Nhiều kết quả nổi bật của các cơ quan báo chí Nghệ An sau sắp xếp theo quy hoạch
Từ năm 2021, tỉnh Nghệ An đã giảm 4 cơ quan báo chí, còn 3 cơ quan báo chí theo quy hoạch.
Trước thời điểm khi triển khai Quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An có 7 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, gồm: Báo Nghệ An, Đài PT-TH Nghệ An, Báo Lao động Nghệ An, Báo Công an Nghệ An, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Sông Lam và Tạp chí Khoa học và Công nghệ.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào tháng 8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3270/QĐ.UBND ngày 25/9/2020 phê duyệt “Đề án thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí tỉnh Nghệ An đến năm 2025”.
Theo đó, giải thể Báo Lao động Nghệ An (Cơ quan chủ quản là Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An) chuyển một số phóng viên, biên tập viên có nhu cầu về công tác tại Báo Nghệ An, số khác chuyển về Liên đoàn Lao động tỉnh bố trí công tác phù hợp chuyên môn.
Giải thể Tạp chí Văn hóa Nghệ An (Cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa - Thể thao); đồng thời sáp nhập nguyên trạng vào Tạp chí Sông Lam để tiếp tục hoạt động; Tạp chí Sông Lam và Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật tỉnh có trách nhiệm xây dựng đề án để nâng cao chất lượng, xuất bản Tạp chí Sông Lam phù hợp với điều kiện sau khi sáp nhập.
Giải thể Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ); đồng thời chuyển thành Đặc san thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Báo Công an Nghệ An (Cơ quan chủ quản là Công an Nghệ An) thực hiện theo điểm c, khoản III, điều 1 tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cụ thể, “Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của Công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020”.
Đến năm 2021, Nghệ An đã hoàn thành Quy hoạch báo chí. Theo đó, tỉnh có 3 cơ quan báo chí gồm: Báo Nghệ An (thuộc Tỉnh ủy); Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An (thuộc UBND tỉnh) và Tạp chí Sông Lam (thuộc Hội Liên hiệp VHNT tỉnh) theo đúng quy định tại Quyết định số 362 là: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi thực hiện quy hoạch có 3 cơ quan báo chí, trong đó 1 cơ quan báo in thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (và Báo điện tử); 1 cơ quan Tạp chí in thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh (và Tạp chí điện tử) và 1 Đài Phát thanh - Truyền hình (1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình).
Về việc tổ chức sắp xếp các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, nhằm xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực làm nòng cốt trong việc cung cấp thông tin, có vai trò định hướng dư luận xã hội và đảm bảo nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Sắp xếp các cơ quan báo chí gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.
Theo kết quả công bố của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nghệ An và Đài PT-TH Nghệ An đều được xếp loại xuất sắc về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024.
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là sự kiện có ý nghĩa trong việc tạo tiền đề quan trọng định hướng phát triển cho các cơ quan báo chí trong công cuộc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.