Những giáo viên đóng 'nhiều vai' ở trường học
Với nhiều vai trò khác nhau, giáo viên chủ nhiệm được nhiều học sinh xem như người thân, là người cha, người mẹ thứ 2, thay gia đình giáo dục, giúp đỡ các em ở trường.
Khích lệ học sinh tiến bộ
Em Cao Trần Duy Oanh là một trong những học trò đã từng được cô giáo Vân Anh mắng chỉ vì điểm bài kiểm tra chỉ đạt dưới trung bình.
3 năm trước, nam sinh này từng thi vào Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn và bị thiếu 0,4 điểm. Trong tâm trạng chán nản, Oanh chấp nhận vào học ở Trung tâm GDNN – GDTX huyện Diễn Châu và mất một thời gian khá dài lơ là việc học.
Biết được đây là học sinh có tố chất, gia đình có truyền thống hiếu học, nên cô giáo Vân Anh đã luôn động viên, khích lệ để Oanh lấy lại được động lực học tập. Kiên trì hơn 1 năm, đầu năm lớp 11, Oanh đã tâm sự với cô giáo muốn vào học ở Trường Sĩ quan tăng thiết giáp và quyết tâm để “làm lại từ đầu”.

Em nghĩ không phải là học trường gì mà quan trọng là mình đã học được gì từ ngôi trường mà mình đang theo học. Những năm qua, em luôn biết ơn vì ở đây em được cô giáo chủ nhiệm và các thầy, cô tin tưởng, khích lệ để chúng em tiến bộ.
Học sinh Cao Trần Duy Oanh - Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu
Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp ở một môi trường đặc biệt, cô giáo Văn Thị Vân Anh - chủ nhiệm lớp 12A - Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu chia sẻ, đây là một công việc vất vả. Tuy nhiên, càng khó khăn, người giáo viên lại càng phải kiên trì, bền bỉ để đồng hành với học trò.
Cô Vân Anh cho biết thêm: "Lớp chúng tôi, hơn 40 em là hơn 40 cá tính. Vì hoàn cảnh khác nhau, nhiều em không được gia đình quan tâm nên các em có tư tưởng chống đối, chán nản, không muốn cố gắng học tập. Quá trình đồng hành với học trò, tôi phải hiểu từng hoàn cảnh, lắng nghe học sinh và sẵn sàng chia sẻ với các em mỗi lúc gặp khó khăn, trở ngại. Với môi trường khác, niềm vui là học sinh đạt thành tích cao trong học tập, nhưng với trường chúng tôi, các em ngoan, có ý thức, có chí tiến thủ đã là món quà lớn với cô, thầy."
Ở những ngôi trường khác, việc học sinh tốt nghiệp lớp 12 và vào đại học là một điều bình thường. Nhưng với lớp tôi, đó là một sự cố gắng của cô và trò, cho thấy sự thay đổi cả trong nhận thức, ý thức và sự quyết định của học trò.
Cô giáo Văn Thị Vân Anh - Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu
.jpg)
Từ năm học 2023 - 2024, cô giáo Nguyễn Thị Oanh - giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) được phân công làm giáo viên chủ nhiệm ở một lớp học có khá nhiều học sinh cá biệt, gồm cá biệt về học tập và cá biệt về đạo đức.
Từ thực tế này, chị đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân và cố gắng hiểu rõ đặc điểm của từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Nói thêm điều này, cô giáo Nguyễn Thị Oanh cho biết: "Mỗi học sinh là một cá tính, nên ngoài tìm hiểu học sinh, tôi phải kết nối với gia đình, trò chuyện, chia sẻ với phụ huynh và thống nhất phương pháp giáo dục giữa giáo viên và gia đình để đảm bảo sự tác động đồng nhất, giúp học sinh thay đổi theo hướng tích cực".
Giáo dục học sinh cá biệt là một nhiệm vụ đầy thử thách nhưng cũng rất ý nghĩa. Với sự nỗ lực từ nhà trường, giáo viên, gia đình và bạn bè, mọi học sinh đều có cơ hội thay đổi, phát triển và trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh - Trường THPT Lê Hồng Phong
Người thân của học trò
"Tôi thích công việc của một giáo viên chủ nhiệm vì được gần gũi với học trò" - đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Thủy - chủ nhiệm lớp 12 C6, Trường THPT Kỳ Sơn. Thầy giáo Thủy cũng cho biết, bản thân là giáo viên dạy Tin học, nên nếu chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn thường sẽ “dạy xong thì thôi”. Nhưng nếu kiêm nhiệm thêm công tác chủ nhiệm, người thầy giáo có khi còn là người anh, người bố của học trò.
"Học sinh của tôi phần lớn xa gia đình, ở nội trú, việc học tập, sinh hoạt đều ở tại trường. Hàng ngày, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh các em và người giáo viên chủ nhiệm phải dành rất nhiều thời gian, tâm huyết mới có thể làm tròn vai trò, trách nhiệm", thầy Thủy chia sẻ thêm.

Vì đam mê công tác chủ nhiệm nên năm nay dù đã ngoài 40 nhưng thầy giáo Thủy vẫn mạnh dạn đăng ký tham gia Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Những kiến thức, kỹ năng mang đến hội thi cũng chính là những kinh nghiệm thầy đã được đúc kết trong gần 20 năm gắn bó với công việc đặc thù này.
Đáng chú ý trong phần báo cáo biện pháp của mình, thầy giáo Thủy đem đến giải pháp rèn luyện học sinh tự học, trong đó, đối tượng chính là học sinh lớp 12C6 mà thầy trực tiếp giảng dạy.
Trong phần trình bày của mình, thầy Thủy cũng đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục. Đó là cậu học sinh Vi Hoàng Đ., bố mẹ đi làm ăn xa, không có người quan tâm nên em thường ngủ trong lớp, đi chậm, vắng học, bỏ tiết, hút thuốc. Hay cô học trò Hờ Y K., đang học lớp 12 nhưng đã lấy chồng nên có tâm lý chán nản, ít giao tiếp với các bạn, thường xuyên về nhà.
Sau một thời gian được sự động viên của thầy giáo chủ nhiệm, được sự giúp đỡ của các bạn, những học sinh này đã ngoan ngoãn, nghiêm túc, chú tâm vào việc học.

Một người giáo viên chủ nhiệm luôn phải đồng hành nhiều vai, đó là chia sẻ của cô giáo Lăng Thị Cường – Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh), 1 trong 15 giáo viên xuất sắc nhất hội thi năm nay.
Cô cũng nói rằng, học sinh ở mỗi vùng, miền có một đặc thù riêng. Ở thành phố, với nhiều cám dỗ từ môi trường, từ bạn bè, từ không gian mạng học sinh phải đối diện với nhiều áp lực.
Với những khó khăn này, giáo viên chủ nhiệm phải làm cầu nối giữa gia đình - học sinh với nhà trường, phải thực hành nhiều vai, khi là người thầy, có khi lại làm người bạn, người cha, người mẹ, người anh (chị) của các em và đôi khi lại cũng là một chuyên gia tư vấn, một vị “quan tòa” hay một “điều tra viên”, luôn luôn biết lắng nghe, biết chia sẻ và thấu hiểu học sinh.
Công việc ấy chưa bao giờ dễ dàng, nhưng giáo viên chủ nhiệm chúng tôi đã và đang làm hằng ngày bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm. Qua 24 năm giảng dạy, động lực để tôi phấn đấu, cố gắng trong công tác chuyên môn cũng như trong công tác chủ nhiệm đó là sự tin yêu của phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp.
Cô giáo Lăng Thị Cường - Trường THPT Hà Huy Tập