Pháp luật

Nhiều vấn đề cần làm rõ khi hủy bỏ Dự án chợ Cầu Thông

Tiến Đông 20/06/2024 07:21

UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 64/QĐ-UBND ngày 10/1/2024, về việc bãi bỏ các văn bản pháp lý đối với Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông. Tuy nhiên, đằng sau sự việc này vẫn còn có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.

Đã nhận tiền bồi thường vẫn không chịu di dời

Sau khi UBND tỉnh ban hành Văn bản số 64, vào ngày 15/3/2024, Báo Nghệ An đã có bài viết "Đi tìm nguyên nhân UBND tỉnh hủy bỏ Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông", phản ánh những lý do dẫn đến việc UBND tỉnh hủy bỏ các quyết định liên quan đến Dự án Xây dựng chợ Cầu Thông, kể từ năm 2010 đến năm 2014.

Chợ Cầu Thông
Khu A chợ Cầu Thông sau một thời gian xây dựng và đưa vào sử dụng đã được dỡ bỏ để chủ đầu tư thực hiện chuyển đổi, nhưng không được UBND tỉnh đồng ý, nay đang để không. Ảnh: Tiến Đông

Đi sâu tìm hiểu vấn đề này chúng tôi được biết, trước năm 1992 khu vực chợ Cầu Thông thuộc quản lý của Hợp tác xã Ánh Hồng, do ông Trịnh Xuân Phụng làm chủ nhiệm với 2 khu đất, có tổng diện tích hơn 2.300m2. Đến năm 1992, Hợp tác xã Ánh Hồng giải thể đã bàn giao đất lại cho UBND phường Trung Đô quản lý. Phần nhà xưởng trên đất được Hợp tác xã Ánh Hồng bán lại cho ông Trịnh Xuân Phụng và sau đó ông Phụng đã thuê lại khu đất này để làm mặt bằng xây dựng ki- ốt sản xuất, kinh doanh và hình thành nên tổ hợp Thành Vinh. Trong quá trình này, gia đình ông Phụng đã cho con rể là ông Phan Trọng Nguyên cùng ở và kinh doanh trên khu đất.

Dự án Xây dựng chợ Cầu Thông được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể từ năm 2005. UBND TP. Vinh sau đó giao cho UBND phường Trung Đô làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do không có kinh phí thực hiện, từ năm 2007, UBND TP. Vinh đã đồng ý cho Công ty CP Xây dựng sản xuất thương mại Trang Anh (gọi tắt là Công ty Trang Anh), làm chủ đầu tư thay UBND phường Trung Đô.

Theo Quyết định Phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB được UBND TP. Vinh lập năm 2005 khi thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông thì tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB tài sản của hộ ông Trịnh Xuân Phụng là 302,6 triệu đồng.

Biên bản bàn giao tiền
Biên bản bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù được gia đình bà Xuân (vợ ông Phụng) ký nhận với sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông được chuyển sang cho Công ty Trang Anh, ngày 3/7/2008 bà Nguyễn Thị Xuân (vợ ông Phụng) đã có đơn trình bày và đơn xin nhận tiền đền bù. Bởi vì trong suốt quá trình làm thủ tục đền bù đều do ông Trịnh Xuân Phụng đứng tên, nhưng thời điểm đó, ông Phụng vừa mới qua đời nên bà Xuân đứng ra nhận thay. Cùng ngày, UBND phường Trung Đô có biên bản bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù giữa UBND phường Trung Đô và hộ bà Nguyễn Thị Xuân với số tiền 302,6 triệu đồng trên diện tích khoảng hơn 2.300m2. Trong đó, đã giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 1.800m2, còn lại khoảng gần 500m2 (gồm nhà cấp 4 và nhà kinh doanh karaoke), gia đình chịu trách nhiệm tự giải tỏa bàn giao cho Công ty Trang Anh trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ số tiền nêu trên. Tức ngày 18/7/2008 là phải bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Đến thời điểm này, đã gần 16 năm trôi qua kể từ ngày nhận hơn 300 triệu đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB, gia đình bà Xuân vẫn không chịu bàn giao hết mặt bằng. Trong khi đó, ông Phan Trọng Nguyên và bà Trịnh Thị Thu Tâm (con gái ông Phụng, bà Xuân), từ chỗ chiếm đất trái phép, lại quay sang yêu cầu chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

bna_cong-nha-ong-phan-trong-nguyen-6ec47e72b86953b36703092e34f7ee30.jpg
Cổng nhà ông Phan Trọng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông

Tiền lệ xấu?

Trở lại câu chuyện UBND tỉnh ban hành Quyết định 64, bãi bỏ các quyết định liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông. Trong quyết định này, UBND tỉnh cũng giao cho các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, rà soát các thủ tục để thực hiện các bước tiếp theo khi hủy bỏ các văn bản nêu trên theo đúng quy định pháp luật hiện hành; phối hợp với nhà đầu tư đánh giá các chi phí, nghĩa vụ tài chính, đất đai để xử lý, tham mưu phương án xử lý các vấn đề liên quan đến dự án theo quy định.

Ngày 7/2/2024, UBND TP. Vinh đã có Văn bản số 767/UBND-QLĐT về việc xử lý các nội dung liên quan đến việc hủy bỏ pháp lý Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông. UBND thành phố đề nghị Công ty Trang Anh rà soát, tổng hợp các chi phí, nghĩa vụ tài chính, đất đai; đề xuất phương án xử lý.

Ông Biểu
Ông Nguyễn Võ Biểu làm việc với phóng viên. Ảnh: Tiến Đông

UBND thành phố cũng giao cho các phòng, ban chức năng có liên quan phối hợp với nhà đầu tư rà soát, đánh giá các chi phí, nghĩa vụ tài chính, đất đai đã thực hiện; rà soát các thủ tục pháp lý có liên quan đã tham mưu UBND TP. Vinh đối với Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông. Đồng thời giao cho Phòng TN&MT chủ trì phối hợp, hướng dẫn UBND phường Trung Đô xem xét tham mưu UBND thành phố xử lý các nội dung liên quan đến thửa đất của ông Phan Trọng Nguyên đang sử dụng tại khối 8, phường Trung Đô thuộc phạm vi Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông theo quy định.

Ngay sau đó, UBND thành phố cũng đã giao cho UBND phường Trung Đô rà soát, xác nhận chính xác nguồn gốc sử dụng đất đối với thửa đất của ông Phan Trọng Nguyên đang sử dụng và kiểm tra các quy hoạch có liên quan. Trong trường hợp thửa đất có điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hướng dẫn chủ sử dụng đất lập hồ sơ trích đo thửa đất (nếu có) và thực hiện các quy trình để lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Ngày 25/4/2024, UBND phường Trung Đô đã ban hành Quyết định số 281/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Trọng Nguyên, vì đã thực hiện hành vi: Chiếm đất chưa sử dụng do UBND phường Trung Đô quản lý với diện tích 187,8 m2 để xây dựng nhà ở và công trình phụ trợ tại thửa đất số 10, tờ bản đồ số 2, thuộc khối 8, phường Trung Đô. Thời điểm vi phạm được xác định là năm 1997.

Theo báo cáo xác nhận nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của gia đình ông Phan Trọng Nguyên được UBND phường Trung Đô lập vào ngày 21/5/2024 thì thửa đất mà gia đình ông Phan Trọng Nguyên sử dụng có nguồn gốc là chiếm đất do UBND phường quản lý để xây dựng nhà ở, sử dụng từ năm 1997 và không có giấy tờ gì.

bna_khu-a-dcc51403b002c328fec3bc5b61998498(1).jpg
Lối đi giữa 2 khu đất trong khu vực quy hoạch Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông, bên phải là ngôi nhà gia đình ông Phan Trọng Nguyên đang ở. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, theo Quyết định giải quyết khiếu nại đối với gia đình ông Phan Trọng Nguyên được UBND thành phố Vinh trả lời năm 2018 thì khu đất mà gia đình ông Nguyên hiện tại đang ở là chiếm dụng trái phép sau năm 2000. Còn khu đất mà được ông Phụng cho ở cùng và kinh doanh, thì vào thời điểm sau năm 2000 do có chủ trương làm Tượng đài Bác Hồ nên Nhà nước đã thu hồi khu vực ki-ốt cũ.

Ông Nguyễn Tất Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Đô là người hiểu rõ hơn ai hết về sự việc này. Bởi thời điểm gia đình bà Xuân nhận tiền đền bù năm 2008, ông Thảo cũng là Phó Chủ tịch UBND phường, đứng ra ký xác nhận. Tuy nhiên, việc một thời gian dài mà không giải quyết được khu đất gia đình ông Phan Trọng Nguyên chiếm dụng trái phép là do sự thiếu quyết liệt.

Hiện tại, theo ông Thảo, UBND phường Trung Đô đã có báo cáo xác minh nguồn gốc, trích đo, trích lục thửa đất mà gia đình ông Phan Trọng Nguyên đang ở và chờ UBND TP. Vinh xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Võ Biểu - Giám đốc Công ty Trang Anh thì cho rằng, phía Công ty Trang Anh sau khi được tiếp nhận dự án cũng đã tiến hành xây dựng chợ Cầu Thông tại khu A, nơi có hơn 1.800 m2 đã được giao để bà con nhân dân buôn bán. Việc ông Phan Trọng Nguyên chiếm dụng trái phép trên phần đất mà công ty đã đền bù đã gây thiệt hại không nhỏ cho đơn vị.

Được biết, hiện nay phía Công ty Trang Anh đã làm đơn khởi kiện gia đình bà Nguyễn Thị Xuân và ông Phan Trọng Nguyên ra tòa.

Rõ ràng, việc Công ty Trang Anh được phép tiếp nhận, kế thừa Dự án Đầu tư xây dựng chợ Cầu Thông là phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi không riêng gì chợ Cầu Thông, trên địa bàn thành phố, nhiều địa phương cũng đã phải kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng chợ. Nhưng điều đáng nói là chỉ vì 1 trường hợp chiếm đất trái phép mà làm ảnh hưởng đến cả một dự án đầu tư cho thấy sự thiếu quyết liệt và trách nhiệm từ chính quyền địa phương. Điều này rất dễ dẫn đến một tiền lệ xấu trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố sau này.

Nhiều vấn đề cần làm rõ khi hủy bỏ Dự án chợ Cầu Thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO