Kinh tế

Nhiều diện tích lúa xuân mất mùa

Phú Hương 14/05/2025 10:51

Vụ xuân năm nay, nhiều diện tích lúa vụ xuân ở Nghệ An bị mất năng suất, thậm chí mất trắng.

 Bông lúa vẫn có nhiều hạt nhưng hạt lép, không vào sữa. Ảnh- Phú Hương copy
Bông lúa vẫn có nhiều hạt nhưng hạt lép, không vào sữa. Ảnh: Phú Hương.

Nhiều ruộng gặt lúa non

Gieo cấy 4 sào lúa, nhưng ông Nguyễn Văn Khương ở xóm Tân Ninh, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) chỉ được thu hoạch 1 sào lúa thuần trổ sau 15/4. Diện tích 3 sào còn lại ở xứ đồng Hồ Đì, cấy giống lúa Hà xuyên bị mất hoàn toàn. “Lúa trổ từ ngoài 10/4, thời kỳ làm đòng gặp rét, cây lúa trổ ì ì, không nhanh và thoát như bình thường, bông lúa vẫn có phơi mao nhưng không cúi được, bông rất nhiều hạt nhưng bóp thấy là hạt lép, không ngậm sữa, có nhân”, ông Khương chán nản.

 Lúa vẫn trổ bông nhưng năng suất giảm nặng nề. Ảnh- Phú Hương
Lúa vẫn trổ bông nhưng năng suất giảm nặng nề. Ảnh: Phú Hương

Xã Diễn Nguyên có hơn 391 ha lúa, nếu vụ xuân năm ngoái lúa rất được mùa thì năm nay, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng trên địa bàn xã, rất nhiều diện tích lúa đã bị hiện tượng thoái hoá đầu bông, trổ không thoát, thậm chí người dân đã cắt non hơn 1 ha lúa mất trắng để làm thức ăn cho trâu bò và tập trung bón phân, chăm sóc để lên lúa chét, khoảng 20 ngày nữa sẽ có bông non và 1 tháng rưỡi nữa cho thu hoạch. Số còn lại bà con vẫn để lúa trên ruộng, hy vọng có biến chuyển đồng thời gieo mạ sản xuất lúa hè thu.

 Cán bộ HTX DVNN xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) cho biết- Trong rất nhiều năm trở lại đây, lúa vụ xuân mới bị mất mùa nặng như thế này. Ảnh- Phú Hương
Từ rất nhiều năm trở lại đây, lúa vụ xuân mới bị mất mùa nặng như thế này. Ảnh: Phú Hương

Theo ông Đào Xuân Tú, giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã: Do nhiều cánh đồng sâu sục nên Diễn Nguyên thường cấy trước lịch thời vụ của huyện. Năm nay, một số giống bị mất mùa nặng thậm chí mất hoàn toàn năng suất, nhiều nhất là giống lúa Hà xuyên; một số diện tích khi làm đòng gặp rét, bóc ra đã thấy bị thoái hoá từ khi ôm đòng.

Ngoài mất trắng, một số ruộng cấy giống ADI, HDT mức độ thiệt hại nhẹ hơn, vẫn có hạt chắc và vớt vát năng suất từ 1,2- 2 tạ/sào. Nhìn chung, đây đều là những diện tích bắt đầu trổ từ ngày 10/4; trong khi những ruộng lúa trổ từ 20/4 trở đi, bông lúa trổ rất dài và thoát, hạt chắc, chỉ một số ít diện tích bị thoái hoá đầu bông.

Năm nay, gia đình chị Trần Thị Hương ở xóm Đông Yên, xã Đông Thành (Yên Thành) gieo cấy 12 sào lúa Hà xuyên, VT404, AJ73 và hoàn toàn bị mất năng suất. Tình trạng đó xảy ra với lúa xuân của rất nhiều hộ dân trong xã và hiện một số hộ đã cắt lúa non cho trâu bò ăn đồng thời chuẩn bị gieo mạ vụ hè thu, tuy nhiên mức độ khác nhau. Gieo cấy 3 sào lúa Thái Xuyên, bà Nguyễn Thị Hải cũng ở xóm Đông Yên cho biết: “Lúa cấy từ 10/1 nhưng rét dài nên mới trổ từ 15/4, giai đoạn làm đòng có mưa và lạnh. Nếu mọi năm đạt 4 tạ/sào thì vụ này may ra được khoảng 1,5- 2 tạ. Những ruộng trổ sau đỡ hơn nhiều”.

Vụ xuân năm nay huyện Yên Thành gieo cấy hơn 12.000 ha lúa. Hiện tượng lúa bị thoái hoá đầu bông, trổ không thoát và bông không cúi tập trung nhiều ở các xã Mã Thành, Tân Thành, trên các vùng hóc chọ được bà con tranh thủ hễ có nước là gieo cấy; ngoài ra rải rác ở một số xã khác tuy nhiên đều rơi vào những diện tích cấy sớm, trổ sớm.

Gieo cấy sớm bất chấp khuyến cáo

Theo ông Lê Văn Hồng, trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Thành, thì năm nay do thời tiết âm u, lạnh kéo dài, ngày nắng ít nên đã kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa. Một số diện tích lúa trổ gặp mưa rét, không có nắng nên trổ không bung thoát, bông lúa chỉ trổ được khoảng 5-7 phân trong khi bình thường lúa phải trổ thoát 20- 30 phân; thời gian trổ cũng kéo dài từ 10- 15 ngày trong khi bình thường lúa chỉ trổ trong 5- 7 ngày; nhiều diện tích bị thoái hoá đầu bông, hạt lép. “Huyện xây dựng lịch thời vụ bắt đầu gieo cấy tập trung từ sau ngày 20/1, những vùng chạy lụt khuyến cáo gieo cấy trước từ 7- 10 ngày; thế nhưng bà con vẫn cấy trước lịch từ 10- 15 ngày.

 Nhiều diện tích lúa vụ xuân đã bị cắt bỏ. Ảnh- Phú Hương
Nhiều diện tích lúa vụ xuân đã bị cắt bỏ. Ảnh: Phú Hương

Thời gian qua, trên địa bàn một số địa phương như Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ… đã xuất hiện tình trạng cây lúa vụ xuân không trổ thoát, không cúi được bông và thoái hoá đầu bông, trên hầu hết các loại giống lúa tuy nhiên mức độ, tỷ lệ thiệt hại ở từng giống khác nhau. Theo nhận định ban đầu, hầu hết đây là những diện tích gieo cấy trước lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp và các địa phương đưa ra, thậm chí có những diện tích cấy sớm 15- 20 ngày; giai đoạn phân hoá đòng gặp thời tiết bất thuận dẫn đến nhiều diện tích bị các hiện tượng như trên dẫn đến giảm năng suất nặng nề thậm chí mất mùa hẳn.

 Nông dân Yên Thành gặt lúa non về làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh- Phú Hương
Nông dân Yên Thành gặt lúa non về làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: Phú Hương

Vụ xuân năm nay, lịch gieo mạ của Nghệ An bắt đầu từ ngày 2-15/1 và cấy sau khi mạ 21 ngày tuổi, nghĩa là từ 22/1 mới bắt đầu cấy; riêng nhóm giống có thời gian sinh trưởng dưới 125 ngày được khuyến cáo không gieo mạ trước ngày 10/1; nếu gieo thẳng thì gieo muộn hơn từ 5 - 7 ngày so với lịch gieo mạ; những vùng Hè thu chạy lụt có thể gieo trồng sớm hơn 5 - 7 ngày so với khung thời vụ.

Lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp xây dựng dựa trên tính toán về mọi yếu tố liên quan; nhằm đảm bảo lúa tập trung trổ từ 15/4 - 30/4, là thời điểm thời tiết thường rất thuận lợi, tránh cho cây lúa làm đòng và trổ gặp mưa rét cuối vụ. Gieo cấy sớm bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn, nếu may mắn, cây lúa vẫn giữ được năng suất, nhưng rủi ro mất mùa do thời tiết là rất lớn.

Ông Nguyễn Tiến Đức, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nhiều diện tích lúa xuân mất mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO