Nhìn lại 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới"
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới", Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế ngày càng cao, khẳng định Bảo hiểm y tế có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, góp phần không nhỏ trong thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sự chuyển biến rõ nét nhất ở Nghệ An đó là trước khi Chỉ thị số 38 ban hành, hoạt động thông tin, tuyên truyền chính sách Bảo hiểm y tế chủ yếu chỉ do ngành Bảo hiểm xã hội đảm nhận, đến năm 2010, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, cả hệ thống chính trị vào cuộc để thông tin tuyên truyền các chính sách Bảo hiểm y tế với nhiều hình thức phong phú (qua báo, đài, hệ thống phát thanh cơ sở; pano; khẩu hiệu; tờ rơi; tờ gấp; đĩa CD; thông qua các hội nghị báo cáo viên, các diễn đàn sân khấu hóa...); đồng thời định hướng dư luận xã hội trước những thông tin sai lệch về chính sách Bảo hiểm y tế. Thay đổi hình thức tuyên truyền từ độc thoại tại các hội nghị sang hình thức đối thoại trực tiếp, đưa chính sách Bảo hiểm y tế đến với đông đảo người dân từng thôn, xóm, khu dân cư.
Phát huy tối đa vai trò của cổng thông tin điện tử ngành Bảo hiểm xã hội, ngành Y tế để cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân về các chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến Bảo hiểm y tế. Sử dụng mạng xã hội để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách Bảo hiểm y tế phù hợp với xu thế của thời đại công nghệ thông tin, công nghệ số. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại doanh nghiệp, qua các buổi làm việc giữa cán bộ Bảo hiểm xã hội với đơn vị; qua đường dây nóng, tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp của Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Tuyên truyền tại các buổi làm việc giữa thanh tra lao động, Bảo hiểm xã hội và đơn vị nợ (định kỳ mỗi tháng ít nhất 1 phiên làm việc), như chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tổ chức đối thoại với công nhân tại nơi làm việc, các khu nhà trọ để người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình, từ đó có những động thái để đấu tranh với chủ sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong tham gia Bảo hiểm y tế.
Là một trong những nhân viên tổ chức dịch vụ thu làm tốt công tác tuyên truyền, mở rộng nhóm người tham gia bảo hiểm y tế, chị Nguyễn Thị Liên – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trung Đô (TP. Vinh) cho rằng, “chìa khóa” để người dân hiểu được quyền lợi của bảo hiểm y tế đó là tuyên truyền. Nhưng tuyên truyền như thế nào, tuyên truyền ra làm sao cũng lại là một bí quyết mà mỗi một nhân viên tổ chức dịch vụ thu cần có. Với chị Liên, không chỉ tuyên truyền bằng hình thức qua các hội nghị, qua các cuộc họp khối... mà tuyên truyền ở đây là phải đến tận nhà, hiểu từng hoàn cảnh gia đình để tư vấn cho họ những phương thức đóng hợp lý nhất.
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị 38, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người tham gia Bảo hiểm y tế theo từng giai đoạn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách Bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp, ngành, đoàn thể, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp; khắc phục và xóa bỏ tình trạng không tham gia hay nợ đóng Bảo hiểm y tế kéo dài của các doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế để xử lý nghiêm minh và hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ Bảo hiểm y tế. Qua công tác kiểm tra cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.
Đến nay, tỷ lệ hài lòng người bệnh khi đến khám điều trị tại các sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện (bình quân tỷ lệ hài lòng người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị nội trú chiếm 97,19% và ngoại trú 94,48%).
Sau khi có Chỉ thị số 38 và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy Đảng các cấp đã ban hành các văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 38 tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy ban hành 13 văn bản, HĐND tỉnh ban hành 9 văn bản, UBND tỉnh ban hành 72 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; Sở Y tế ban hành 47 văn bản, Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành 46 văn bản triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp về Bảo hiểm y tế. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị ban hành 625 văn bản để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa các nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 38.
Phấn đấu năm 2025 đạt chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế 95% dân số toàn tỉnh
Tại Nghệ An, tính đến thời điểm tháng 12/2023 tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 93%, vượt chỉ tỷ lệ bao phủ năm 2023 của Chính phủ giao.
Qua đó, nhận thấy người dân càng ngày nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế, là một trong những yếu tố góp phần giảm nguy cơ đói nghèo và góp phần vào an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Bá Quảng (xã Nam Thanh, Nam Đàn) cho biết: Vừa rồi được cán bộ Bảo hiểm xã hội Nam Đàn về tuyên truyền tham gia Bảo hiểm y tế, thấy được lợi ích nhân văn của Bảo hiểm y tế, gia đình tôi đã quyết định tham gia cả hai vợ chồng.
Còn với anh Trần Văn Hải (xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) thì không chỉ tham gia Bảo hiểm y tế cho bản thân mà anh còn đăng ký cho cả vợ, con dâu, con trai. Theo anh Hải: Cả gia đình anh đều làm nghề tự do, không ai biết trước chuyện ốm đau, bệnh tật, thế nên khi khỏe còn làm ăn được thì mua thẻ Bảo hiểm y tế phòng lúc rủi ro.
Có thể khẳng định, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới" vẫn còn nhiều hạn chế: Công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 38, nghị quyết của Đảng về công tác Bảo hiểm y tế có lúc, có nơi chưa thực sự được quan tâm, chưa thực hiện thường xuyên, sâu rộng; chưa đến được với bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của Bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội. Việc chấp hành pháp luật về Bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động chưa nghiêm túc. Công tác quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế có lúc, có nơi chưa thật sự hiệu quả. Chất lượng khám, chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là y tế cơ sở.
Để tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị 38 và hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, nhiệm vụ, giải pháp của Nghệ An trong thời gian tới là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách Bảo hiểm y tế, nhất là Cuộc vận động toàn dân tham gia Bảo hiểm y tế do Trung ương phát động, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế nhằm triển khai các chỉ thị, nghị quyết, đưa tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, 5 năm của các địa phương, đơn vị; Có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế, nhằm tăng nhanh diện bao phủ Bảo hiểm y tế, tiến tới thực hiện mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân.
Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức hệ thống Bảo hiểm xã hội Nghệ An có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hiện đại, chuyên nghiệp nhằm xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân. Ngành Y tế tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai hướng tới xây dựng thành phố Vinh trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tinh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ đó, huy động sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương cùng chung tay để tăng diện bao phủ Bảo hiểm y tế, phấn đấu năm 2025 đạt chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế 95% dân số toàn tỉnh./.