Những lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao về với Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn

Công Kiên 05/06/2022 15:50

(Baonghean.vn) - Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao ngã xuống chẳng để lại gì của riêng mình ngoài công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và những lá thư đi cùng năm tháng. Mới đây, bà Hoàng Liên Thái, em gái của liệt sĩ đã quyết định trao toàn bộ các bức thư đang lưu giữ cho Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Trang giấy nhuốm “màu thời gian”

Cuối tháng 5, anh Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn báo tin vừa trở về từ Hải Phòng và được người thân của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao trao toàn bộ những bức thư và một số kỷ vật lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua.

Khu mộ Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao và liệt sĩ Lương Trung Tín. Ảnh: Công Kiên

Dù đã đọc nội dung những bức thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao trên báo và cuốn sách “Sống để yêu thương và dâng hiến” nhưng chúng tôi vẫn muốn tận mắt chứng kiến những dòng chữ và mẩu giấy nhuốm “màu thời gian”.

Vài ngày sau, chúng tôi ngược Quốc lộ 15A, lên với Truông Bồn và may mắn gặp được anh Lộc, được anh cho xem những lá thư vừa đưa về từ đất cảng. Có đến hàng trăm trang thư được gói ghém trong từng phong bao, chứng tỏ người lưu giữ luôn nâng niu, trân trọng kỷ vật vô giá của người thân.

Khu vực quanh mộ liệt sĩ Hoàng Kim Giao còn dấu tích của nhiều hố bom năm xưa. Ảnh: PV

Theo tư liệu lịch sử, Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao (1941 - 1968) quê ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng), là cán bộ khoa học của Cục Nghiên cứu kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Tháng 9/1968, anh xung phong nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn công tác vào Khu 4 để huấn luyện và phá dỡ bom, trả lại cuộc sống bình yên cho vùng tuyến lửa.

Ngày 29/12/1968, Hoàng Kim Giao và đồng đội là Lương Trung Tín (quê Thái Bình) đã hy sinh lúc đang phá quả bom chứa 300 kg thuốc nổ ở xã Nam Hưng (Nam Đàn), cách Truông Bồn mấy trăm mét. Thân xác anh và đồng đội hòa tan vào đất đá, người dân Nam Hưng chỉ tìm thấy một mẩu thi hài và mai táng bên sườn đồi.

Liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Ảnh tư liệu

Giờ đây, ngôi mộ của hai anh đã được giao cho Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn chăm sóc và có nhiều người qua lại thăm viếng. Quanh mộ các anh vẫn còn dấu tích của hàng chục hố bom, là chứng tích một thời ác liệt và khẳng định tinh thần xả thân, chiến đấu quên mình của những người con đất Việt.

Xem những lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi dù đã nhuốm “màu thời gian”, giấy viết đôi chỗ đã úa vàng nhưng gần như không có lá thư nào bị rách. Nét chữ vẫn còn nguyên vẹn, không bị mờ, nhòe do tác động của thời gian và những yếu tố bên ngoài.

Một trong những bức ảnh gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Giao tặng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Với hàng trăm trang thư chủ yếu viết cho cậu, mợ (bố, mẹ) và người vợ trẻ Nguyễn Thị Lan đã nói lên phần nào phẩm chất, tâm hồn của chàng trai đất cảng.

Những lá thư về bên chủ nhân năm ấy

Sau khi dâng hương trước phần mộ của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao và liệt sĩ Lương Trung Tín, tận mục sở thị những hố bom bên mé đồi, anh Phan Trọng Lộc chia sẻ về hành trình của những lá thư.

“Những lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao được nhiều người biết qua sách, báo trong hàng chục năm qua. Khi phần mộ của liệt sĩ được giao cho Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Truông Bồn chăm sóc, chúng tôi nhiều lần liên hệ, vận động gia đình trao tặng thư. Ban đầu, gia đình có ý định tặng Bảo tàng Quân đội nhưng cuối cùng quyết định chuyển những lá thư và kỷ vật của liệt sĩ vào Nghệ An, nơi liệt sĩ ngã xuống và đang yên nghỉ”, anh Lộc nói.

Anh Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (giữa) chụp ảnh cùng người thân liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Ảnh: NVCC

Những lá thư và hiện vật gồm những bức ảnh của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao thực sự vô giá, các bảo tàng và khu trưng bày hiện vật lịch sử rất mong muốn được sở hữu. Vì thế, không ít cơ sở trưng bày đã liên hệ với bà Hoàng Liên Thái, em gái của liệt sĩ để xin tặng những hiện vật này.

Người em gái của liệt sĩ đã không tránh được sự phân vân và từng có ý định trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Quân đội vì anh trai mình là một quân nhân, hơn nữa, đây là bảo tàng có quy mô lớn, được trang bị hiện đại, có thể bảo quản hiện vật lâu dài, có nhiều người tham quan nên sức lan tỏa lớn….

Anh Phan Trọng Lộc bên và những bức thư được gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Giao trao tặng Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh: Công Kiên

Anh Phan Trọng Lộc cũng nhiều lần liên lạc và tìm cách thuyết phục nhưng bà Hoàng Liên Thái vẫn ít nhiều còn ngần ngại. Nhưng khi hay tin phần mộ của anh trai đã được đưa vào quy hoạch tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, bà Thái lập tức đồng ý. Vì bà Thái biết rằng, Truông Bồn đã thành Di tích lịch sử Quốc gia, là một trong những địa chỉ đỏ của người dân và du khách khắp mọi miền đất nước, mỗi tuần đón hàng nghìn du khách viếng thăm.

Hơn nữa, mộ của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao đang nằm ở nơi đây, thân xác anh đã hòa tan với mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng gió nên những kỷ vật được trưng bày tại Truông Bồn là hợp lý nhất. Những lá thư ấy sẽ góp phần khắc hoạ thêm sự khốc liệt của “tọa độ lửa” Truông Bồn những năm đánh Mỹ, cũng như ý chí, tinh thần chiến đấu quật cường của những chàng trai, cô gái năm xưa.

Những lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao vẫn còn nguyên vẹn, nét chữ vẫn rõ ràng. Ảnh: Công Kiên

Một bức thư Anh hùng Hoàng Kim Giao gửi vợ là Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Công Kiên

Và qua đó, người dân xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao, người con đất cảng Hải Phòng.

Đối với Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, những lá thư và hiện vật của liệt sĩ Hoàng Kim Giao thực sự là báu vật. Bởi cùng với những lá thư, hồ sơ, vật dụng của các chiến sỹ TNXP Truông Bồn đang được trưng bày tại bảo tàng, những hiện vật vừa được trao tặng sẽ bổ sung để bộ sưu tập thêm hoàn chỉnh. Từ đó, tô đậm thêm nét hào hùng, oanh liệt cho bức tranh về Truông Bồn thời lửa đạn chiến tranh...

“Những bức thư và hiện vật của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn trong ít ngày tới để du khách đến thăm có dịp tận mắt chứng kiến. Qua đó, hiểu thêm về sự hy sinh anh dũng, quả cảm của người con đất cảng khi làm nhiệm vụ ở mảnh đất Nghệ An trong những năm tháng ác liệt và hiểu rõ hơn tinh thần xả thân vì Tổ quốc của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ”.

Anh Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Mới nhất

x
Những lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao về với Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO