Nhọc nhằn nghề 'phu keo'

Văn Trường 03/09/2022 16:09

(Baonghean.vn) - Nghệ An là tỉnh có diện tích cây keo nguyên liệu khá nhiều, từ đây cũng hình thành nên nghề “phu keo”. Công việc chủ yếu của họ là cưa keo, bóc vỏ, bốc vác keo lên xe ô tô. 

Thu hoạch keo ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường.

Thời điểm này, đi dọc theo tuyến đường lên huyện miền núi của Nghệ An, dễ bắt gặp những điểm khai thác tập kết keo nguyên liệu. Tại điểm tập kết keo xã Châu Tiến, một nhóm người dân đang tích cực bốc vác thân cây keo lên xe ô tô, ai nấy đầm đìa mồ hôi.

Chị Vị Thị Tân ở xã Châu Tiến đang bóc gỗ keo chia sẻ: Gia đình ở nhà trồng lúa, chăn nuôi thu nhập thấp nên mấy chị em trong bản rủ nhau theo nghề bốc keo nhiều năm qua, nghề này tuy vất vả, nhưng hằng ngày có thêm thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình.

Người lao động không kể nắng mưa, đang bóc gỗ keo ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường.

Theo các “phu keo”, nghề này đòi hỏi phải có sức khoẻ, bởi công việc thu hoạch keo bao gồm cắt hạ cây, phân khúc, bóc vỏ, bốc lên xe tải, rất nặng nhọc. Trước đây, nghề này mỗi ngày chỉ được trả 200.000 đồng/người, nay giá keo tăng cao nên tiền công tăng thành 250.000 đồng/ngày/người.

Một chủ thu mua keo ở huyện Quỳ Châu cho biết thêm: "Hàng ngày chúng tôi phải thuê 30-40 lao động người địa phương, ở những nơi gần đường giao thông thì thuận tiện, chứ có nhiều nơi những cánh rừng keo nằm xa khu dân cư, phải dùng sức người bốc vác ra tận xe ô tô tải rất vất vả".

Vất vả nghề vác gỗ keo ở huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường.

Toàn huyện Quỳ Châu hiện có trên 29.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm huyện thu hoạch diện tích lớn trên 3.000-5.000 ha keo, vì vậy lực lượng theo nghề thu hoạch keo ở Quỳ Châu khá đông đảo, hiện có hàng ngàn lao động. Tại địa bàn huyện có trên 10 trạm cân thu mua keo, nguồn keo chủ yếu được xuất bán địa bàn Nghệ An và tỉnh Thanh Hoá để băm dăm, sơ chế.

Về huyện Tân Kỳ dịp này, cảnh "phu keo" cũng hoạt động tích cực ở các xã Nghĩa Dũng Phú Sơn, Nghĩa Bình, Nghĩa Hành, Tân Long… Anh Trần Văn Tình ở xã Tân Long đang bốc vác keo lên xe ô tô tâm sự: Trời mờ sáng là phải chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho việc khai thác, như cưa xăng, dao rạ, phải “cơm đùm, cơm vắt” để ăn trưa làm cả ngày trong rừng.

Gỗ keo ở huyện Tân Kỳ được tập kết ven đường đang chờ bốc lên xe vận tải. Ảnh: Văn Trường.

Nghề thu hoạch keo khổ nhất là trời mưa, nhiều cánh rừng sườn dốc cao, trơn trượt khiến việc bốc vác keo rất nguy hiểm, không ít lần bị ngã trầy xước chân tay. Chưa kể, có khi khai thác keo “đụng” phải tổ ong vò vẽ trong rừng bị cắn cho sưng cả mặt mũi.

Một số “phu keo” khác ở Tân Kỳ chia sẻ: Nghề thu hoạch keo nơi đây được lập theo các nhóm, mỗi nhóm từ 7-10 người đảm nhận thu hoạch theo hình thức khoán diện tích, khối lượng hoặc theo ngày. Thông thường, các lao động lấy tiền công theo ngày, từ 200.000 -250.000 đồng/người. Hiện nay việc làm ở các vùng miền núi ngày càng ít, được người ta thuê đi thu hoạch keo, kiếm được số tiền để trang trải thêm cuộc sống cho gia đình.

Khai thác gỗ keo ở huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường.

Bà Đặng Thị Vân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết thêm: Toàn huyện Tân Kỳ hiện có trên 20.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm thu hoạch trên 5.000 ha, kéo theo đó có khoảng trên 2.000 lao động thường xuyên thu hoạch keo. Thời gian tới, huyện đang triển khai một số tuyến đường nguyên liệu, tạo thuận lợi cho xe vận tải vào tận nơi vận chuyển nhằm giảm bớt sức lao động trong quá trình khai thác keo.

Bốc vác keo lên xe ô tô ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Nghệ An hiện có diện tích trên 170.000 ha keo nguyên liệu, nghề khai thác keo tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhưng bộc lộ những bất cập, do hầu hết đồi núi dốc, máy móc không thể tới nên quá trình khai thác đều thủ công, tiểm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn.

Đa số “phu keo” chưa được trang bị bảo hộ lao động để bảo vệ khi khai thác keo. Khi xảy ra tai nạn lao động thì người theo nghề “phu keo” phải tự chịu. Về lâu dài cần phải có giải pháp “hợp đồng” phòng rủi ro, tai nạn, cần nghiên cứu, ứng dụng để đưa máy móc thiết bị vào giúp giảm sức lao động trong nghề khai thác keo.

Nhọc nhằn nghề 'phu keo'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO