Kinh tế

Chuyện nghề shipper nơi miền Tây xứ Nghệ

Xuân Hoàng - Quang An 13/10/2024 14:00

Mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội ngày càng "hot" đã tạo ra một nghề mới: shipper. Những người làm nghề shipper nơi miền Tây xứ Nghệ không những đối mặt với quãng đường dài hiểm trở, mà còn gặp những chuyện “dở khóc, dở cười”.

Gian nan trên quãng đường dài

Ngày nào cũng vậy, dù đến bất kỳ địa phương nào trên các huyện miền núi cao, dễ dàng bắt gặp những người làm nghề shipper chạy xe vun vút qua đèo dốc. Theo các shipper, đặc thù của vùng miền núi, quãng đường từ thị trấn vào các xã, bản rất xa, cùng đó bà con thường vào nương rẫy sản xuất nên không có sóng điện thoại. Bởi vậy, sau khi liên lạc và hẹn giờ giao hàng là phải điều khiển xe chạy kịp thời, nếu không nhanh sẽ không gặp được khách để giao hàng.

Anh La Thanh Tuấn ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), làm nghề shipper, sáng sớm nào cũng cột thùng đựng hàng hóa lên con "ngựa sắt" để ra kho tại khu vực thị trấn Mường Xén nhận đơn hàng.

Clip: Quang An - Xuân Hoàng

Anh Tuấn chia sẻ, để tiện cho việc giao hàng trên chặng đường dài đến các thôn, bản, hàng hóa được phân chia thành từng địa chỉ phù hợp từ xa đến gần. Anh Tuấn được giao nhiệm vụ giao hàng cho khách từ thị trấn Mường Xén, dọc theo tuyến đường 543D vào các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải với chiều dài quãng đường trên 80km.

Các shipper tập trung tại Thị trấn Mường Xén để lấy hàng giao cho người dân các xã
Các shipper tập trung tại thị trấn Mường Xén để nhận đơn hàng giao cho khách hàng. Ảnh: Quang An

Theo anh Tuấn, nghề shipper không đòi hỏi bằng cấp, kỹ năng nhiều, chỉ cần có sức khoẻ, chăm chỉ, chịu khó và sự năng động, nhạy bén. Chỉ cần chiếc xe máy làm phương tiện di chuyển, có điện thoại thông minh để liên lạc, tiện thanh toán tiền bằng quét mã QR và thông thạo địa bàn… là có thể sống được với nghề.

Hàng ngày đội ngũ shipper phải đi đến những bản làng xa xôi. Ảnh: Quang An
Hàng ngày đội ngũ shipper phải đi đến những bản làng xa xôi. Ảnh: Quang An

“Mặc dù không lúc nào hết việc, nhưng nghề này không kém phần vất vả. Đầu tiên là đường sá đi lại khó khăn, từ kho hàng ở thị trấn Mường Xén vào các thôn, bản phải chạy xe máy từ 70 - 80km đường toàn đèo dốc.

Bất cập nữa là nhiều thôn, bản sóng điện thoại chập chờn nên nhiều lúc không thể liên lạc được với khách hàng. Lúc ấy, chỉ còn cách hỏi đường vào bản tìm nhà để giao hàng. Gian nan nhất, về mùa mưa nhiều khi nhận hàng xong chạy vào đến gần điểm giao hàng thì đường bị sạt lở không vào được, đành gọi điện thoại cho khách hàng để thông cảm…”, anh Tuấn trải lòng.

có những đơn hàng ship đến nhưng người dân không ở nhà
Có những đơn hàng ship đến tận nơi, nhưng người dân không ở nhà, không liên lạc được điện thoại, đành bó tay. Ảnh: Quang An

Nói về thu nhập, anh Tuấn chia sẻ thêm, do quãng đường xa xôi, gập ghềnh, “con ngựa sắt” lại phải hoạt động liên tục mỗi ngày, do đó, ngoài những chi phí về xăng xe, dầu nhớt, còn phải thay săm, lốp, nhông xích… đều đặn 2 – 3 tháng/lần. Đây cũng là khoản chi phí không hề rẻ. Mỗi ngày tích cực lắm anh Tuấn cũng giao được từ 50 – 80 đơn hàng, thu về từ 500.000 – 900.000 đồng. Tháng 9 vừa rồi anh Tuấn chạy được gần 10 triệu đồng, sau khi trừ chi phí xăng xe, ăn uống, còn dư 6 triệu đồng, chưa kể hao mòn xe.

Anh Vi Văn Cường ở bản Lở, xã Xá Lượng (Tương Dương), mặc dù mới gắn bó với nghề shipper hơn 3 tháng nay, nhưng không thể nhớ hết những kỷ niệm buồn vui trong nghề, thậm chí có những chuyện “dở khóc, dở cười”.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng shipper Vi Văn Cường vẫn vượt khó bám nghề
Dù gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng Vi Văn Cường vẫn vượt khó bám nghề shipper. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Cường cho biết, ngày 9/10, anh nhận 83 đơn hàng, nhưng chỉ giao được 61 đơn, còn 22 đơn phải mang về. Nguyên nhân do không gặp được khách hàng và có những khách cố tình không nhận hàng. Khó nhất là khách hàng đặt tên “ảo”, tức là lấy tên người khác, nên không giao hàng được. Có trường hợp, gặp đúng người nhận hàng, nhưng bất lực bởi không có tiền trả và nhiều câu chuyện không kể bằng lời được. Dù sao mỗi ngày cũng giao được từ 40 – 50 đơn hàng, được trên dưới 500.000 đồng, trừ tiền xăng 60.000 đồng, tiền ăn 100.000 đồng, trừ chi phí, mỗi tháng bình quân thu nhập 6 – 7 triệu đồng.

Nghề shipper đối với nam thanh niên đã vất vả, nhưng với nữ giới thì thêm phần lo lắng hơn. Chị Lan, một shipper trên địa bàn huyện Tương Dương cho hay, “thân gái dặm trường” chạy xe một mình giữa “thâm sơn cùng cốc” để giao hàng cho khách nhiều lúc đối diện với bao hiểm nguy, nhất là những lúc phải về trong đêm tối, vì lỡ chờ khách về nhận hàng.

Chuyện "dở khóc, dở cười"

Hoạt động kinh doanh, mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội ngày càng phát triển đã tạo ra nghề shipper. Dù ở đâu, lúc nào, miễn là chiếc điện thoại thông minh có sóng wifi là người dân có thể xem hàng và đặt mua được hàng. Thói quen mua sắm của xã hội và ngày càng trở nên “hot” thì nghề shipper càng có nhiều việc để làm hơn.

Vì thế, ở khu vực thị trấn của các huyện miền núi, dễ dàng nhận thấy các chi nhánh giao hàng khác nhau. Mỗi sáng hàng ngày, tại đây tập trung đông đúc đội ngũ làm nghề shipper để nhận hàng đi giao cho khách trong ngày.

niềm vui lớn nhất của các shipper miền núi là gặp được khách và giao được hàng
Niềm vui lớn nhất của các shipper miền núi là gặp được khách và giao được hàng. Ảnh: Xuân Hoàng

Chị Nguyễn Thị Hằng, quản lý chi nhánh giao hàng Viettel Post ở khu vực thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) cho biết: Chi nhánh của chị quản lý có 7 nhân viên giao hàng phụ trách toàn bộ 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cung đường xa nhất mà các nhân viên giao hàng đảm nhận là tuyến đường vào các xã: Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn, Xiêng My…

Thu nhập của shipper thì tùy vào quãng đường và trọng lượng của đơn hàng. Theo đó, quãng đường gần nhất là khu vực thị trấn được hưởng 5.000 đồng/đơn hàng, ngoài ra đều chung một mức giá 10.000 đồng đồng/đơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào trọng lượng của đơn hàng, từ 2kg trở xuống là 10.000 đồng/đơn hàng, trên 2kg thì thêm 500 đồng/kg.

Những người làm nghề shipper là thanh niên có sức khỏe, nhanh nhẹn, chịu khó, nên mỗi ngày giao được số lượng đơn hàng nhiều, thu nhập khoảng 12 - 14 triệu đồng/tháng (bao gồm chi phí như xăng xe, ăn uống...).

Chị Hằng còn nhớ nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” đối với nghề giao hàng ở vùng miền núi này. Đơn cử như chuyện shipper uống rượu với khách dẫn đến say không biết đường về. Rồi chuyện khách hàng chửi bới, đòi đánh shipper, vì hàng không như ý muốn, họ cứ nghĩ shipper là người bán hàng.

hoang 1
Những người làm nghề shipper ở miền núi luôn bị áp lực trước biết bao khó khăn, vất vả. Ảnh: Xuân Hoàng

Vì thế, hàng tháng có tới 10% đơn hàng bị trả lại, với những lý do: Đặt hàng cho vui, xem hàng không đúng như quảng cáo, không gặp được khách... Do vậy, những người làm nghề shipper đòi hỏi phải yêu nghề. Song, cũng có trường hợp buộc phải sa thải nhân viên, do không làm chủ được bản thân.

“Đã có trường hợp nam giới trong lúc đi giao hàng trong dân bản, khi gặp khách hàng là thân quen, người ta mời vào nhà uống rượu. Do quá say nên nằm nghỉ nhà người ta, không thể đi giao hàng được. Hậu quả là chẳng những không giao được hàng kịp thời cho khách, mà hàng và tiền trong người cũng mất mát. Những nhân viên giao hàng như vậy buộc phải chấm dứt hoạt động”, chị Hằng chia sẻ.

bna_sipe(1).jpg
Miền Tây xứ Nghệ với đặc thù địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi, nên giao thông không những xa xôi mà còn trắc trở. Ảnh: Xuân Hoàng

Có thể thấy, shipper là nghề tạo nguồn thu nhập chính đáng cho một bộ phận lao động trẻ ở vùng miền núi hiện nay. Với đặc thù của vùng miền Tây xứ Nghệ là địa bàn rộng, giao thông khó khăn, nhất là đường vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa... nên phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của đội ngũ làm nghề shipper này./.

Mới nhất
x
Chuyện nghề shipper nơi miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO