Nhiều người ở Nghệ An mất tiền bởi chiêu trò lừa đảo giả mạo shipper
Hiện nay, tại Nghệ An đang rộ lên thủ đoạn giả danh shipper gọi điện cho khách hàng thông báo có đơn hàng online, yêu cầu chuyển tiền thanh toán để chiếm đoạt tài sản.
Nhiều nạn nhân sập bẫy
Công việc bận rộn nên chị Thái Thị Thanh Thủy, cư dân chung cư Kim Trường Thi, đường Võ Thị Sáu, TP. Vinh thường xuyên mua sắm online, đặt hàng qua mạng. Do shipper chủ yếu giao hàng trong giờ hành chính nên chị Thủy thường không nhận hàng trực tiếp mà nhờ shipper gửi hàng hộ ở tầng 1 chung cư, sau đó, chuyển khoản cho shipper, về nhà mới kiểm tra và lấy hàng sau.
Đầu tháng 10/2024, chị Thủy có đặt một đơn hàng trên mạng với giá trị 400.000 đồng. Ngay hôm sau, có 1 số điện thoại liên hệ tự nhận là shipper đang giao mặt hàng này đến, nhờ chị Thủy lấy hàng. Do không ở nhà nên chị Thủy vẫn nhắn shipper để hàng ở tầng 1 chung cư như cũ và sẽ chuyển khoản.
Chị Thủy cho biết: “Chỉ vài phút sau khi giao hàng, shipper liên tục gọi điện, nhắn tin giục tôi chuyển tiền. Họ bảo rằng, do phải giao nhiều đơn nên phải thanh toán nhanh để kịp giao đơn cho người khác. Khi đó tôi bận việc, chủ quan nên đã chuyển số tiền hàng cho shipper".
“Điều đáng nói, sau khi chuyển khoản thành công, shipper đã gọi điện lại, bảo rằng, đã gửi nhầm số tài khoản, rồi gửi 1 đường link Facebook nói rằng, nhờ tôi truy cập vào để báo với công ty hỗ trợ hoàn trả lại tiền. Lúc này, tôi mới nghi ngờ và nhờ hàng xóm xuống tầng 1 kiểm tra xem có hàng không thì đúng như dự đoán, không có đơn hàng nào của tôi được giao. Lập tức tôi chất vấn lại thì shipper giả mạo này tắt máy, gọi điện lại cũng không liên lạc được…”, chị Thủy chia sẻ. Do đơn hàng không quá lớn nên chị Thủy đã không trình báo với cơ quan chức năng và đăng bài lên mạng xã hội để mọi người cảnh giác.
Với thủ đoạn tương tự, chị T.N - ở phường Hòa Hiếu, TX. Thái Hòa cũng đã bị lừa đơn hàng trên 600.000 đồng. Chị T.N cho biết: Tôi có đặt hàng trên mạng với tổng số tiền là 635.000 đồng. Hôm sau có shipper gọi điện đang giao hàng tại nhà. Do số điện thoại lạ và giọng khác với shipper thường hay giao nên tôi có hỏi lại thì shipper này bảo rằng, hôm nay chạy thay cho shipper cũ đang bận công việc.
Mặc dù vậy, do người này nói đúng tên hàng, số tiền mà tôi đã đặt với shop trước đó nên tôi đã tin tưởng bảo họ đưa hàng cho ông bà đang ở nhà và đã chuyển khoản đúng số tiền mua hàng. Chỉ vài phút sau, họ lại gọi lại bảo rằng, đã gửi nhầm số tài khoản, nhờ truy cập vào đường link để được hỗ trợ nhận lại tiền. Đến lúc này, tôi mới giật mình nhận ra dấu hiệu lừa đảo nên đã gọi điện về nhà, người nhà báo rằng, không nhận được đơn hàng nào cả, gọi lại cho shipper giả mạo này thì đã không liên lạc được.
Ngay lập tức, tôi đã liên hệ với shop mình đặt hàng thì chủ shop nói rằng, bên shop đang đóng hàng, chưa gửi đi, khi đó mình mới biết đã bị lừa. Điều bức xúc nhất với tôi không phải là số tiền bị mất mà là thông tin mua hàng của mình, địa chỉ nhà đã bị các đối tượng xấu biết và lợi dụng để lừa đảo...
Chị T.N, T.X Thái Hòa
Thực tế, trong 1 tháng trở lại đây, hình thức lừa đảo giả làm shipper giao hàng đã nở rộ trên cả nước. Tại địa bàn Nghệ An, nhiều nạn nhân từ thành thị đến nông thôn cũng đã bị lừa mất tiền thông qua hình thức này. Có những đơn hàng từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu. Đặc biệt, nếu truy cập vào đường link mà shipper giả cung cấp và làm theo các bước thì sẽ bị mất hết số tiền trong tài khoản.
Nâng cao cảnh giác
Theo cơ quan Công an, giả danh shipper lừa đảo chuyển khoản để nhận hàng là hình thức lừa đảo mới nhưng đã khiến rất nhiều nạn nhân sập bẫy.
Trong điều kiện cách mạng công nghệ 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, dịch vụ giao, nhận hàng tại nhà cũng phát triển mạnh, tuy nhiên, đây cũng là môi trường, điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn phố biến nhất là đánh vào tâm lý người mua do chủ quan hoặc không có điều kiện nhận sản phẩm trực tiếp, kẻ xấu giả mạo là nhân viên giao hàng (shipper) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình thức của thủ đoạn này là thông qua các buổi bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, số đối tượng lừa đảo tổ chức thu thập thông tin khách hàng đặt mua sản phẩm từ các bình luận công khai hoặc mua thông tin khách hàng qua các kênh thông tin khác. Khi đã có được thông tin, các đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là người giao hàng để gọi giao hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà. Nếu người nghe nói không nhận hàng được, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng để gửi hàng cho người quen, hàng xóm. Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý với đề nghị này và chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Sau khi nhận được tiền, chúng có thể sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền, sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link có chứa "mã độc" để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền của nạn nhân rồi cắt đứt liên lạc.
Trong trường hợp người nhận hàng nói rằng có thể nhận hàng trực tiếp, đối tượng sẽ lập tức tắt máy bởi đối tượng mà chúng nhắm đến là những người thường xuyên bận rộn, không thể trực tiếp nhận hàng.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương ở khối 12, phường Trường Thi, TP. Vinh cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, tôi có nhận được các cuộc gọi từ nhiều số điện thoại giả danh shipper gửi hàng đề nghị chuyển tiền. Tuy nhiên, do giọng nói phía shipper vừa có giọng ngoài Bắc, vừa có giọng miền Nam, không phải người Nghệ An nên tôi đã yêu cầu giao hàng trực tiếp. Sau khi biết không lừa được tôi nên các đối tượng đã tắt máy và chặn số điện thoại.
Thượng tá Nguyễn Xuân Khoa - Phó phòng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay hình thức lừa đảo giả danh shipper đã xuất hiện tại nhiều địa phương, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có thông tin rõ ràng và tuyệt đối không truy cập vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh "mắc bẫy" kẻ gian. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó, người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.