Hệ thống trạm bơm 4AC xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đang chạy hết công suất cả ngày lẫn đêm để tưới nước chống hạn. Ông Nguyễn Trung Chính, Trạm trưởng trạm bơm 4AC cho biết: Trạm quản lý 10 trạm bơm, trong đó có 3 trạm bơm lớn, mỗi trạm có 3 máy bơm đạt công suất 3.600 m3/giờ. Hệ thống tưới cho trên 1.000 ha lúa của các xã Kim Liên, Hùng Tiến, Xuân Lâm và một phần xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên).
Những ngày này, 10 trạm bơm trên địa bàn hoạt động từ 17-20 giờ/ngày để tưới cho lúa. Dự kiến đợt bơm kéo dài 10-12 ngày, cùng với đó các công nhân phải bám hệ thống kênh tưới để dồn ép nguồn nước đến tận chân ruộng cho nhân dân. Hiện nay do nắng nóng kéo dài, nguồn nước được lấy từ hệ thống Ba Ra Nam Đàn về thấp hơn so với mức thiết kế, trong ngày phải chờ triều lên mới bơm được. Chưa kể trời nắng nên khi bơm bị bốc hơi nước khá nhanh, dẫn đến tình trạng một số diện tích lúa vừa bơm xong đã khô cạn mặt ruộng.
Ông Nguyễn Sơn Trà-Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi Nam Đàn cho biết: Xí nghiệp có 19 trạm bơm điện nằm dọc sông Lam, tưới cho 2.500 ha lúa cho huyện Nam Đàn, thời điểm này các công nhân đều ăn tại trạm để vận hành bơm nước. Hiện nay có những thời điểm mực nước sông Lam xuống thấp nên công tác bơm gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, hệ thống trạm bơm địa bàn huyện Nam Đàn hiện có trên 100 trạm bơm đang hoạt động hết công suất để tưới cho 5.400 ha lúa hè thu. Do nắng nóng kéo dài nên vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số xã. Nếu trời không mưa trong mấy ngày tới huyện Nam Đàn sẽ có nguy cơ bị hạn trên 500 ha lúa tập trung ở các xã Hùng Tiến, Xuân Lâm, Kim Liên, Nam Anh, Nam Xuân…
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam quản lý 42 trạm bơm, phục vụ tưới tiêu cho 27.000 ha lúa, (trong đó 85% là diện tích bơm điện). Trước, trong khi bơm phải thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước, tuyệt đối không được bơm khi độ mặn vượt quá mức cho phép. Đối với một số vùng lúa hè thu mặc dù không đăng ký tưới với đơn vị nhưng khi bị hạn đơn vị vẫn bơm cấp nước tưới.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là hầu hết các trạm bơm của đơn vị đang xuống cấp. Hằng năm, công ty đều duy tu, bảo dưỡng, hư hỏng đến đâu thay thế, sửa chữa đến đó. Do hệ thống trạm bơm cũ, lạc hậu nên quá trình bơm phải thực hiện “ép” nước nên tiêu tốn điện năng, tăng số lượng công nhân vận hành dồn ép nước.
Để ứng phó với nắng hạn, đơn vị còn chuẩn bị trên 20 máy bơm dầu dã chiến đặt ở các vị trí sông cụt, ao đầm để “cứu” lúa khi cần thiết.
Những ngày này hệ thống trạm bơm địa bàn huyện Yên Thành cũng hoạt động hết công suất. Anh Nguyễn Kiên, Cụm trưởng Cụm thủy nông Đại Thành thuộc Xí nghiệp Thuỷ lợi Yên Thành cho biết: Cụm tôi gồm 9 công nhân, có nhiệm vụ vận hành 2 trạm bơm nước tưới cho gần 465 ha lúa của 5 xã Đại Thành, Lý Thành, Mỹ Thành, Liên Thành, Minh Thành. Đợt nắng nóng này trạm bố trí thay phiên nhau bơm 24/24 h. Để đạt hiệu quả chúng tôi thực hiện phương châm "cao - xa tưới trước, thấp - gần tưới sau", khi vận hành bơm không để nước tràn kênh gây lãng phí nước, hao tổn điện năng…
Vụ hè thu năm nay, Yên Thành gieo cấy 12.800 ha lúa, để đối phó với hạn hán, huyện Yên Thành đã chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi và các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động bơm nước dự trữ trong các ao hồ, hệ thống kênh mương. Huy động lực lượng nạo vét kênh mương, chuẩn bị các máy bơm dã chiến để phục vụ chống hạn; đối với những vùng nguy cơ thiếu nước cao thì chuyển sang sản xuất cây trồng cạn.
Các trạm bơm phân công công nhân vận hành kiểm tra tuyến kênh dẫn, đồng ruộng, kịp thời điều tiết, phân phối “dồn, ép” nước hợp lý để đảm bảo nguồn nước tưới.
Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi, hiện nay đang là thời kỳ cao điểm cấp nước cho gieo cấy, tưới dưỡng cho lúa vụ hè thu - mùa năm 2023, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức bất lợi cho sản xuất. Để đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu, địa bàn Nghệ An hiện có trên 500 trạm bơm, do hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và các đơn vị thuỷ lợi quản lý, hiện nay các trạm bơm đều hoạt động hết công suất.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và các Công ty TNHH Thủy lợi phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ đạo các tổ chức thủy nông cơ sở quản lý nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm.
Trên cơ sở nguồn nước hiện tại, rà soát bổ sung phương án chống hạn vụ hè thu - mùa. Các địa phương, đơn vị thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trên các dòng sông (nhất là tại các cửa sông), kênh dẫn và tại các bể hút các trạm bơm, thông báo kịp thời cho các hộ dùng nước biết.
Quản lý chặt chẽ nguồn nước, tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới đảm bảo dẫn nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.
Tập trung lấy nước vào hệ thống khi các hồ thủy điện xả để tăng nguồn nước; tận dụng đầm, ao hồ, bàu biền, sông cụt, các kênh trục lớn để tích trữ nước nội đồng. Lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bảo dưỡng máy móc thiết bị, sẵn sàng vận hành bơm chống hạn.
Khó khăn đối với hệ thống bơm trên địa bàn tỉnh hiện nay là có nhiều trạm bơm được xây dựng từ những năm 70-90 nên đã xuống cấp, hao tổn điện năng nhiều, hoạt động chưa hiệu quả.