Kinh tế

Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ: 'Nói mãi' vẫn 'khổ lắm'!

Văn Trường 04/07/2024 14:09

Thời gian qua, ngành chức năng tại Nghệ An liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái... Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại ở Nghệ An diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Ngành chức năng kiểm tra các cửa hàng vàng bạc ở Nghệ An. Ảnh: P.V
Ngành chức năng kiểm tra các cửa hàng vàng bạc ở Nghệ An. Ảnh: P.V

Mới đây, vào cuối tháng 4/2024, Đội Quản lý thị trường số 11, phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh kiểm tra cửa hàng kinh doanh vàng của một doanh nghiệp địa bàn huyện Diễn Châu, phát hiện cửa hàng bán 2 chiếc lắc bằng kim loại màu vàng mang nhãn hiệu của CHANEL có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, với giá trị gần 25 triệu đồng.

Trước đó, ngày 28/3/2024, tại siêu thị Trung Vân, địa chỉ khối 2A, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện lô dao cạo râu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gillette. Đây là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Ngày 23/01/2024, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện đối tượng Trương Văn Lĩu, trú tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu giữ 2.200 chiếc tẩu thuốc lá điện tử, 2.400 sản phẩm mỹ phẩm và 61 bình khí cười N2O, trị giá hàng hóa khoảng 1,7 tỷ đồng.

Máy bơm nước bày bán ở một cửa hàng hầu hết là hàng nhái. Ảnh: Văn Trường
Máy bơm nước bày bán ở một cửa hàng hầu hết là hàng nhái. Ảnh: Văn Trường

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, lực lượng chức năng gặp những khó khăn, như các đối tượng hợp thức hóa hàng lậu bằng các hóa đơn bán hàng không đúng thực tế; sử dụng hóa đơn khống, quay vòng hóa đơn cho nhiều lô hàng; sử dụng xe đầu kéo và sơ mi rơ - moóc có niêm phong kẹp chì để vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp, gia cố thêm ngăn, vách hầm bí mật trên xe để giấu các loại hàng cấm.

Các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh, như bán hàng tổ chức các buổi livestream trên mạng xã hội Facebook.

van truong 3
Hầu hết các mặt hàng tại một siêu thị xã Diễn Hồng (Diễn Châu) không niêm yết giá. Ảnh: Văn Trường

Ông Trần Đức Tuấn - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 cho biết: Hiện nay, một số đối tượng vận chuyển hàng giả, hàng cấm trên đường cao tốc, lực lượng quản lý thị trường không được phép dừng phương tiện. Vì vậy, cần phải có giải pháp để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả trên tuyến đường cao tốc.

Thời điểm này, phóng viên đã tìm hiểu thực tế, cho thấy địa bàn tỉnh có khá nhiều các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái đang được bày bán. Có mặt tại một siêu thị chuyên bán đồ điện máy ở thị trấn Diễn Châu thấy một số sản phẩm như chảo rán, máy bơm nước không có nhãn mác, không có tem chống hàng giả. Khi chúng tôi hỏi nhân viên bán hàng cần mua nồi cơm điện nhưng phải xuất hóa đơn, nhân viên này cho biết: “Hàng ở đây bọn em không xuất được hóa đơn”.

Mặt hàng chảo được bán ở một siêu thị tại huyện Diễn Châu không có nhãn hiệu và tem chống hàng giả. Ảnh: Văn Trường
Mặt hàng chảo được bán ở một siêu thị tại huyện Diễn Châu không có nhãn hiệu và tem chống hàng giả. Ảnh: Văn Trường

Chúng tôi tìm đến một siêu thị khác chuyên bán đồ bách hóa tổng hợp ở xã Diễn Hồng (Diễn Châu), tại đây thấy có nhiều hàng bánh kẹo, nước mắm, xúc xích, thạch… Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng đều không được niêm yết giá.

Mặt hàng nước mắm không niêm yết giá ở siêu thị xã Diễn Hồng (Diễn Châu). Ảnh: Văn Trường
Mặt hàng nước mắm không niêm yết giá ở siêu thị xã Diễn Hồng (Diễn Châu). Ảnh: Văn Trường

Thị trường điện thoại “lướt” ở thành phố Vinh phát triển khá mạnh, tại một cơ sở chuyên bán điện thoại "lướt" trên đường Quang Trung, thành phố Vinh có khá đông khách hàng vào mua. Điện thoại ở đây hầu hết là hàng xách tay, chủ yếu nhập từ Hong Kong, Singapore với giá cả hợp lý.

Ví dụ, iPhone 15 Pro Max 256GB hiện có giá gần 30 triệu đồng, nhưng mua hàng xách tay giá chỉ 27 triệu đồng/chiếc. iPhone 14 Pro Max 256GB mới có giá trên 25 triệu đồng, hàng xách tay chỉ 21-22 triệu đồng, hàng "lướt" iPhone 11 Pro Max giá 11 triệu đồng. Chủ cửa hàng này cho biết: "Người dùng mua hàng xách tay sẽ không được hưởng chế độ bảo hành theo quy định của Apple, mà chỉ được bảo hành tại cửa hàng của chúng tôi".

Son thỏi - hàng xách tay không rõ nguồn gốc ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường
Son thỏi - hàng xách tay không rõ nguồn gốc ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường

Tại địa bàn thị trấn Quỳnh Lưu, huyện Quỳnh Lưu có khá nhiều cơ sở bán mỹ phẩm như son, phấn, nước hoa, kem nền, kem chống nắng chủ yếu là hàng xách tay không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tăng cường siết chặt quản lý

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Ông Dương Công Lý - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho biết: Đối với Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) có nguy cơ tiềm ẩn về vận chuyển trái phép các chất ma túy. Đơn vị thường xuyên phối hợp, với các lực lượng chức năng tại địa bàn như Công an huyện Kỳ Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Phòng Cảnh sát Kinh tế môi trường (Công an tỉnh) trong việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu, đường biên nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, tội phạm ma túy.

6 tháng đầu năm, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính 29 vụ, thu nộp ngân sách 267 triệu đồng.

Hàng xách tay kem chống nóng không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Văn Trường
Hàng xách tay kem chống nóng không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Văn Trường

Ông Đậu Ngọc Long - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Diễn Châu cho biết: Hàng năm, huyện đã thành lập đoàn liên ngành tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều mặt hàng được bày bán vi phạm về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, vẫn còn tình trạng bán hàng quá hạn sử dụng.

Trong công tác kiểm tra, xử lý vẫn gặp những khó khăn, như không có trang thiết bị, phương tiện để phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2024, các ngành và lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính 4.233 vụ; khởi tố hình sự 896/1163 vụ. Tổng giá trị thu phạt 115 tỷ đồng.

Một sạp hàng ở huyện Diễn Châu bán quần bò nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ảnh: Văn Trường
Một sạp hàng ở huyện Diễn Châu bán quần jean nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ảnh: Văn Trường

Được biết, hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phổ biến ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ vùng sâu, vùng xa đến các quán hàng rong hè phố, cửa hàng tạp hóa tại các đô thị trên địa bàn Nghệ An.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn mang tính hình thức, lan tỏa trong cộng đồng chưa cao. Việc cài cắm cơ sở, nắm thông tin thị trường và dự báo chuyên sâu còn thiếu và yếu. Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng bán tràn lan trên các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường đã thực hiện các giải pháp; Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Công Thương, Y tế… với các sở ngành, chính quyền các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả.

Điều khiển nhái ti vi Sam Sung bán 80.000 đồng/chiếc ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Điều khiển nhái ti vi Samsung bán với giá 80.000 đồng/chiếc ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng hành với các cơ quan chức năng đấu tranh không sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh cá thể, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn.

Tăng cường quản lý địa bàn nắm chắc thông tin diễn biến thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các loại đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả trên từng địa bàn. Xác định các đối tượng trọng điểm để xây dựng phương án đấu tranh, chủ động bố trí lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, xử lý.

Cơ quan quản lý thị trường tiêu hủy xúc xích không rõ nguồn gốc bốc mùi hôi thối được bắt giữ tại huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V
Cơ quan quản lý thị trường tiêu hủy xúc xích không rõ nguồn gốc đã bốc mùi hôi thối được bắt giữ tại huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhất là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… cần triển khai các giải pháp đồng bộ về nghiệp vụ. Xác định được chính xác địa chỉ các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý.

Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ: 'Nói mãi' vẫn 'khổ lắm'!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO