Đối đầu Mỹ - Trung có thể leo thang thành ‘cuộc chiến tài chính toàn diện’
Cuộc đối đầu Mỹ - Trung có nguy cơ leo thang thành một "cuộc chiến tài chính toàn diện" mà không bên nào chiến thắng, chuyên gia nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank cảnh báo.

Hệ thống tài chính toàn cầu đang bước vào “vùng đất chưa được khám phá”, khi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể biến thành một “cuộc chiến tài chính toàn diện”, theo lời cảnh báo của ông George Saravelos – Giám đốc nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank.
Trong một bản ghi chú gửi tới khách hàng vào hôm 9/4, được nhiều hãng truyền thông trích dẫn, ông Saravelos – chuyên gia phân tích từng nhiều lần cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đồng USD sắp xảy ra và sự mất lòng tin toàn cầu vào đồng tiền của nước Mỹ – đã mô tả tình hình hiện tại như một “sự sụp đổ” của các thị trường.
“Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ đồng thời trong giá trị của tất cả các tài sản Mỹ, bao gồm cổ phiếu, đồng USD so với các đồng ngoại hối dự trữ thay thế, và cả thị trường trái phiếu. Chúng ta đang bước vào vùng đất chưa được khám phá của hệ thống tài chính toàn cầu”, ông viết.
Saravelos cảnh báo rằng, thị trường toàn cầu đang phi đô la hóa với tốc độ nhanh hơn dự kiến, và hiện vẫn chưa rõ quá trình này “có thể diễn ra một cách trật tự đến đâu”. Tình hình hiện nay có vẻ khác biệt so với “môi trường khủng hoảng thông thường”, khi thị trường “thường tích trữ thanh khoản USD để đảm bảo nguồn vốn cho các tài sản Mỹ mà họ nắm giữ”.
“Động lực giờ đây có vẻ hoàn toàn khác biệt: Thị trường đã mất niềm tin vào tài sản Mỹ, bởi vậy thay vì tích trữ đồng USD để bù đắp chênh lệch có – nợ, thì giờ đây họ đang tích cực bán tháo chính những tài sản đó”, Saravelos viết, đồng thời chỉ trích rằng, chính các hành động của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang “thúc đẩy làn sóng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ”.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu và dẫn tới một “cuộc chiến tài chính toàn diện”. Ông Saravelos nhận định các mức thuế quan cực đoan do Tổng thống Trump áp đặt đã khiến cánh cửa leo thang thêm trong lĩnh vực thương mại gần như bị đóng lại. Trung Quốc hiện “có vẻ như đang duy trì khả năng vũ khí hóa đồng tiền, đồng thời phát đi tín hiệu về một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với nền kinh tế trong nước”, ông nói thêm.
“Giai đoạn tiếp theo có nguy cơ sẽ là một cuộc chiến tài chính toàn diện, liên quan đến việc Trung Quốc sở hữu các tài sản Mỹ, cả ở khu vực nhà nước lẫn tư nhân. Cần lưu ý rằng, sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này: Cả bên sở hữu (Trung Quốc) lẫn bên phát hành (Mỹ) đều sẽ bị tổn hại. Kẻ thua cuộc sẽ là nền kinh tế toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chính trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm điều chỉnh cán cân thương mại của Mỹ, với việc áp dụng các mức thuế "trả đũa" lên hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vào tháng 3, ông Trump đã áp mức thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó tăng thêm 34% vào tuần trước. Trung Quốc đã trả đũa tương ứng, áp thuế 34% lên hàng hóa Mỹ – sau đó ông Trump tiếp tục nâng mức thuế lên thêm 50%, nâng tổng thuế lên 104%.
Trong tuần này, Trung Quốc tiếp tục tăng thuế thêm 50% lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, đưa tổng mức thuế lên 84%. Tổng thống Trump ngay lập tức đáp trả bằng việc nâng mức thuế lên 125% vào hôm 9/4– thậm chí còn trước khi biện pháp mới của Trung Quốc có hiệu lực.