Tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác thải bừa bãi ra môi trường

Tiến Đông 25/10/2023 14:42

(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện với các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vi phạm

Theo thống kê của ngành chức năng, những năm gần đây, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trong 1 ngày khoảng hơn 1.500 tấn; tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom là hơn 1.100 tấn/ngày. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn là hơn 1.150 tấn/ngày và lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị là khoảng 448 tấn/ngày. Trong số này, chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực đô thị cơ bản được thu gom hết, còn khu vực nông thôn chỉ mới thu gom được hơn 50%.

Trên thực tế, chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn một cách triệt để. Các hộ cá nhân còn để lẫn chất thải nguy hại (như đèn neon, giẻ lau, chai lọ dính dầu máy, pin hư hỏng...) và chất thải xây dựng cùng với chất thải rắn sinh hoạt, khiến cho việc thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình vẫn còn có thói quen đổ rác bừa bãi ra vườn, ven đường giao thông, ao, hồ, sông, suối... gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

bna_van truong 3.JPG
Rác thải được vứt bừa bãi bên ven đê sông Bùng đoạn xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Ảnh: Văn Trường

Huyện Diễn Châu hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường khi các điểm tập kết rác tạm thời, các bãi rác lộ thiên đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa xử lý được, nhất là bãi rác tại xóm Hải Bắc, xã Diễn Bích đã tồn tại nhiều năm qua, được xử lý bằng cách đốt trực tiếp. Việc xử lý một cách thủ công đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đại diện chính quyền địa phương, hiện xã đang tìm giải pháp để xin vận chuyển rác tại đây vào Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc). Tuy nhiên, điều này đến nay vẫn chưa thực hiện được, gây ô nhiễm môi trường cho nhân dân quanh vùng.

Hay như khu vực đường ven đê sông Bùng, đoạn từ xã Diễn Ngọc dẫn xuống xã Diễn Vạn (Diễn Châu) lâu nay đã trở thành điểm tập kết rác tạm thời và cũng được đốt khi đầy, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, rác còn được vứt ra bờ sông với đủ loại từ rác sinh hoạt, mảnh kính vỡ, gạch, đá…

Ông Trương Văn Đức - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diễn Châu cho biết: Hiện nay, huyện Diễn Châu chưa có nhà máy xử lý rác thải. Tình trạng ô nhiễm do rác trở thành vấn đề nhức nhối tại một số địa phương, nhất là các xã ven biển, có mật độ dân cư đông. Trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương có lựa chọn một vài địa điểm để xây dựng khu xử lý rác thải tập trung, nhưng việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Hiện rác thải trên địa bàn huyện được cho phép tập kết vào Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần phải có giải pháp để phân loại rác tại nguồn, tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý, thu gom.

bna_van truong 4.JPG
Bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường tại xã Diễn Bích (Diễn Châu). Ảnh: Văn Trường

Liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường, ông Đức cho rằng rất khó, bởi vì khó bắt quả tang đối với những trường hợp vi phạm. Đối với tình trạng ô nhiễm tại xã Diễn Bích, huyện đang chỉ đạo xã phải sớm có phương án hợp đồng với các đơn vị xử lý môi trường để di dời bãi rác.

Trên địa bàn thành phố Vinh, hàng ngày phát sinh nhiều chất thải rắn. Những năm gần đây, chính quyền địa phương các cấp đã thường xuyên triển khai công tác kiểm tra và tham mưu xử lý kiên quyết các vụ việc vi phạm hành chính về lĩnh vực vệ sinh môi trường nên tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng không đúng thời gian, địa điểm quy định phần nào được hạn chế. Tuy vậy, trên một số trục đường mới như đường 35m nối từ xã Hưng Hòa lên xã Nghi Ân, hay tuyến đường 72m, tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng vẫn diễn ra. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố cũng đã tổ chức 158 lượt ra quân; lập biên bản vi phạm hành chính đối với 55 trường hợp vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 61 triệu đồng.

BNA_văn bản tp.jpg
Thời gian qua, UBND thành phố Vinh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc giải toả hành lang ATGT, TTĐT và VSMT dịp kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Tất Thiện – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị, UBND thành phố Vinh cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, đội đã chỉ đạo các tổ công tác thường xuyên phối hợp với UBND các phường, xã xử lý dứt điểm các điểm vi phạm theo đề xuất của phường và của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An. Tuy nhiên, do ý thức của một số bộ phận người dân còn kém nên tình trạng đổ trộm rác thải vẫn còn xảy ra.

Theo thống kê từ phía Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, các nhóm hành vi vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm: xả thải gây ô nhiễm môi trường; thực hiện không đúng các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (Báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường,...); thực hiện quản lý chất thải không đúng quy định.

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực (ngày 1/1/2021) đến nay, có nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường đã bị xử lý. Trong đó, năm 2021 đã xử lý 1.830 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng; năm 2022 xử lý 380 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng.

Khó khăn trong phân loại rác tại nguồn

Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, được xem là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần quản lý môi trường tốt hơn.

Một trong những điểm mới của Nghị định số 45 là giảm mức phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm xảy ra nơi công cộng, để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương như chiến sĩ công an (phạt tối đa 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (phạt tối đa 2,5 triệu đồng). Đồng thời, giảm mức phạt đối với hành vi vứt rác nơi công cộng, vứt mẩu thuốc lá...

BNA_Một đống rác thải xây dựng vừa được đổ trộm trên đường 35m nối Hưng Hoà với Nghi Ân. Ảnh Tiến Đông.jpg
Một đống rác xây dựng vừa được đổ trộm trên đường 35m. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, Nghị định này có nhiều điểm mới, quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường, như quy định rõ hơn về đối tượng bị xử phạt do vi phạm không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; không phân loại, quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; phân cấp, phân quyền về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính… Mặc dù vậy, việc thực hiện theo Nghị định 45 còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Trương Văn Đức – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diễn Châu, trên địa bàn 37 xã, thị trấn của huyện đã xuất hiện phong trào mua thùng rác lớn về phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phân loại xong lại bốc chung lên 1 xe, sau đó lại đổ lộn với nhau nên cũng rất khó khăn. Chưa kể, do hành vi vi phạm liên quan đến phân loại, thu gom rác… thường xảy ra ở cấp xã, thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND cấp xã, trong khi đó, hiện nay, hầu hết ở các địa phương, UBND cấp xã chưa quy định cụ thể về địa điểm, thời gian tập kết, phân loại, thu gom… nên vẫn còn khó áp dụng xử phạt hành vi này trên thực tế.

BNA_Tuyến đường 35m đoạn gần hồ điều hoà bị đổ trộm rác thải xây dựng lẫn rác sinh hoạt. Ảnh Tiến Đông.jpg
Tại nhiều tuyến đường, rác thải sinh hoạt lẫn rác thải xây dựng thường bị đổ trộm, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết: Thực tế, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường vẫn còn xảy ra nhiều trên địa bàn toàn tỉnh với tính chất, mức độ tinh vi hơn; các tổ chức, cá nhân vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó, chống đối.

Do vậy, theo ông Thành, trước mắt cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức của nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là lực lượng ở cơ sở (cấp huyện, xã) để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan…

Mới nhất

x
Tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác thải bừa bãi ra môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO