Những bác sỹ sang Lào chữa bệnh cứu người

(Baonghean) - Năm 2016, thực hiện chương trình hợp tác trong khám, chữa bệnh và đào tạo nhân lực y tế giữa Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Xiêng Khoảng (Cộng hòa DCND Lào), đã có 13 bác sỹ có tay nghề cao tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An sang làm việc tại nước bạn... Đó quả là những chuyến đi với nhiều kỷ niệm và trải nghiệm.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trao quà lưu niệm Bệnh viện Xiêng Khoảng (Lào).Ảnh: Hoàng Yến
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trao quà lưu niệm Bệnh viện Xiêng Khoảng (Lào). Ảnh: Hoàng Yến

Thạc sỹ, bác sỹ Phan Sỹ Thái (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) là 1 trong 3 bác sỹ sang nước bạn đợt đầu tiên (từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2016), ngay sau lễ ký kết hợp tác giữa 2 bệnh viện được thực hiện. Anh cho hay, khi được cử đi làm nhiệm vụ, anh và các bác sỹ trong đoàn không tránh khỏi lo lắng: “Phần vì nơi xa lạ, phần vì chúng tôi chưa hiểu tiếng nước bạn, không biết rằng sẽ chữa bệnh, kê đơn cho bệnh nhân, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sỹ nước bạn thế nào đây?”. May mắn, khá nhiều các bác sỹ và điều dưỡng nước bạn biết tiếng Việt, nên việc bất đồng ngôn ngữ không phải là rào cản quan trọng nữa. 

Khi đặt chân đến nước bạn, trước mắt đoàn bác sỹ hiện lên bao khó khăn, không chỉ là những khó khăn riêng, khi mà các bác sỹ toàn là nam giới đều không quen nấu nướng, không quen ăn món ăn Lào, cái khó đáng nói nhất chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện tuyến tỉnh của tỉnh Xiêng Khoảng còn nhiều thiếu thốn. “Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng vì cơ sở của bệnh viện tuyến tỉnh ở nước bạn chỉ tương đương với tuyến huyện của ta. Thiết bị thiếu, đặc biệt là nguồn máu thậm chí không đủ cho một bệnh nhân khi cần truyền máu, chưa nói đến những bất cập về trình độ của cán bộ y tế.

Về bệnh nhân, nhìn chung đa số họ là những người nghèo, mỗi gia đình có một người bị bệnh họ sẽ di chuyển cả nhà (toàn bộ thành viên gia đình đi) mang theo các vật dụng như chăn chiếu, xoong nồi, và cả phương tiện đến sinh hoạt tại bệnh viện. Hơn thế nữa, các bệnh nhân tìm đến với bệnh viện toàn là khi bệnh tình đã thực sự nặng.

Chính vì vậy gây khó khăn cho công tác điều trị. Thế nhưng, chính những tình cảm nồng hậu của người bệnh và các đồng nghiệp nước bạn đã giúp chúng tôi quên đi nhiều vất vả để tập trung cho nhiệm vụ” - bác sỹ Thái nhớ lại.

Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng thạc sỹ - bác sỹ Trần Cương (SN 1988, khoa Chấn thương - Chỉnh hình) có tay nghề tương đối lão luyện trong các thủ thuật xử lý các ca mổ chấn thương. Bố anh cũng từng là một người lính tham gia nhiệm vụ quốc tế chống quân diệt chủng Pol Pot tại chiến trường Campuchia trở về, trở về với thương tích nặng nên ngay khi được đơn vị cử đi sang nước bạn Lào cùng một bác sỹ sản khoa, một bác sỹ gây mê tích cực làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân và chuyển giao công nghệ cho các đồng nghiệp nước bạn Lào, anh đã không ngần ngại lên đường. Anh chia sẻ: “Tuy không ở trong danh sách đoàn bác sỹ sang chuyến đầu tiên (bác sỹ Cương sang đây vào đợt thứ 3, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 năm 2016), song những khó khăn mà các bác sỹ đi đợt 1, đợt 2 kể, chỉ khi trải qua chúng tôi mới thấm thía.

Những người dân tại Xiêng Khoảng, đối với bệnh nhân không có điều kiện, khi bị gãy xương các loại hầu như chỉ nẹp, bó bột bình thường; còn với người có điều kiện hơn muốn mổ đóng đinh, các thủ thuật khác phải thuê xe chạy lên thủ đô Viêng Chăn hoặc chạy sang bệnh viện của Việt Nam... Chúng tôi cũng từng chứng kiến một số trường hợp nặng, cần can thiệp ngay, bệnh nhân và người nhà còn chờ xin ý kiến của già làng, trưởng tộc và thường quyết định là đưa về nhà khi vẫn còn cơ hội cứu sống. Tất nhiên, ở Việt Nam, chuyện đó cũng có đôi lúc xảy ra, song ở đây chúng tôi gặp nhiều hơn. Phần lớn các ca bệnh khi xuất viện ít khi trở lại tái khám”.

