Những “bí ẩn” trong ngôi nhà người Mông Nghệ An

Đào Thọ 20/12/2018 19:19

(Baonghean.vn) - Khác với các cộng đồng dân tộc khác ở miền Tây Nghệ An, việc dựng nhà và bố trí trong căn nhà của người Mông gắn liền với cuộc sống quanh năm trên núi cao và mang một nét đặc trưng riêng tiêu biểu cho nền văn hóa lâu đời của họ.

Những ngôi nhà sa mu lưng chừng núi

Cộng đồng người Mông xuất hiện ở Nghệ An vào khoảng 3 thế kỷ trở lại đây. Với những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc mình, cộng đồng này đã góp phần lớn vào việc tạo nên một nền văn hóa đa dạng hòa cùng các dân tộc thiểu số khác ở miền Tây xứ Nghệ. Không chỉ trong các nghi lễ cưới hỏi, tâm linh, việc dựng nhà của người Mông cũng mang một nét riêng khá đặc biệt.

Huyện vùng biên Kỳ Sơn là nơi có cộng đồng người Mông định cư nhiều nhất, tiêu biểu ở các xã Tây Sơn, Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ…Người Mông định cư theo dòng họ. Mỗi dòng họ thường ở theo một cụm và dựng nhà san sát nhau ở lưng chừng núi. Hầu hết những ngôi nhà ở đây đều có kiến trúc rất giống nhau, bởi vậy khi mới bước chân vào đây, người ta rất khó phân biệt được nhà người này, người khác. Đó chính là kinh nghiệm quần cư để giúp đỡ nhau của những người trong cùng dòng họ mỗi khi có kẻ thù hay thú dữ đến phá hoại.

Một điều dễ nhận thấy là, đến nơi người Mông sinh sống, người ta đều cảm nhận được một sự khác biệt rõ nét ở khí hậu. Những già làng người Mông bảo rằng, ngày trước cộng đồng họ thường phải lên núi cao để trồng cây thuốc phiện, bởi vậy địa hình núi cao và khí hậu lạnh là nơi thích hợp nhất để sinh sống. Ở độ cao từ 1200-1500 mét so với mực nước biển, như một bản năng, để tồn tại và thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ấy người Mông có nhiều kinh nghiệm trong cách dựng nhà nhằm duy trì cuộc sống của mình.

Với cộng đồng này, dựng nhà là công việc trọng đại của đời người. Lúc hoàn thành ngôi nhà không quan trọng bằng lúc khởi công. Ngày dựng được các thầy mo định chọn, gia chủ mời anh em họ hàng đến dự lễ chúc mừng và cùng giúp đỡ nhau bắt tay vào công việc. Với họ, ngôi nhà dù to hay nhỏ cũng sẽ theo mình đến suốt cuộc đời nên rất hiếm khi thấy người Mông phá bỏ ngôi nhà cũ dựng nhà mới bởi trong ngôi nhà ấy chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tâm linh trừ khi nhà bị ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn.

Liên quan đến việc định cư trên các ngọn núi cao, ông Lầu Xái Phia còn cho hay: Nếu người Thái, Khơ mú định cư trong ngôi nhà sàn cao thì nhà người Mông thường làm rất thấp để tránh gió lùa vào. Kiến trúc ngôi nhà người Mông dù to hay nhỏ nhưng đều phải có đủ 3 gian được sắp xếp theo thứ tự gian đầu, gian giữa và gian cuối. Các tấm lợp và mái nhà hầu hết được sử dụng bằng loại gỗ có dầu như sa mu, pơ mu nhằm giữ nhiệt. Đây chính là nét đặc trưng dễ nhận biết nhất mỗi khi đặt chân đến bản làng người Mông. Gỗ sa mu, pơ mu vừa giúp họ vượt qua được cái lạnh mùa đông và mát mẻ vào mùa hè nóng nực, đồng thời vừa sử dụng được hàng chục năm trời. Ta dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà lợp bằng mái sa mu của người Mông đã lên rêu mốc, ván gỗ cong vênh lên nhưng còn rất chắc chắn.

Gác bếp và những quy định truyền đời

Kiến trúc bên trong ngôi nhà người Mông chia ra làm 2 phần rất rõ rệt gồm bếp và 3 gian nhà chính. Khác với các dân tộc khác, gian bếp người Mông không chỉ là nơi để nấu nướng cho mỗi bữa ăn mà còn là không gian hội tụ nhiều yếu tố độc đáo. Gian bếp là nơi mọi người quây quần với nhau trong bữa ăn, tâm tình chuyện nương rẫy sau một ngày vất vả, là nơi cất giữ thực phẩm, hạt giống cho mỗi vụ mùa…Đặc biệt gian bếp còn là khu vực tâm linh để thờ cúng thần linh và người đã khuất.

Chúng tôi tới nhà ông Và Lìa Nênh (bản Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) khi cả gia đình ông đang ngồi quây quần bên mâm cơm tối. Một bên là bếp lửa rực hồng, một bên là mâm cơm đơn sơ giản dị. Khi nghe chúng tôi hỏi về gác bếp, ông bảo: “Gác bếp này của nhà bố làm đã được 15 năm rồi đấy, bây giờ vẫn nguyên vẹn và chưa thay lần nào. Nhà nào cũng thế cả, cái gác bếp này nó tồn tại từ khi làm nhà đến khi thay nhà mới mới thôi. Ngày trước người Mông ta nghèo nên phải dùng gác bếp để cất giữ thức ăn. Vả lại nơi người Mông sinh sống chỉ toàn sương mù, hạt giống không phơi ngoài trời được mà phải đưa vào gác bếp”. Quả thực, gác bếp của người Mông đã gắn liền với cuộc đời của mỗi con người là thế.

Người Mông quan niệm rằng, khi người ta chết đi về bên kia “tủa sò” (thế giới người chết) thì linh hồn vẫn còn nương náu lại bên bếp lửa. Đó là nơi ấm cúng nhất trong gia đình nên khi chết người ta thường tìm về đây để tìm sự bình an ấm áp. Cũng có một quan niệm nữa cho rằng, bếp thiêng của người Mông là nơi để thờ cúng các vị thần bảo vệ sự bình yên cho gia đình giống như người Kinh thờ cúng ông bếp vậy. Người Mông gọi chung đó là ma bếp.

Khác với người Kinh, người Mông không thắp hương ở bếp vào các ngày lễ Tết mà lúc nào trong gia đình cần sự bảo vệ, chở che thì mới thắp hương lên. Điều này tùy thuộc vào các thầy cúng, khi thầy cúng bảo cần phải thắp hương cúng ma bếp thì mới thắp, còn không thì có khi 2 năm không cúng vẫn không ảnh hưởng gì.

Phía trên bếp là 3 gian nhà với các phòng ngủ được dựng lên phía ngoài dọc theo hai bên cánh cửa chính. Ở gian giữa là bàn thờ tổ tiên được bài trí với các tấm giấy tự làm của người Mông và chiếc “xử ca” (một loại giấy linh thiêng của dân tộc này). Nếu người Khơ mú đặt bàn thờ nơi bếp thiêng, người Thái có thể đặt ở nhiều vị trí thì bàn thờ người Mông luôn đặt hướng cửa chính vào thẳng. Đó chính là nơi các linh hồn thấy rõ nhất và cũng là con đường đi về nhà ngắn nhất.

Những già làng người Mông đều cho biết, sở dĩ phòng ở của các thành viên trong gia đình luôn đặt ở phía ngoài bởi đó là nơi chứa nhiều hơi ấm và dễ dàng phát hiện thấy âm thanh mỗi khi có kẻ thù hoặc thú dữ tấn công nhất. Cộng đồng người Mông vốn rất rạch ròi, các phòng ngủ của bố mẹ và con cái đã lập gia đình phải ở tách biệt với nhau. Bố chồng hoặc con dâu không bao giờ được bước chân vào phòng ngủ của nhau.

Các vị già làng người Mông ở xã Tây Sơn cũng cho biết, khi làm nhà, người Mông thường làm 2 cửa, một cửa ở gian chính và một cửa đặt ở bếp và không có cửa sổ. Việc mở thêm cửa sổ của các ngôi nhà hiện nay chỉ mới xuất hiện mấy chục năm trở lại đây. Cánh cửa của ngôi nhà luôn được mở vào trong để thuận lợi trong lúc đứng trong nhà mở ra đóng lại nhanh chóng. Nếu không có việc quan trọng hoặc có khách quý ghé thăm, cánh cửa chính luôn luôn được đóng kín, mọi người chỉ ra vào bằng cánh cửa bếp. Then cửa của các ngôi nhà cũng được làm bằng những cây gỗ tốt, thẳng, bởi cộng đồng này quan niệm rằng, then cửa là điểm quan trọng để chốt chặn nên dùng gỗ tốt sẽ xua đuổi được mọi tà ma vào nhà.

Những “điểm thiêng” trong ngôi nhà

Như một giá trị vĩnh hằng lưu truyền từ đời này qua đời khác, người Mông ở Nghệ An luôn tâm niệm một điều rằng, linh hồn con người luôn trú ngụ ở một nơi nào đó trong ngôi nhà. Do vậy, những thứ như cột cái, gian bếp…đều gắn liền với những câu chuyện liên quan đến yếu tố tâm linh của cộng đồng này.

Lúc dựng nhà, người Mông luôn lấy một chiếc cột, to hay nhỏ không quan trọng nằm ở gian chính để làm cột cái. Chiếc cột này được dán lên đó những tấm giấy thờ của người Mông. Ông Vừ Chống Dì ở bản Huồi Giảng 2 (xã Tây Sơn - Kỳ Sơn) cho biết: “Cái cột này tuy nhỏ thế nhưng là cột cái trong nhà của người Mông ta đấy. Khách ở ngoài vào không được đụng vào đó đâu. Đây là điều kiêng kỵ của nhất người Mông, họ nào cũng vậy thôi”. Lời cảnh báo của ông Chống Dì khiến chúng tôi giật mình, hóa ra những đồ vật nhìn bề ngoài có vẻ tầm thường như vậy lại có một ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của người Mông đến thế.

Vừ Chống Dì bảo rằng, cột cái nhà là vật thờ quan trọng trong gia đình người Mông cùng với chiếc xử ca. Cột cái ấy là nơi nương náu linh hồn của tổ tiên người Mông nên ngoài chủ nhà ra thì không ai được phép đụng vào nó. Kể cả con cái hay phụ nữ trong gia đình nếu vô tình đập phải chiếc cột ấy cũng phải thắp hương, thịt con lợn, con gà làm cúng để mong ông bà tổ tiên mình thứ lỗi cho hành động vô lễ ấy. Vì vậy, bất kể ai là người ngoài nếu đập vào cột cái nhà hay chiếc xử ca đều phải chịu sự trừng phạt theo sự quy định của gia đình và dòng họ. Ông Chống Dì cũng cho biết thêm, những cây cột hay bất kỳ chỗ nào trong ngôi nhà người Mông đều có thể đóng đinh nhưng riêng cột cái thì phải bất khả xâm phạm. Người Mông có một điều cấm kỵ lớn nhất là xúc phạm tổ tiên mình qua hành động đập vào cột cái nhà hay xử ca.

Xử ca là một tấm giấy màu của người Mông được gắn một bên bàn thờ. Trên tấm giấy ấy họ đính kèm những chiếc lông gà. Ngôi nhà nào cũng vậy, khi gia chủ vào ở việc đầu tiên là phải tìm xử ca để thờ cúng. Chỉ khi nào chuyển nhà hay xảy ra thiên tai thì tấm giấy thờ ấy mới được thay thế, còn không nó vẫn đi theo họ đến suốt cuộc đời.

Theo những già làng người Mông cho hay, các đồ thờ cúng trong nhà như xử ca, cột cái, bàn thờ…chỉ có người đàn ông đứng đầu gia đình mới được đụng vào, người khác đụng vào sẽ phải chịu sự trừng phạt của gia chủ. Bếp thờ lại khác, người phụ nữ lớn tuổi nhất nhà mới là người được quyền cai quản và thắp hương lên đó. Bởi người Mông tin rằng, người phụ nữ lớn tuổi nhất là người gắn bó nhiều nhất với bếp và chỉ có ma bếp mới thấu hiểu tiếng nói của họ. Bếp có thể được dùng để nấu thức ăn cho người hay súc vật tùy ý nhưng sau mỗi lần nấu nướng, người phụ nữ phải dọn dẹp và vệ sinh sạch sẽ để tránh sự quở trách của ma bếp. Khi muốn cầu xin điều gì từ ma bếp, người phụ nữ lấy hương thắp lên cạnh thành bếp và khấn theo lời thầy cúng đã chỉ dẫn. “Người Mông nào cũng vậy, khi làm nhà điều đầu tiên phải làm là đắp bếp cúng ma. Không có bếp là không tôn trọng tổ tiên, thần linh do đó sẽ bị đói rét suốt cuộc đời”- ông Và Xếnh Lù cho biết thêm.

Như vậy có thể thấy rằng, dù còn mang nặng yếu tố tâm linh nhưng những điểm kiêng kỵ trong ngôi nhà của người Mông đã được truyền từ đời này sang đời khác. Đó cũng chính là một “điểm nhấn” thể hiện cuộc sống quanh năm gắn bó với núi rừng, thiên nhiên của dân tộc này.

Theo thời gian và sự phát triển của đời sống xã hội, một số ngôi nhà người Mông ở Nghệ An hiện nay đã không còn giữ được những kiến trúc truyền thống vốn có. Những ngôi nhà sàn bắt đầu mọc lên, nền gạch hoa sáng bóng, cửa sổ được mở khắp nơi…là điều dễ nhận thấy khi đặt chân đến cộng đồng này.

Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định lại rằng, khi những ngôi nhà xây bằng bê tông cốt thép đang ngày càng mọc lên nhiều hơn trên các bản làng vùng cao thì người Mông vẫn giữ được những nét gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi nhà của cộng đồng mình. Đó là một điều đáng trân quý trong văn hóa của dân tộc này.

Mới nhất

x
Những “bí ẩn” trong ngôi nhà người Mông Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO