Gian nan việc 'trẻ hóa' đội ngũ Tổng phụ trách Đội
(Baonghean.vn) - Tổng phụ trách Đội được coi là người đóng “nhiều vai” ở các nhà trường. Cùng với những đặc thù riêng nên việc tuyển chọn giáo viên vào làm Tổng phụ trách Đội hiện đang gặp nhiều khó khăn.
“Già hóa” đội ngũ Tổng phụ trách Đội
Sinh năm 1974 và đã chuẩn bị lên chức bà, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Minh Hạnh vẫn đảm nhiệm công tác Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thanh Lâm (Thanh Chương). Chị là một trong những Tổng phụ trách Đội nhiều tuổi nhất tham gia Hội thi Tổng phụ trách Đội cấp tỉnh. Cô Hạnh nói rằng, chị muốn mang về thành tích cho nhà trường và tạo động lực cho những giáo viên trẻ cùng cố gắng.
Tròn 25 năm gắn bó với vai trò Tổng phụ trách Đội, chị cho biết, đây là công việc lý thú với nhiều hoạt động bổ ích và nhờ làm công tác Đội chị thấy mình trẻ hơn nhiều so với tuổi. Tuy nhiên, với mong muốn công tác Đội của nhà trường có nhiều đổi mới, năng động, chị mong sớm có người thay thế. Hoặc ít nhất, có những người cùng đam mê, nhiệt huyết để chị từng bước đào tạo, bồi dưỡng.
“Tôi công tác xa nhà, cống hiến nhiều năm nên muốn dành thời gian cho gia đình và tập trung làm chuyên môn. Nhưng quả thực, tìm được người trẻ đã khó, tìm được người hiểu và yêu công việc lại khó hơn nên dù đã đề xuất 2 năm nhưng trường vẫn chưa tìm được người đáp ứng đủ yêu cầu”, cô Hạnh chia sẻ.
Gần 50 tuổi, thầy giáo Nguyễn Doãn Công - Trường THCS Nghĩa Hoàn cũng là một trong những Tổng phụ trách Đội lớn tuổi nhất của huyện Tân Kỳ. Bản thân anh vốn là giáo viên thể dục, nhưng vốn thích các hoạt động ngoại khóa, có nhiều năng khiếu riêng, nên từ năm 2002, anh đã được nhà trường tín nhiệm để phụ trách thêm công tác Tổng phụ trách Đội.
Theo quy định, thời hạn giáo viên Tổng phụ trách Đội thường chỉ 5 năm, nhưng việc khó tìm người thay thế khiến anh kéo dài công việc này từ niên hạn này sang niên hạn khác. Thậm chí, ngay cả đến thời điểm này anh vẫn chưa biết khi nào sẽ được nghỉ vì nhà trường chưa biết khi nào mới tìm được người phù hợp để thay thế.
Nói thêm về công việc đặc thù của mình, thầy giáo Nguyễn Doãn Công cho biết: Mặc dù tôi rất thích công tác Tổng phụ trách Đội, nhưng so với trước đây thì hiện nay người đã đứng tuổi như tôi hoạt động khó hiệu quả, bởi nhiệt huyết không còn cao như ngày trẻ.
Tại Hội thi giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh vừa tổ chức, huyện Tân Kỳ có chỉ tiêu 4 giáo viên được tham dự. Tuy nhiên, sau khi rà soát ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện, số giáo viên đủ tiêu chí chỉ còn lại 2 người và đều ở độ tuổi ngoài 40.
Nói thêm về điều này, bà Võ Thị Huyền Nhung - chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ cho biết: Hiện nay, những người làm công tác Tổng phụ trách Đội trên địa bàn đều là giáo viên kiêm nhiệm và ở độ tuổi đã khá cao, từ 40-45 tuổi. Thời gian tới, để “trẻ hóa” đội ngũ rất khó khăn vì đây là công việc đặc thù.
Người làm Tổng phụ trách Đội ngoài nhiệt huyết, đam mê còn cần phải có năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và đặc biệt phải có kinh nghiệm, nhất là khi hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi phải tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp. Khó khăn hiện nay, đặc biệt là ở bậc THCS đó là lâu nay các trường hầu hết không tuyển thêm biên chế. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ kế cận gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường bồi dưỡng “nhân tố mới”
Một ngày làm việc của thầy giáo Nguyễn Cao Bằng - giáo viên dạy môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Thái Sơn (Đô Lương) thường kéo dài đến gần 18 giờ chiều. Khung thời gian làm thêm của thầy chủ yếu dành cho giờ học ngoại khóa thường được tổ chức vào cuối mỗi buổi học và hoàn toàn miễn phí với nhiều nội dung phong phú như nhảy dân vũ, tập nghi thức Đội, hát múa tại sân trường.
