Nhộn nhịp nghề làm tinh bột nghệ ở Nghĩa Đàn

Đinh Thùy 06/02/2018 09:50

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, nghề làm tinh bột nghệ phát triển mạnh ở huyện Nghĩa Đàn. Từ một vài hộ làm nghề, thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đã liên kết với nhau đầu tư máy móc và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chị Trần Thị Thủy, ở xóm Sơn Nam, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) làm tinh nghệ đã được 4 năm nay, trước đây mỗi năm chị làm từ 10 - 20 tấn, nhưng từ khi đầu tư hệ thống máy quay ly tâm để vắt, thay sức người thì mỗi năm chị làm 40 - 50 tấn nghệ tươi.

"Nghề làm tinh bột nghệ nhộn nhịp nhất từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch hàng năm. Năm ngoái gia đình làm khoảng được 20 tấn nghệ tươi, khách hàng cũng ít hơn, năm nay mới đầu mùa nhưng đã có nhiều người đặt mua. Tinh nghệ chủ yếu tiêu thụ vào mùa đông, mùa xuân, được dùng để chữa các bệnh đường ruột cũng như làm đẹp" - chị Trần Thị Thủy cho biết.

Thay vì vắt bằng tay như trước đây, người làm nghệ ở xóm Sơn Nam, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) đã đầu tư máy vắt nên công suất tăng gấp 4 - 5 lần. Ảnh: Đinh Thùy
Thay vì vắt bằng tay như trước đây, người làm nghệ ở xóm Sơn Nam, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) đã đầu tư máy vắt nên công suất tăng gấp 4 - 5 lần. Ảnh: Đinh Thùy

Theo những người làm tinh bột nghệ, đây là nghề đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều công đoạn và đảm bảo sạch từ khi đầu vào thì sản phẩm mới có uy tín. Tinh nghệ sau khi lắng xong cũng không được phơi nắng vì ánh nắng mặt trời sẽ làm mất lượng Curcumin trong tinh nghệ. Vì vậy, tinh bột nghệ phải được hong phơi bằng quạt và sấy dưới bóng điện.

Tuy vất vả nhưng hiệu quả làm tinh bột nghệ cao hơn nhiều lần so với bán củ tươi. Giá tinh bột nghệ giao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg tùy từng loại nghệ; trừ chi phí, mỗi năm các hộ làm nghề có thu nhập từ 50 triệu đến 300 triệu đồng.

Khâu cuối cùng là lắng tinh bột nghệ trước khi đưa ra phơi. Ảnh: Đinh Thùy
Khâu cuối cùng là lắng tinh bột nghệ trước khi đưa ra phơi. Ảnh: Đinh Thùy

Ở xóm Sơn Nam có 10 hộ chuyên làm tinh nghệ, trong đó chị em là lực lượng chính. Để hỗ trợ nhau, chị em đã liên kết giúp nhau về ngày công, nên làm năng suất hơn so với làm đơn lẻ.

Chị Trần Thị Thảo, thành viên trong nhóm chia sẻ: So với các gia đình khác nhà tôi mới làm tinh nghệ sau, nhưng nhờ tham gia nhóm liên kết được học hỏi kinh nghiệm, nên chất lượng nghệ đảm bảo, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng. Mỗi mẻ nghệ được khoảng 60 - 80 kg, nếu một mình làm thì cả tuần mới được, khi chị em trong tổ giúp nhau, hôm nay làm cho người này mai làm cho người khác vừa thuận tiện trong việc xay, lọc vừa rút ngắn thời gian sản xuất.

Mỗi vụ, làng nghệ Sơn Nam làm hơn 300 tấn nghệ tươi. Theo bà con, các năm trước thường phải mua thêm nghệ từ phía Bắc, nhưng năm nay người dân trong huyện trồng nghệ nhiều nên đầu vào chủ yếu là nguyên liệu tại địa phương.

Những năm gần đây, nông dân Nghĩa Đàn đưa cây nghệ vào trồng xen và trồng thay thế một số cây trồng kém hiệu quả. Cây nghệ được trồng từ trong vườn ra ngoài đồng và trên núi; trồng tập trung nhiều ở thị trấn Nghĩa Đàn, các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Bình…

Tinh bột nghệ ở Nghĩa Đàn được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Đinh Thùy
Tinh bột nghệ ở Nghĩa Đàn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Đinh Thùy

Ở thị trấn Nghĩa Đàn, diện tích trồng nghệ không chỉ thay thế những cây trồng kém hiệu quả, mà còn được trồng xen trong các diện tích cây có múi. Vì vậy, lượng nghệ củ dồi dào, nhiều hộ gia đình của thị trấn đã phát triển nghề làm tinh bột nghệ cho hiệu quả kinh tế thì cao hơn hẳn so với các nghề trước đây. Hiện những người làm làm nghề cũng đang tất bật sản xuất để kịp phục vụ khách hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Chủ tịch hội LHPN huyện Nghĩa Đàn, nghề làm tinh bột nghệ được chị em học hỏi nhau và nhân rộng, tập trung chủ yếu ở xã Nghĩa Sơn và thị trấn Nghĩa Đàn. Chị em tự hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm, đầu ra; tuy nhiên về lâu dài chị em mong muốn xây dựng được thương hiệu để đầu ra sản phẩm đảm bảo ổn định.

Mới nhất
x
Nhộn nhịp nghề làm tinh bột nghệ ở Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO