(Baonghean.vn) - Từ giữa tháng 2 đến hết tháng 11 dương lịch, không khí ở đất chè Hùng Sơn đều hết sức nhộn nhịp. Đặc biệt, ở thời điểm tháng 11 này, chè vào vụ chính thu hái nên rất đông người dân đi hái chè thuê để kiếm thêm thu nhập.
|
Từ sáng sớm, những người hái chè thuê lại kéo nhau lên các đồi che để bắt đầu công việc của mình. Thông thường công việc bắt đầu từ lúc 5 h sáng và kết thúc lúc gần trưa. Hái được càng nhiều thì số tiền kiếm về cũng càng lớn |
|
Công việc hái chè đòi hỏi phải khéo léo, dẻo dai do vậy mà đa phần những người hái chè thuê đều là phụ nữ. |
|
Có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hái chè thuê chị Nguyễn Thị Giang xóm 4 cho biết: Hái chè bằng tay cũng phải hết sức khéo léo, thuần thục. Hái sao cho đúng 1 tôm 2 lá, nếu hái không đúng sẽ bị người mua chê và sẽ trả tiền thấp. Công việc hái chè cũng không quá vất vả nhưng cần sự khéo léo và dẻo dai để có thể đứng hàng giờ mà không mệt mỏi. Trung bình mỗi ngày chị Giang có thể hái được 20 – 25kg chè búp, với giá 7 nghìn đồng/kg chị cũng thu được một khoản tiền kha khá. |
|
Đây được gọi là "1 tôm 2 lá". |
|
Còn chị Trần Thị Thảo xóm 4 cho biết: có hôm hái được vài ba chục cân. Bình quân mỗi tháng bà có thể kiếm được 3,5 đến 4 triệu đồng từ việc hái chè thuê. |
|
Những "thợ hái" lành nghề hái đều 10 ngọn chè như một. |
|
Ông Hoàng Đình Mỹ chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Là địa phương có vùng chè rộng lớn gần 500 ha, do vậy cần một lực lượng lớn để thu hái chè. Chè chế biến thủ công chất lượng cao đòi hỏi phải thu hái bằng tay, còn chè công nghiệp được hái bằng máy. Việc phát triển vùng chè nguyên liệu đã giúp địa phương mỗi năm giải quyết việc làm từ 150-200 lao động. (Trong ảnh: Sau khi hái chè xong, những người hái chè thuê sẽ mang về nhập cho cơ sở chế biến) |
Huyền Trang