Kinh tế

Nhiều địa phương của Nghệ An đề xuất giải pháp tăng tốc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Hoài Thu 01/12/2024 11:14

Nhận diện nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương có những kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm tăng tỷ lệ giải ngân, đặc biệt là nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được triển khai trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước. Các ngành, các cấp có sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo đầu tư công tập trung có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng dàn trải.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề; tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu đầu vào biến động mạnh. Thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động đầu tư công, trong đó, có các chương trình mục tiêu quốc gia.

Mô hình trồng khôi nhung tía dưới tán rừng ở bản Coọc, xã Yên Hòa (Tương Dương) từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia. Ảnh: Hoài Thu
Người dân bản Coọc, xã Yên Hòa (Tương Dương) trồng dược liệu dưới tán rừng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Hoài Thu

Để đẩy nhanh tiến độ và tỷ lệ giải ngân đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương ở Nghệ An đã có những kiến nghị, đề xuất đến các ban, ngành cấp trên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện giải ngân, triển khai các dự án. Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Tương Dương đảm bảo tiến độ, giải ngân đến ngày 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch vốn.

Tuy nhiên, những tồn tại, vướng mắc vẫn còn. Ví như việc dự kiến tổng mức đầu tư các dự án vẫn còn hạn chế, chưa dự trù chính xác tổng dự toán, nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do trượt giá, thay đổi định mức... Vẫn còn vướng quy định của luật, ví dụ, vướng mắc về nội dung đánh giá tác động môi trường, thiếu nguồn đất đắp, chuyển đổi đất rừng mất nhiều thời gian...

Vì vậy, để xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn chính xác, đảm bảo đủ vốn thực hiện cần xác định rõ nhu cầu, dự trù được việc tăng giá trong tương lai, nâng hạn mức dự phòng. Để giải quyết các vướng mắc của luật cần phải đề xuất điều chỉnh luật, điều chỉnh các quy định liên quan theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, cơ sở, nhất là các dự án quy mô nhỏ trên địa bàn 1 huyện.

bản Văng Môn Nga My7
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế từ nguồn hỗ trợ vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Hoài Thu

Lãnh đạo huyện Tương Dương cũng đề xuất cấp Trung ương tăng cường hỗ trợ đầu tư cho các huyện miền Tây Nghệ An, các huyện biên giới, nhất là các huyện có nhiều dự án thủy điện, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Xem xét đề xuất điều chỉnh lại các quy định liên quan, ví như tại các luật: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, cơ cở, quy định cụ thể theo từng loại dự án, tương ứng với tổng mức đầu tư dự án phù hợp.

Đối với huyện Thanh Chương, cho biết về những hạn chế cần khắc phục để tăng tốc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo UBND huyện cho biết, giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia nguồn ngân sách Trung ương trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp “khó” khi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng các chủ đầu tư chưa chủ động triển khai thực hiện.

Nguyên nhân do nguồn vốn ngân sách huyện hỗ trợ và ngân sách xã để đầu tư xây dựng các công trình là từ nguồn cấp quyền sử dụng đất, nhưng do thị trường đấu giá cấp quyền sử dụng đất bị chững lại cả về số lượng lẫn giá đất, nên các chủ đầu tư chưa có nguồn vốn. Ngoài ra, các chủ đầu tư khi đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng các công trình chưa rà soát kỹ càng khả năng đảm bảo nguồn vốn đối ứng, nhất là các công trình chủ yếu là phần đối ứng ngân sách địa phương.

HĐND tỉnh giám sát hiệu quả thực hiện giải ngân đầu tư công tại huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu MInh Quân
HĐND tỉnh giám sát hiệu quả thực hiện giải ngân đầu tư công tại huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu MInh Quân

Vì vậy, huyện Thanh Chương đề xuất giải pháp khắc phục, như: Đôn đốc các chủ đầu tư rà soát khả năng đảm bảo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án còn lại. Đối với các công trình thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 chưa triển khai thực hiện, thì đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định trình HĐND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 còn lại để các chủ đầu tư thanh toán khối lượng hoàn thành, và triển khai thực hiện các công trình chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Đối với các dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh có nguồn đối ứng của ngân sách huyện: Do nguồn vốn đối ứng ngân sách huyện để đầu tư xây dựng các dự án chủ yếu từ nguồn cấp quyền sử dụng đất, nhưng do thị trường đấu giá cấp quyền sử dụng đất bị chững lại cả về số lượng lẫn giá đất nên không có khả năng đảm bảo nguồn vốn để đối ứng đầu tư xây dựng các công trình. Vì vậy, đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát Dự án Nâng cấp tuyến đường du lịch từ Quốc lộ 7 đến khu du lịch thác Khe Kèm. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát các dự án đầu tư công tại huyện Con Cuông. Ảnh: Mai Hoa

Việc khó khăn trong tìm nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án đầu tư công không chỉ các địa phương Tương Dương, Thanh Chương gặp phải, mà là tình trạng chung ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng cao, vùng miền núi. Và nguyên nhân chủ yếu là do huyện khó khăn trong tìm nguồn vốn đối ứng khi nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất, đấu giá đất bị hạn chế, không hiệu quả.

Đối với những phản ánh của địa phương, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện các cuộc giám sát, tiếp thu và tổng hợp để trình các cấp, ngành, đưa vào nội dung công tác theo thẩm quyền để từng bước tháo gỡ. Trong thời gian tới, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2019, vì vậy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm, tổng hợp các vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật Đầu tư công để kiến nghị với Quốc hội trong quá trình thảo luận, thông qua dự thảo Luật.

Mới nhất

x
Nhiều địa phương của Nghệ An đề xuất giải pháp tăng tốc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO