Những ký ức không quên

Sáng sớm ngày 1/5/1972, Thượng úy Nguyễn Văn Thực cùng Thượng úy Nguyễn Văn Đức có mặt tại Thành cổ Quảng Trị, đang tìm kiếm, thu thập tài liệu của địch để lại, thì nhận được lệnh của Bộ tư lệnh B5 yêu cầu kiểm tra, kiểm chứng thông tin khu vực thành cổ có 60 lính Mỹ đang ở trong hầm ngầm. Cấp trên điều động một tổ điện đài và một phiên dịch tiếng Anh phối thuộc.

Trong nhiều ngày sau đó, tổ công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Cao Bá Đồng, Cục phó Cục Chính trị, Đảng ủy viên Đảng ủy Bộ tư lệnh Chiến dịch Trị – Thiên (1972), bằng các biện pháp nghiệp vụ đã xác minh được Thành cổ Quảng Trị không có hầm ngầm và lính Mỹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Tổng đài thông tin Bộ tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên (B5), tây Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Văn Thực
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Tổng đài thông tin Bộ tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên (B5), tây Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Văn Thực

Sau đó, trên đường cơ động, đội hình của tổ công tác bị địch tập kích, đồng chí Cao Bá Đồng hy sinh và 3 đồng chí bị thương. Chiến trường ác liệt, Thượng úy Nguyễn Văn Thực và đồng đội đã an táng thi hài đồng chí Cao Bá Đồng tại làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Mười ngày sau, Chính ủy Mặt trận B5 Lê Quang Đạo chỉ thị cho tổ công tác và Tỉnh đội Quảng Trị đưa thi hài liệt sĩ Cao Bá Đồng ra Bắc bờ sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17, cách xa khoảng 50km. Đêm thứ nhất, dưới tầm bom đạn của địch rất ác liệt, cả tổ chưa thể khai quật được mộ. Đêm thứ hai, đồng chí Đức tìm được 20kg gạo sấy của Mỹ, rang khô để khi bật nắp quan tài thì đưa vào thấm hút nước. Để đưa thi hài liệt sĩ Cao Bá Đồng vượt sông Vĩnh Định, tổ công tác dùng hai chiếc phao bơi của bộ đội luồn vào thi hài liệt sĩ…

Đại tá Nguyễn Văn Thực kể: “Chúng tôi thấy trên sông có chiếc thuyền nhỏ của người dân chạy qua, liền gọi vào, nói rõ cần đưa gấp thi hài liệt sĩ ra Bắc. Người dân lúc đầu ngần ngại, nhưng chúng tôi thuyết phục thì anh đồng ý. Vậy là ngay trong đêm đó, thi hài liệt sĩ Cao Bá Đồng, thủ trưởng của chúng tôi đã được chuyển ra an táng tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, bên bờ sông Bến Hải. Sau này gia đình liệt sĩ cất bốc hài cốt, vẫn còn nguyên hai chiếc phao bơi trong mộ. Tôi năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn mong được gặp lại người lái thuyền đã đưa thi hài liệt sĩ Cao Bá Đồng qua sông năm xưa”…

Ông Nguyễn Văn Thực (bên trái) và đồng đội tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Văn Thực (bên trái) và đồng đội tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một sự kiện lịch sử mà cựu chiến binh Nguyễn Văn Thực được chứng kiến, tham dự tại chiến trường Quảng Trị, đó là vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 2/4/1972, đồng chí Cao Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 (Đoàn Pháo binh Bông Lau) báo cáo với đồng chí Hoàng Đan, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304: “Qua hệ thống thông tin, ông Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 Quân đội Sài Gòn xin đầu hàng trong vòng 3 tiếng đồng hồ”. Đồng chí Hoàng Đan đã lệnh cho Trung đoàn 38 chấp thuận địch đầu hàng trong 30 phút và phải kéo cờ trắng, nộp toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến đấu. Trung đoàn 56 pháo binh của địch được trang bị pháo 175 ly “vua chiến trường”, từ đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng có thể nã đạn lên cao điểm Đầu Mầu, Làng Vây, Khe Sanh hoặc pháo kích ra bờ Bắc sông Bến Hải… Mệnh lệnh của Sư đoàn trưởng Hoàng Đan không cho Trung đoàn 56 của địch kéo dài thời gian, mà chỉ trong 30 phút phải đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Song Hào chỉ đạo: Chuyển việc đầu hàng thành phản chiến, đối xử không phải tù hàng binh mà là những người phản chiến về với cách mạng, giữ nguyên cấp bậc cho các ông Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng và Trung tá Vĩnh Phong, Trung đoàn phó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải ngoài cùng) thị sát chiến trường tại Sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Văn Thực
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải ngoài cùng) thị sát chiến trường tại Sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Văn Thực

22 năm sau, ngày 5/3/1994, tại Sở Chỉ huy Bộ tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Tư lệnh Quân khu đã chủ trì lễ trao quyết định thăng quân hàm từ trung tá lên thượng tá, cùng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất cho hai ông Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong. Tháng 6/2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà ký quyết định cho hai ông Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong, cán bộ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, nghỉ hưu theo chế độ.

Đại tá Nguyễn Văn Thực tâm sự: “Câu chuyện trên càng khẳng định Đảng, Nhà nước và Quân đội ta rất quan tâm đến chính sách binh – địch vận, không phân biệt đối xử với những người phía bên kia trở về với cách mạng. Đồng thời, đó là kết quả của công tác binh – địch vận: Một trung đoàn đối phương phản chiến đã tránh được nhiều thương vong và đổ nát, góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị”…