Với bác sỹ Thái, anh nhớ nhất lần bản thân mình đi hiến máu cho một sản phụ ở Xiêng Khoảng. “Sáng hôm đó, 3 anh em trong đoàn trở dậy, pha vội gói mi tôm (mì được bệnh viện mua hỗ trợ cho đoàn phòng khi đêm khuya đói bụng) rồi đi làm vì quán xá ở đó khá xa, ăn uống cũng mắc hơn bên mình.

Sau khi hết giờ, tôi vẫn chưa thấy 2 bác sỹ kia về (bác sỹ Trung chuyên ngành Sản, bác sỹ Hiếu chuyên ngành Gây mê). Hỏi chuyện, tôi được biết, 2 anh đang bận mổ lấy thai cho một sản phụ. Đến hết giờ làm việc buổi chiều, tôi về phòng thì 2 anh vẫn chưa về. Tôi gọi hỏi, được biết 2 anh đang phẫu thuật lần 2 cho sản phụ đó vì chị bị đờ tử cung, băng huyết. Đến 22 giờ đêm, tôi vừa nhấc máy gọi cho 2 đồng nghiệp, chỉ thấy anh Trung hỏi vội: “Thái nhóm máu gì?” Tôi nói “nhóm A”. Thế là anh nói tôi chờ đó để xe bệnh viện đến chở đi thử máu để... hiến máu. Đến 24h, tôi đến truyền cho sản phụ, sau đó cùng với 2 đồng nghiệp thay nhau ở viện theo dõi đến hết đêm. Bữa trưa của 2 đồng nghiệp tôi chính là lúc nửa đêm hôm đó. Trong đêm, sau khi được truyền máu, sản phụ có dấu hiệu cải thiện, tuy vậy vẫn cần rất nhiều máu để có thể cứu sống được chị. Mãi đến ngày thứ 3 thì sản phụ mới có thêm được 1 đơn vị máu nữa, nhưng lúc đó đã trễ, người nhà sản phụ xin đưa về. Nhìn theo cái xe chở chị về, tôi muốn rơi nước mắt. Không đơn giản là xót thương một phận người, mà là giọt nước mắt bất lực của một thầy thuốc”.

Ca mổ ở Bệnh viện Xiêng Khoảng (Lào) với sự giúp đỡ của bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An. 	Ảnh: Hoàng Yến
Ca mổ ở Bệnh viện Xiêng Khoảng (Lào) với sự giúp đỡ của bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hoàng Yến

Nhưng đó cũng chỉ là những ca bệnh hiếm hoi mà các anh đành buông xuôi. Sự xuất hiện của đoàn các bác sỹ Nghệ An đã mang đến nhiều niềm vui, sự sống cho bệnh nhân. Nếu như trước đây, với các ca sinh đẻ, nếu như sản phụ bị băng huyết đều có tỷ lệ tử vong rất cao thì từ ngày các bác sỹ Nghệ An sang và chuyển giao kỹ thuật, tỷ lệ này đã giảm nhiều. Trong một tháng của đợt cuối cùng, các anh đã cứu sống ít nhất cho ba phụ nữ sinh bị băng huyết, được xem như là điều thần kỳ ở tỉnh bạn.

Trong lần sang khám, chữa bệnh, bác sỹ Cương vẫn chưa quên khuôn mặt của chàng thanh niên mới 20 tuổi người Anh Sơn, tỉnh Nghệ An sang nước bạn làm nghề mộc bị cắt đứt ba ngón tay. Khi vừa nhập viện, các bác sỹ nước bạn hội chẩn xác định sẽ tháo các đốt ngón tay bị máy cắt đứt. Nhưng lúc đó, anh đã đề xuất mình sẽ làm phẫu thuật nối lại các ngón tay cho bệnh nhân. Anh gọi thêm các bác sỹ nước bạn đến để “cầm tay chỉ việc”. Việc nối ngón thành công. Chỉ sau đó vài tháng, khi trở về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, bác sỹ Cương đã gặp lại người thanh niên trên đến chính khoa của anh để tái khám. Người thanh niên ấy đã xúc động nói lời cảm ơn với anh bác sỹ trẻ tuổi. Hay như trường hợp một cháu bé mới 10 tuổi con một gia đình người dân nghèo tại tỉnh Xiêng Khoảng bị gãy chân được bó bột trước đó. Do chân bị bó bột lệch, để lâu nên cháu không thể đi lại được, người nhà đã xác định cháu sẽ nằm một chỗ suốt đời, nhưng với một thủ thuật đơn giản, bác sỹ Cương đã đóng đinh lại xương chân cho cháu và sau đó chân cháu đã vận động bình thường trở lại. 

Những kỷ niệm buồn vui ấy đã theo chân “những bác sỹ tình nguyện” về với quê hương, nhắc nhở các anh về tình yêu, về trách nhiệm. Sự nồng hậu, ấm áp của nhân dân Lào đã khiến cho chuyến đi công tác của các anh không đơn thuần là chuyến đi làm nhiệm vụ nữa. Nó thực sự đã để lại những dấu ấn sâu đậm, những tình cảm đáng ghi nhớ, trân trọng trong cuộc đời. Chính từ chuyến đi này mà bác sỹ Thái, bác sỹ Cương và các bác sỹ khác như Võ Tá Trung, Trần Hữu Hiếu, Phan Ngọc Khóa, Trần Xuân Cảnh, Hoàng Ngọc Anh... cảm thấy mình trưởng thành hơn, biết nhìn sâu và chia sẻ hơn với con người và cuộc sống.

“Cuộc sống người dân vất vả vậy, nhưng mỗi khi gặp các chuyên gia như chúng tôi ngoài đường người dân nước bạn niềm nở đón tiếp, chào hỏi. Nhiều người đã đến đưa chúng tôi đi tham quan các di tích, thắng cảnh nước bạn để vừa giới thiệu về nước bạn, vừa bày tỏ lòng cảm ơn”, bác sỹ Cương cho hay.

Niềm vui lớn nhất của các anh là sau một tháng làm nhiệm vụ trở về thì một số kỹ năng căn bản để chữa trị, mổ các ca chấn thương, sinh đẻ và gây mê đã được đồng nghiệp nước bạn tiếp thu nhanh, thực hiện thành công. Hiện một số bác sỹ nước bạn tiếp tục được gửi sang Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để học tập và tiếp nhận những cách chữa trị bệnh mới, sử dụng các loại máy móc chữa bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

“Khi đi vì nhiệm vụ, nhưng khi về có thêm trách nhiệm, tình cảm”- ấy là điều mà tất cả các đoàn bác sỹ rời Bệnh viện Xiêng Khoảng khi trở về, chia sẻ cùng chúng tôi.

Thùy Vinh - Xuân Cao
 

tin mới

Bài tập cho người bệnh viêm phổi

Bài tập cho người bệnh viêm phổi

Trường hợp viêm phổi nặng có thể gây khó thở, thở nặng nhọc làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Thực hiện một số bài tập không giúp điều trị khỏi viêm phổi nhưng có tác dụng tăng cường chức năng hô hấp,

Bí quyết thoát mất ngủ do căng thẳng của nữ giám đốc U50

Bí quyết thoát mất ngủ do căng thẳng của nữ giám đốc U50

(Baonghean.vn) - “Cứ căng thẳng đầu óc là tối về tôi lại không chợp mắt nổi, đêm chỉ ngủ được 1 - 2 tiếng. Sáng dậy đầu ong ong, người mệt mỏi, dễ cáu gắt, không có năng lượng tư vấn cho khách hàng”, chị Vũ Kim Sa - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Hà My chia sẻ.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Bài tập cho người bệnh hen

Bài tập cho người bệnh hen

Mục tiêu của điều trị bệnh hen là giúp người bệnh kiểm soát tốt triệu chứng, duy trì khả năng hoạt động bình thường, ngăn ngừa biến chứng… Vậy người bệnh hen nên tập luyện như thế nào?

Cán bộ thú y huyện Diễn Châu tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm trên địa bàn. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Chủ tịch UBND cấp huyện bị phê bình nếu địa phương để dịch bệnh dại và cúm gia cầm lây lan, có người tử vong

(Baonghean.vn) - Địa phương nào chủ quan, để dịch bệnh xảy ra và lây lan, có người tử vong do chó mắc bệnh dại cắn hoặc người chết do nhiễm virut cúm gia cầm khi đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin thì chủ tịch UBND cấp huyện bị phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật đặt stent Graft cho bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng. Ảnh: Hồ Hà

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An triển khai thường quy kỹ thuật đặt Stent Graft động mạch chủ

(Baonghean.vn) - Đặt Stent Graft động mạch chủ là kỹ thuật khó, chuyên sâu của chuyên ngành tim mạch. Kỹ thuật này đã được triển khai thường quy tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ở Nghệ An, hiện mới chỉ có Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện được kỹ thuật này.

Khám phá tác dụng ít biết của cứu ngải

Khám phá tác dụng ít biết của cứu ngải

Đến nay, nhiều người vẫn cho rằng, cứu ngải chỉ có vai trò hỗ trợ cho tác dụng của châm cứu. Thực ra, đây là một phương pháp trị liệu riêng biệt với những giá trị phòng và điều trị bệnh tật hết sức độc đáo.

“Chủ động phòng chống bệnh lý đột quỵ”

Chương trình livestream 'Chủ động phòng chống bệnh lý đột quỵ'

(Baonghean.vn) -Bệnh đột quỵ nguy hiểm như thế nào? Làm sao để phòng tránh và nhận biết sớm đột quỵ? Tất cả sẽ được bác sĩ Bệnh viện ĐKTP Vinh giải đáp trong chương trình “20h Bác sỹ đây rồi”. Chương trình được livestream lúc 20h ngày 20/3 trên các nền tảng số của Báo Nghệ An và BVĐK Thành phố Vinh.