Nhiều người lao đao vì vỡ hụi

Tiến Hùng 27/10/2023 10:32

(Baonghean.vn) - Vỡ hàng loạt dây hụi hàng trăm tỷ đồng đã khiến cho nhiều người dân lâm vào cảnh lao đao.

Hàng quán ế ẩm

Tại những địa phương xảy ra tình trạng “vỡ hụi dây chuyền”, hàng loạt chủ hụi cùng tuyên bố “vỡ nợ”, dù nhiều người trong số đó vẫn còn khả năng chi trả.

Buổi sáng trung tuần tháng 10, trước cổng chợ Tân Thành (huyện Yên Thành), đã không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán như trước. Bên trong chợ, những tiểu thương ế khách “tụm 5, tụm 7” trò chuyện. Hầu hết những câu chuyện của họ đều xoay quanh vấn đề vỡ hụi, từ việc chủ hụi này vừa bỏ trốn, chủ hụi kia mới tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán. Cạnh đó, có nhiều gian hàng đóng cửa kín mít. Hỏi ra mới biết, chủ cửa hàng là nạn nhân của các chủ hụi. Vừa mất tiền, công việc kinh doanh lại gặp khó nên đã phải bỏ đi làm thuê nơi xứ người.

bna_Bà Hoa ôm hàng trăm tỷ rời khỏi địa phương để lại căn nhà 3 tầng trước cổng chợ Tân Thành..jpg
Bà Hoa ôm hàng trăm tỷ đồng rời khỏi địa phương, để lại căn nhà 3 tầng trước cổng chợ Tân Thành. Ảnh T.H

Có mặt tại xã Tân Thành những ngày này, không khó để nhận ra cảnh đìu hiu. Chỉ mới 2 năm trở về trước, xã này vẫn được xem là điểm sáng về phát triển kinh tế ở Yên Thành. Đời sống kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt, với tốc độ phát triển nhanh.

“Đây là giai đoạn lịch sử tồi tệ của xã nhà, vỡ hụi càn quét quá ghê gớm, ảnh hưởng đến quá nhiều gia đình”, ông Phạm Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Tân Thành thở dài.

Theo ông Chính, kể từ sau các vụ vỡ hụi liên tiếp, kinh tế của địa phương đi xuống rất nhiều. Nếu như trước đây, trong chợ Tân Thành cũng như các hàng quán, cảnh mua bán rất nhộn nhịp thì bây giờ ế ẩm, cuộc sống trở nên trầm lắng. Người dân cũng chẳng còn dám ăn tiêu. Nhiều người bị mất tiền phải đổ xô đi xuất khẩu lao động, đi tỉnh khác làm thuê.

“Vụ vỡ hụi đầu tiên xảy ra vào cuối năm 2022. Thấy chủ hụi này không bị xử lý gì nên nhiều chủ hụi khác cũng học theo, đồng loạt tuyên bố vỡ nợ, dù họ vẫn còn khả năng thanh toán. Từ đó, xảy ra tình trạng vỡ hụi dây chuyền. Số tiền bị mất của người dân rất lớn, chúng tôi chưa có thống kê cụ thể”, ông Chính nói thêm.

bna_Nhiều người dân đứng trước nhà chủ hụi ở Hợp Thành để đòi tiền..jpg
Nhiều người dân đứng trước nhà chủ hụi ở xã Hợp Thành để đòi tiền. Ảnh T.H

“Cơn bão” vỡ hụi ở xã Tân Thành từ việc gia đình bà Lê Thị Hoa (54 tuổi), bất ngờ “mất tích”. Vợ chồng bà Hoa quê ở Thanh Hóa, vào buôn bán ở Tân Thành từ 25 năm trước. Nhiều năm nay, bà làm chủ nhiều dây hụi. Tuy nhiên, cuối năm 2022, sau khi đã gom hàng trăm tỷ đồng từ các hụi viên và vay mượn của người dân, cả gia đình bà Hoa âm thầm rời khỏi Tân Thành. Vụ việc khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng, đứng chờ trước căn nhà bà Hoa suốt nhiều ngày.

Tuy nhiên, đến nay cả gia đình bà Hoa vẫn vui vẻ sống tại quê ở Thanh Hóa. Thấy trường hợp của bà Hoa không bị xử lý, nhiều chủ phường hụi khác cũng tuyên bố vỡ nợ theo.

Bài học đắt giá

Không chỉ ở Tân Thành, các xã như Đức Thành, Hợp Thành, Sơn Thành…, cũng lâm vào cảnh tương tự. Tại xã Hợp Thành, nhiều hộ gia đình đang khá giả, nhưng cũng chỉ vì vỡ hụi bỗng lâm vào cảnh nợ nần. Tất cả họ đều là nạn nhân của chủ hụi 44 tuổi ở xóm Đình Phụng. Người này đứng ra thu tiền hụi của hàng trăm người dân, nhưng tháng 10/2022 bất ngờ tuyên bố vỡ nợ. Hơn 60 người dân đã làm đơn trình báo và khởi kiện dân sự ra Tòa án nhân dân huyện.

Cho đến nay, sau 1 năm, nhiều hộ dân vẫn thường xuyên tụ tập trước cổng nhà chủ hụi để hy vọng đòi được tiền. Ông Hòa Mạnh Linh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, vụ việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Nhiều người dân bức xúc thường xuyên đến trước nhà chủ phường để tập trung đòi tiền; đã có xô xát xảy ra.

Theo các phường viên, sau khi nhận tiền phường xong, chủ hụi đã mua đất, làm nhà cho 2 đứa con ở TP. Vinh, mua 2 ô tô để 2 cha con sử dụng, đầu tư mua rất nhiều lô đất và còn gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên, gần đây gia đình chủ hụi đã âm thầm chuyển nhượng hầu hết các tài sản sang cho người khác, rút tiền tại ngân hàng…

bna_Tân Thành từng là điểm sáng về phát triển kinh tế nhưng bị chững lại chỉ vì phường hụi..jpg
Tân Thành từng là điểm sáng về phát triển kinh tế nhưng bị chững lại chỉ vì phường hụi. Ảnh T.H

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ vỡ họ, hụi, khiến nhiều người tham gia có nguy cơ bị mất tài sản, mới đây, Bộ Công an đã phát cảnh báo tới người dân. Theo Bộ Công an, tuy hoạt động này không bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tham gia. Do đó, người dân cần nhận diện rõ những rủi ro khi tham gia hụi, họ và nâng cao cảnh giác, tránh để kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an cho hay, hoạt động này là tập quán, dựa trên niềm tin và các mối quan hệ. Do vậy, người tham gia thường không đề cao cảnh giác. Mặt khác, không giống như các loại hình cho vay, tiết kiệm khác, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo. Mặc dù pháp luật đã quy định việc tham gia họ phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay. Khi xảy ra các vụ vỡ hụi, họ hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người tham gia khó có thể được bồi thường một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, đây là hoạt động mang tính tự phát, thường ít công khai; trong khi số lượng người tham gia đông nhưng lại ít biết về nhau, ít thông tin về điều kiện kinh tế, mục đích của chủ họ, hụi. Chủ họ, hụi cũng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia (thậm chí gian dối trong mục đích, phớt lờ các quyền được xem thông tin của người tham gia), không báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định.

Hoạt động này dựa trên niềm tin, cơ chế tự kiểm soát (thường người kiểm soát và điều hành là chủ hụi, họ), nhưng nếu có đông người tham gia thì cơ chế này bộc lộ hạn chế. Nhất là đối với người tham gia thiếu sự cảnh giác, không nắm rõ quy định pháp luật, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý liên quan. Nhiều chủ họ có thể lợi dụng uy tín, mối quan hệ hoặc sẽ trả lãi cao để thu hút nhiều người tham gia, thậm chí vượt quy định về trả lãi của Bộ luật dân sự. Chủ hụi, họ thường không thực hiện thỏa thuận bằng văn bản, thỏa thuận bằng miệng, gian dối trong việc cung cấp thông tin về dây họ và không thực hiện báo cáo, quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật.

Thành viên hụi có thể lĩnh hụi, nhận lãi một vài kỳ. Một số trường hợp chủ hụi có ý định lừa đảo thì có thể trả lãi rất cao, sau khi người tham gia hụi, họ đã đóng hụi hoặc thậm chí lôi kéo người thân tham gia, khi thu được số tiền góp hụi đủ lớn thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền góp hụi và bỏ trốn.

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an khuyến cáo: Người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến họ như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng), nắm rõ về điều kiện của chủ họ, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ họ, thành viên góp họ quy định tại Nghị định số 19 năm 2019 của Chính phủ. Người dân nên tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ họ để có thể đặt niềm tin khi góp họ. Tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây họ định tham gia, có thể yêu cầu chủ họ cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi họ, số tiền góp họ, tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ họ, các thành viên góp họ để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có; lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi, họ. Nếu chủ họ điều hành từ 2 dây họ trở lên hoặc số tiền góp họ từ 100 triệu trở lên thì phải báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm. Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây họ của chủ họ bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ họ thì cần báo cho chính quyền địa phương để nắm, giải quyết kịp thời.

Mới nhất
x
Nhiều người lao đao vì vỡ hụi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO