẹo không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng... còn bán tại nhiều địa bàn khác. Tại chợ Mường Xén (Kỳ Sơn), theo quan sát của chúng tôi cho thấy, có một số loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, tem nhãn tự ý ghi ngày sản xuất bằng nét mực bút bi.
Anh Xồng Bá Chông ở xã Mường Ải cùng vợ đến chợ Mường Xén mua bánh kẹo Tết băn khoăn: Bánh kẹo Tết bán tràn ngập tại các ki ốt, nhưng để mua được hàng đảm bảo chất lượng là rất khó, bởi bản thân người mua không nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Khi được hỏi vì sao nhãn mác lại ghi bằng nét mực bút bi, người bán hàng cho rằng, tất cả hàng hóa đều được nhập từ thương lái. Tiểu thương chỉ biết nhập hàng, sau đó bán cho khách.
Một thực trạng đáng lo ngại nữa là hàng bánh kẹo quá hạn sử dụng cũng được bày bán tại một số cửa hàng ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Qua kiểm tra của đoàn liên ngành huyện Tương Dương phối hợp với thị trấn Thạch Giám vào sáng 21/1/2025 cho thấy, có những mặt hàng bánh tráng thông tin ngày sản xuất đóng trên bao bì 24/3/2024, hạn sử dụng đến ngày 24/11/2024, như vậy đã hết hạn sử dụng 2 tháng.
Các mặt hàng thực phẩm không rõ địa chỉ, không có hạn sử dụng cũng được bày bán tại các chợ miền núi. Người bán hàng cho rằng, do hàng được nhập theo thùng to, mỗi thùng chỉ có một tờ giấy ghi thông tin về hàng hoá, hạn sử dụng, nên trên bao bì mỗi gói hàng không ghi hạn sử dụng. Chính điều này khiến khách hàng không thể biết được hạn sử dụng của sản phẩm khi mua lẻ.
Tăng cường kiểm tra
Để giảm thiểu tình trạng hàng hóa bánh kẹo không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng… bán cho khách hàng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, từ ngày 20/1, các huyện miền núi: Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong… bắt đầu triển khai kiểm tra hàng hóa tại các chợ và ki ốt bán hàng trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Tương Dương, trước Tết đã tổ chức 18 đoàn kiểm tra, trong đó huyện thành lập 1 đoàn, còn lại 17 đoàn do các xã tổ chức. Đến ngày 22/1, các đoàn đã kiểm tra 369 cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, một số hộ kinh doanh chưa thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm như: kinh doanh một số loại thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc…
Theo đó, các đoàn đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính; số lượng hàng hóa tiêu hủy các loại gồm nước giải khát 91 chai các loại, 116 gói mì tôm các loại và một số dầu ăn, bánh kẹo hết hạn sử dụng. Ngoài ra, còn nhắc nhở một số chủ ki ốt kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Khó khăn đối với cơ sở là công tác quản lý an toàn thực phẩm cấp huyện chưa được bố trí kinh phí mua máy móc, phương tiện để thực hiện lấy mẫu, test nhanh các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Cán bộ thực hiện công tác an toàn thực phẩm lĩnh vực Nông nghiệp cấp xã đều phải kiêm nhiệm, địa bàn quản lý rộng, nên công tác quản lý an toàn thực phẩm cấp xã chưa thật sự hiệu quả. Do đó, đề nghị các lực lượng chức năng cấp tỉnh được phân công phụ trách địa bàn huyện cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ hơn nữa với đoàn liên ngành của huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra để đạt kết quả cao hơn”, ông Nguyễn Văn Hoà cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết: Từ ngày 21/1 (22 tháng Chạp) đến 10/3/2025, UBND huyện triển khai công tác đảm bảo Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội mùa Xuân 2025 trên địa bàn huyện, theo kế hoạch đã được xây dựng. Trong đó, trọng tâm là thực hiện tốt việc triển khai các hoạt động truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm đến tận các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Qua kiểm tra tại một số cửa hàng kinh doanh buôn bán bánh kẹo, nước giải khát trên địa bàn thị trấn Mường Xén và các xã: Huồi Tụ, Phà Đánh… cho thấy tình trạng chung là nhiều mặt hàng bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, hoặc hạn sử dụng không rõ ràng… Theo đó, đoàn chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tuyên truyền bà con chọn mua những mặt hàng rõ nguồn gốc xuất xứ.