Cách đây 4 năm, thầy Bằng là thủ khoa tại Hội thi giáo viên Tổng phụ trách Đội cấp tỉnh. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác Đội, hiện thầy Bằng còn là Ủy viên Hội đồng Đội cấp huyện, là giáo viên nòng cốt thường tham gia vào công tác tập huấn, kỹ năng nghiệp vụ và công tác Đội do Hội đồng Đội huyện Đô Lương tổ chức. Qua quá trình làm công tác Đội tại nhà trường, thầy Bằng chia sẻ: Khi mới làm Tổng phụ trách Đội ai cũng có những bỡ ngỡ riêng.
Tuy nhiên, muốn thành công thì ngoài năng khiếu phải có sự đam mê, ham học hỏi và phải có kế hoạch cụ thể, trọng tâm trong năm để bố trí thời gian phù hợp. Những kinh nghiệm này tôi cũng thường chia sẻ với các đồng nghiệp.
Toàn huyện Đô Lương có 53 chi đội tại các nhà trường, cùng với đó, có 53 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội. Ngoài làm công tác kiêm nhiệm, hiện độ tuổi của các Tổng phụ trách Đội đã khá cao, với 36 người từ 40 tuổi trở lên.
Từ thực tế trên, những năm qua, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện Đô Lương đã xác định cần phải nhanh chóng bồi dưỡng, đào tạo lớp kế cận để trẻ hóa đội ngũ Tổng phụ trách Đội tại các nhà trường. Gần đây nhất, tại Cuộc thi giáo viên Tổng phụ trách Đội cấp tỉnh, huyện có 3 giáo viên đạt giải Nhất, Nhì, Ba đều là những giáo viên trẻ, dưới 35 tuổi. Trong thành công chung này có sự đóng góp không nhỏ của thầy Bằng và một số Tổng phụ trách Đội khác trên địa bàn.
Nói thêm về điều này, anh Nguyễn Tất Hùng - Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện cho biết: Tổng phụ trách Đội lớn tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Trong khi đó, họ lại có nhiệt huyết, có kinh nghiệm, có nhiều kỹ năng vượt trội. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng chúng tôi xem đây là lực lượng chính làm nòng cốt để hỗ trợ những người trẻ tuổi.
Về việc già hóa đội ngũ Tổng phụ trách Đội, tại cuộc thi giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh mới đây đã đưa ra những con số báo động khi số lượng giáo viên đăng ký dự thi của một số huyện còn thấp, có huyện chỉ 1 người tham dự vì khó tìm được người đủ yêu cầu. Tỷ lệ tham gia chưa đạt 10% (76/889 Tổng phụ trách Đội trên toàn tỉnh) là quá ít so với yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, trong danh sách 76 giáo viên đăng ký ban đầu, chỉ có 9 giáo viên từ 29 - 33 tuổi, số còn lại có 53 giáo viên từ 34 - 43 tuổi và 14 giáo viên từ 44 – 49 tuổi, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1974. Qua quá trình tổ chức, ban tổ chức cũng nhận định “phần lớn các giáo viên Tổng phụ trách Đội đã lớn tuổi nên còn có tâm lý ngại tham gia”.
Với những khó khăn hiện nay, anh Nguyễn Hồ Phước - Trưởng ban Trường học, Tỉnh đoàn Nghệ An nói rằng: Để trẻ hóa đội ngũ làm Tổng phụ trách Đội thì các nhà trường cần phải tìm kiếm đội ngũ kế cận và có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn. Về phía Tỉnh đoàn Nghệ An sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn và các đơn vị liên quan tạo điều kiện để cùng tham gia tập huấn, triển khai nhiều hoạt động và tổ chức các trại huấn luyện để các Tổng phụ trách Đội có cơ hội được cọ xát, nâng cao năng lực nghiệp vụ.
Về đội ngũ Tổng phụ trách Đội ở các nhà trường, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực tế ở các nhà trường, nhiều giáo viên không mặn mà với công việc này, vì ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, đây còn là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự tâm huyết. Trong khi đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ chưa đảm bảo và áp lực công việc lại cao. Việc “trẻ hóa” vì lẽ đó sẽ còn nhiều gian nan.
Về đội ngũ Tổng phụ trách Đội ở các nhà trường, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực tế ở các nhà trường, nhiều giáo viên không mặn mà với công việc này, vì ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, đây còn là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự tâm huyết. Trong khi đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ chưa đảm bảo và áp lực công việc lại cao. Việc “trẻ hóa” vì lẽ đó sẽ còn nhiều gian nan.