Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới, sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”.
Trong đó, có một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9,5 – 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp 19-20%; công nghiệp và xây dựng 38-39%; dịch vụ 42-43%; Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD; Thu ngân sách đến năm 2025 đạt 26.000-30.000 tỷ đồng; Đến năm 2025, có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 1 huyện đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu)…
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế toàn cầu suy giảm; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao; tình hình dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên và đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh-đối ngoại và công tác xây dựng Đảng. Đến nay, Nghệ An đã có những bước phát triển khá nhanh, tạo nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới. Hiện một số chỉ số của Nghệ An đã vươn lên tốp đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và của cả nước.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, quý I/2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (GRDP) ước đạt 7,75% so với cùng kỳ, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước (năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,08%; quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước).
Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 được công bố ngày 11/4/2023, tỉnh Nghệ An đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2021 (30/63).
Trong điều kiện có nhiều khó khăn, năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An vẫn có tốc độ tăng trưởng ước đạt 4,78%, trong khi con số này của cả nước là dưới 3,0%. Các lĩnh vực khác như công nghiệp – xây dựng ước tăng 10,96%; dịch vụ ước tăng 10,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 2,13%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 21.805 tỷ đồng, vượt 45,2% so với dự toán, tăng 9,1% so với năm 2021.
Nối tiếp tin vui, những tháng đầu năm 2023, các đơn vị cấp huyện nơi địa đầu xứ Nghệ là thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng đã hoàn thiện hồ sơ 2 huyện Diễn Châu và Đô Lương đạt chuẩn nông thôn mới trình Trung ương thẩm định. Như vậy, đến nay, Nghệ An đã có 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Nghệ An trở thành điểm sáng toàn quốc về xây dựng nông thôn mới.
Công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2022, số vốn FDI đầu tư tại Nghệ An cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 961,3 triệu USD, đưa Nghệ An lần đầu tiên lọt tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Quý I/2023, Nghệ An tiếp tục vào tốp 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao của cả nước. Nếu tính theo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghệ An đứng đầu 14 tỉnh, thành về thu hút FDI trong 3 tháng đầu năm. Đến nay, một số dự án đi vào hoạt động đã có giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm 30-35% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh, góp phần nâng tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu lên thứ 28 của cả nước…
Kết quả vị trí xếp hạng PCI và thu hút đầu tư đã cho thấy nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư của chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực giáo dục, Nghệ An được đánh giá là tỉnh đi đầu khu vực Bắc Trung Bộ trong xây dựng cơ chế, chính sách, tạo đột phá phát triển. Chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Nghệ An xếp thứ 20 cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2021; tiếp tục giữ vững thành tích chất lượng giáo dục mũi nhọn, thuộc tốp 5 địa phương của cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Mới đây, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, đoàn học sinh Nghệ An đạt 87 giải, trong đó, có 7 giải Nhất, 32 giải Nhì, 30 giải Ba và 18 giải Khuyến khích; đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của Nghệ An đứng thứ 2 toàn quốc (sau Hà Nội) và đứng thứ 3 về số lượng giải Nhất.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm… Đặc biệt, đầu năm 2023, Nghệ An đã tổ chức thành công Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh (trong chưa đầy 1 tháng phát động, tính đến ngày 28/2/2023, đã có 129 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ 10.187 căn nhà; tương đương 521,434 tỷ đồng).
Bên cạnh kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong gần nửa nhiệm kỳ qua cũng còn những khó khăn, hạn chế như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ triển khai thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn chậm; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu để giải quyết những vấn đề đặt ra cho người dân, doanh nghiệp; một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm pháp luật bị khởi tố, bắt giam…
Dự báo trong những năm tới, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức; sức ép lạm phát, lãi suất tăng, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân…
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra của cả nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 9-10%. Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, gồm 6 nội dung trọng tâm chỉ đạo, điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 160 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các sở, ngành.
Đồng thời, UBND tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2023 theo từng quý và cả năm; thành lập 5 tổ công tác để chỉ đạo, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực; triển khai giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 cho các ngành, các cấp ngay từ đầu năm để triển khai thực hiện…
Để tháo gỡ các “nút thắt”, thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An xác định công tác cải cách hành chính là một trong những “nhiệm vụ trọng tâm”, là “khâu đột phá”.
Ngày 6/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1830-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đảm bảo tiến độ, đúng quy định.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý – Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ quan điểm: Ban Chỉ đạo phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ thực sự; “không phải quyết tâm trên giấy” mà phải bằng hành động, công việc cụ thể; qua đó, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nêu gương, coi việc này là việc quan trọng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025, với những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An phải có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, kiên trì, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân vượt lên khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.