Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'

Công Kiên 17/02/2024 06:00

(Baonghean.vn) - Ngót 45 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ không khí sục sôi của những tháng ngày lịch sử. Hiện, ở Bảo tàng Quân khu 4 còn lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của những thanh niên đất Nghệ.

Rạng sáng ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chính thức bùng nổ. Quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc lập tức cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc đều một lòng hướng về dải đất biên cương.

2-8629.jpg
Thanh niên Nghệ An đăng ký lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân khu 4

Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh Tổng động viên toàn quốc. Cùng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” để cổ vũ tinh thần, ý chí và quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược của quân và dân ta.

Cũng như bao miền quê trên mọi miền đất nước, nhân dân Nghệ An (lúc bấy giờ là tỉnh Nghệ Tĩnh) sục sôi khí thế chiến đấu, viết đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường bảo vệ biên cương. Bảo tàng Quân khu 4 dành một góc để trưng bày hiện vật, hình ảnh về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong đó, có 3 lá đơn tình nguyện của 3 thanh niên Nghệ An được trưng bày tại Bảo tàng là minh chứng sinh động về lòng căm thù và tinh thần, ý chí chiến đấu của người dân quê Bác.

1-7198.jpg
Dân quân xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) luyện tập xạ kích trên biển sẵn sàng chiến đấu. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân khu 4

Lá đơn đầu tiên là của ông Lê Long Thanh ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) được viết đêm 4/3/1979 gửi Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện và Đảng ủy, UBND xã, khi ấy ông vừa bước sang tuổi 28. Đơn tình nguyện của ông Thanh viết: “Để đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng trước vận mệnh của dân tộc trong bước ngoặt lịch sử vẻ vang, với trọng trách của người đảng viên cộng sản, tôi rất căm thù, phẫn uất trước hành động dã man, tàn bạo và láo xược của quân xâm lược bành trướng...

Đảng viên và thanh niên cộng sản có trách nhiệm và vinh dự đi hàng đầu trên mọi mặt trận sản xuất, chiến đấu, công tác và học tập, hãy xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân là hoài bão và ước mơ của bản thân”.

bna-2-9842.jpg
Đơn tình nguyện nhập ngũ của ông Lê Long Thanh. Ảnh: Công Kiên

Lá đơn tình nguyện thứ hai là của ông Nguyễn Văn Hội ở xã Nghi Văn (Nghi Lộc) viết ngày 7/3/1979, lúc ông tròn 18 tuổi, đang là học sinh lớp 10. Ông Hội viết: “Hiện nay tôi đang học lớp 10A, Trường cấp 3 Nghi Lộc 2... Để trả thù cho đồng bào 6 tỉnh biên giới phía Bắc, hơn nữa nằm trong lứa tuổi thanh niên, tôi không thể ngồi yên cho quân thù giày xéo non sông, đất nước. Tôi xin tình nguyện gia nhập hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam để cầm súng bắn thẳng vào bọn phản động... ”.
Lá đơn tình nguyện thứ 3 là của ông Lê Thanh Hùng, công nhân Xí nghiệp Gạch Mỹ Lý, huyện Diễn Châu viết ngày 2/3/1979, khẳng định ý chí, quyết tâm của thanh niên Việt Nam và xin tình nguyện cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ non sông, đất nước.

bna-1-3431.jpg
Đơn tình nguyện nhập ngũ của ông Nguyễn Văn Hội. Ảnh: Công Kiên

Trong khu lưu giữ của Bảo tàng Quân khu 4, bên cạnh những bức quyết tâm thư của các thanh niên Nghệ An là những hình ảnh chân thực, sinh động về quân và dân Nghệ An trong những thời khắc lịch sử. Đó là hình ảnh tuyến phòng thủ ven biển được xây dựng bằng 1 triệu cây tre, sẵn sàng nghênh địch đổ bộ từ vùng biển; là các tuyến hầm hào, công sự phòng thủ; là hình ảnh quân dân ven biển Quỳnh Lưu tuần tra; các trung đoàn tự vệ thành lập và xuất quân lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả...

Cuộc chiến đã lùi xa 45 năm, thế nhưng những kỷ vật của quân và dân ta được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Trung tá Nguyễn Hữu Hoành - Trợ lý trưng bày, Bảo tàng, Cục Chính trị Quân khu 4 cho biết, mỗi kỷ vật, mỗi hình ảnh về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được lưu giữ ở bảo tàng đều gắn với những câu chuyện của một thời kỳ lịch sử oai hùng.

bna-3-8994.jpg
Góc trưng bày về Chiến tranh biên giới phía Bắc tại Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: Công Kiên

Đây là những tư liệu sinh động, là minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Những câu chuyện, hình ảnh, những kỷ vật về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang được lưu giữ giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, hiểu rõ hơn về những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh để giành, giữ, bảo vệ và phát triển đất nước hôm nay và mai sau...

Mới nhất

x
Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO