Những cơn ‘sóng ngầm’ trong quan hệ Ấn - Trung

(Baonghean.vn) - “Ngòi nổ” ở biên giới Ấn - Trung đã được gỡ bỏ khi hai bên cam kết rút quân dọc theo đường Kiểm soát Thực tế. Nhưng điều đó không có nghĩa đối đầu đã chấm dứt bởi thực tế đang có những “cơn sóng ngầm” có thể khuấy đảo mối quan hệ hai láng giềng này bất cứ khi nào.

Hòa giải và những toan tính

Sau cuộc đụng độ hồi tháng trước khiến ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng ở Thung lũng Galwan, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí rút quân dọc khu vực biên giới tranh chấp. Kết quả này có được sau các cuộc đàm phán hòa giải giữa các tư lệnh quân đội hai nước.

Đặc biệt sau cuộc gặp ngày 5/7 giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval hai bên đã đi đến thống nhất cho việc rút quân khỏi đường biên giới, đồng thời “khôi phục đầy đủ” hòa bình và yên tĩnh tại khu vực phía Đông vùng lãnh thổ liên bang Ladakh (Ấn Độ).

Một đoàn xe quân đội Ấn Độ di chuyển khỏi Ladakh. Ảnh: Reuters
Một đoàn xe quân đội Ấn Độ di chuyển khỏi Ladakh. Ảnh: Reuters

Đây được xem là động thái kịp thời nhằm tháo gỡ “ngòi nổ” xung đột có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tàn khốc. Đương nhiên với một hồ sơ tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhiều thập niên qua, hành động xuống thang vừa rồi cũng chỉ là giải pháp tạm thời chứ chưa phải giải pháp triệt để cho những mâu thuẫn cốt lõi dẫn đến những cuộc xung đột ở biên giới những năm qua. Ở trường hợp này có lẽ sự hòa giải được căn cứ vào những tính toán thực dụng thay vì sự đồng điệu trong quan điểm.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều hiểu “cái giá” phải trả nếu cuộc chiến trực tiếp xảy ra ở thời điểm này. Hai nước đều đang ưu tiên dồn lực đối phó với kẻ thù chung là đại dịch Covid-19. Đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn người mà còn khiến nền kinh tế của cả hai có nguy cơ suy thoái. Dù chưa bao giờ ngừng cạnh tranh, nhưng hai quốc gia đông dân nhất thế giới này không thể tách rời bởi sự ràng buộc trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại. Nếu chiến tranh xảy ra, mọi sự hợp tác sẽ phải cắt đứt. Đó là chưa kể tương quan lực lượng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã khác xa so với cách đây nửa thế kỷ - thời điểm hai nước xảy ra chiến tranh năm 1962.

Nhiều người có thể cho rằng, Trung Quốc dường như đang chiếm ưu thế lớn về quân sự trước Ấn Độ. Song, các nghiên cứu gần đây của Trung tâm Belfer thuộc Trường Quản lý Harvard Kennedy ở Boston và Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington hé lộ, Ấn Độ vẫn có các lợi thế riêng.

Các chuyên gia cũng không thể bỏ qua việc cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân khi đánh giá cán cân sức mạnh. Ngoài ra, xét về lực lượng không quân hay trên bộ, cả hai đều có những thế mạnh “ngang sức, ngang tài”. Điều đó có nghĩa, chiến tranh xảy ra sẽ khó phân thắng bại, thiệt hại sẽ đến với cả hai phía.

Ấn Độ ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không của Nga. Ảnh: AP
Ấn Độ ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không của Nga. Ảnh: AP

Quan trọng hơn cả, chính quyền của cả hai nước hiện nay đều phát đi thông điệp, không muốn biến những căng thẳng thành một cuộc chiến tổng lực, trực tiếp. Bắc Kinh dù không nhiều lần lên tiếng về cuộc xung đột nhưng hành động tại biên giới vừa qua cho thấy thái độ quyết liệt và hành động phô diễn sức mạnh của nước này.

Còn về phía Ấn Độ, bài phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi khi tới thăm các binh sĩ ở khu vực Ladakh hôm 3/6 trong đó nhấn mạnh “Thời đại của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết” dường như cũng là thông điệp nhắm đến Bắc Kinh đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm của Ấn Độ trước các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Vậy nên, có thể nói, lui quân ở thời điểm cả hai bên dường như đã bộc lộ rõ quan điểm về sự việc là một chiến thuật phù hợp.  Chỉ có điều, đó chưa phải là dấu chấm hết cho tất cả!

Đối đầu âm ỉ

Tuy đã tháo ngòi nổ tại khu vực biên giới, nhưng động thái này chưa thể chấm dứt cuộc đối đầu giữa hai nước. Trung Quốc được cho đang tiếp tục củng cố vị trí trọng yếu hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng ngay khu vực biên giới. Trong khi Ấn Độ cũng  xúc tiến việc trang bị vũ khí, khí tài mới. Đáng chú ý New Dehli đã phê duyệt các dự án mua sắm trị giá lên tới 5,55 tỷ USD chủ yếu dành cho lực lượng lục quân và không quân.

Ấn Độ cũng lên kế hoạch mời Australia tham dự cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar cùng với hai nước khác là Mỹ và Nhật Bản. Với động thái này, Ấn Độ dường như muốn chuyển đi một thông điệp ẩn ý rằng nhóm “bộ tứ” sẽ tạo một nền tảng an ninh vững chắc khu vực, ngăn chặn mọi ý đồ bành trướng ảnh hưởng của bất cứ quốc gia nào.

87% người dân Ấn Độ cho biết sẵn sàng tẩy chay hàng Trung Quốc, theo khảo sát của Local Circles. Ảnh: Times of India
87% người dân Ấn Độ cho biết sẵn sàng tẩy chay hàng Trung Quốc, theo khảo sát của Local Circles. Ảnh: Times of India

Ở khía cạnh khác, căng thẳng Ấn - Trung cũng đang lan sang lĩnh vực công nghệ và thương mại. Vừa qua, chính phủ Ấn Độ quyết định cấm 50 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm các ứng dụng tiêu dùng phổ biến như WeChat, TikTok và Yahoo Maps.

Theo giới chuyên gia, động thái của Ấn Độ giáng một đòn nặng lên tham vọng trở thành siêu cường kỹ thuật số của Trung Quốc và làm thiệt hại hàng triệu đô la cho các công ty Trung Quốc. Hành động này cũng có thể mở đường cho các quốc gia khác tẩy chay các ứng dụng của Trung Quốc.

Ngoài công nghệ, chính phủ Ấn Độ cũng cho biết, nước này quyết định sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận thương mại nào có Trung Quốc là thành viên do những những vấn đề nước này đang phải đối mặt đều có liên quan tới Trung Quốc. Theo đó, Ấn Độ đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) năm 2019.

Một nguồn tin trên tờ Economic Times tiết lộ chính phủ Ấn Độ đang yêu cầu các doanh nghiệp thương mại điện tử như Flipkart và Amazon India phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bán trên mạng để hạn chế hàng Trung Quốc. Các công ty Ấn Độ sẽ phải thực hiện quy định này trước ngày 1/8. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Ngành công nghiệp Ấn Độ cũng quyết liệt hành động. Mới đây, JSW Group, một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ, tuần trước tuyên bố sẽ cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 400 triệu USD năm ngoái xuống 0 USD trong hai năm tới. Theo một khảo sát của LocalCircles, có đến 87% người dân Ấn Độ cho biết sẵn sàng tẩy chay hàng Trung Quốc hoặc ngưng dùng các sản phẩm của công ty Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, TikTok, WeChat,... trong ít nhất một năm.

Mặc dù theo nhiều chuyên gia, những lời kêu gọi từ Ấn Độ về việc tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì Ấn Độ vốn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên,  rõ ràng cuộc xung đột ở biên giới Trung - Ấn vừa qua đã đánh thức những quan điểm dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ trỗi dậy. Chỉ cần thêm một “mồi lửa nhỏ” cũng có thể bùng thành lửa giận dữ đe dọa sự ổn định trong mối quan hệ hai láng giềng này.

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.