“Cầu nối” quá khứ và hiện tại
Những ngày này, dòng người từ muôn phương lại về với Truông Bồn, để cùng nhau nhớ lại sự kiện ngày 31/10/1968, khi những trận bom khốc liệt của giặc Mỹ đã vĩnh viễn vùi lấp 13 thanh niên xung phong vào lòng đất mẹ Truông Bồn. Hòa trong dòng người tấp nập đó, cô bé đồng bào dân tộc Thái, Vi Thị Hòa cũng đã vượt quãng đường dài hơn 150 km từ bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu về với mảnh đất thiêng liêng.
Trong khói hương lan tỏa, giọng nói trầm ấm, truyền cảm của thuyết minh viên chạm sâu vào cảm xúc của cô bé Hòa. Nghe kể chuyện, em hiểu hơn về những dữ kiện lịch sử, và những ngày tháng, những con số tưởng như khô khan trong sách vở lại trở nên sống động, chân thực vô cùng. Em hiểu rằng, trong những ngày tháng bom Mỹ giày xéo quê hương ấy, hàng ngàn chàng trai, cô gái TNXP nơi này đã trui rèn ý chí và quyết tâm sắt đá đến nhường nào.
“Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” là khẩu hiệu, cũng là một lẽ sống. Sự hy sinh oanh liệt của “Tiểu đội thép”, ngã xuống ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, khi chị Hoài vừa tròn 17, chị Tâm nhiều nhất cũng chỉ mới 22 tuổi... Đau đớn hơn, có 5 chị “ngày mai” sẽ được đi học tại các trường chuyên nghiệp, giấy báo nhập học vẫn đang gói ghém trong chiếc khăn mùi soa; cũng có người chỉ còn một chút nữa thôi là đã đến rất gần với đám cưới của mình.
Hơn bất cứ đâu, hơn bất cứ điều gì, ở ngay đây, tại Truông Bồn, trong thanh âm kể chuyện của các thuyết minh viên, cô bé Vi Thị Hòa thấm thía rằng, các anh, chị thanh niên xung phong đã sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc, hiến dâng cả tuổi xuân cho Tổ quốc và góp sức mình viết nên một huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX.
Tại Truông Bồn, em Vi Thị Hòa cùng những người bạn của mình còn được tham gia vào chương trình hỏi - đáp đầy ý nghĩa. Thuyết minh viên sẽ đưa ra các câu hỏi để các bạn trẻ thể hiện sự hiểu biết, tình cảm yêu thương, lòng tri ân đối với sự hy sinh của 13 anh hùng, liệt sĩ tại tọa độ lửa Truông Bồn. Trong ánh mắt của những du khách như em Vi Thị Hòa, hình ảnh các thuyết minh viên hiện ra thật đẹp, có giọng nói thật ấm áp và truyền cảm. Họ là “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại, giữa Truông Bồn với muôn phương.
Nữ thuyết minh viên mà em Vi Thị Hòa và các bạn yêu mến ấy là chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1990), một người con của mảnh đất Thanh Chương.
Chị kể, 10 năm gắn bó với công việc thuyết minh viên ở Truông Bồn xuất phát từ cơ duyên đặc biệt, bởi từ một nhân viên văn thư, chị đã đắn đo rất nhiều khi quyết định thi tuyển vào làm ở vị trí không liên quan đến ngành học của mình. Nhưng rồi, bằng một tình yêu lớn dành cho địa danh lịch sử đã gắn bó với tâm thức người Nghệ, cũng là một lần mong muốn được thử sức với công việc mà mình yêu thích, chị Nhung đã miệt mài luyện tập giọng kể và tích lũy kiến thức. Và rồi, hạnh phúc vỡ òa khi chị đã vượt qua hàng chục thí sinh khác để được chọn lựa một cách đầy thuyết phục.
Tuy nhiên, sau niềm vinh dự ấy là trách nhiệm vô cùng lớn lao. Bởi hằng năm, khu di tích tiếp đón hàng vạn du khách, trong đó, đa phần là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, Mẹ Việt Nam anh hùng… Đó là những nhân chứng sống, những người đã đi qua một thời khói lửa, về đây để ôn lại một thời hoa đỏ đã qua. Đứng trước họ để nói về những câu chuyện lịch sử quả thực là một áp lực rất lớn.
Những lúc cao điểm, vì lượng khách quá lớn, chị Nhung cùng các đồng nghiệp phải làm việc liên tục trong điều kiện khí hậu ngoài trời nắng nóng. Rất nhiều lúc, bát cơm vừa bưng lên, có đoàn khách đến cũng phải đặt xuống để kịp thời đón tiếp. Những khi cổ họng khản tiếng, khó cất thành lời, nhưng chị em cũng phải cố gắng hỗ trợ nhau hoàn thành các phần việc được giao.
Sau nhiều nỗ lực, trong 10 năm gắn bó với nghề, chị Nhung luôn đón nhận được những tình cảm yêu thương, trân quý của mọi người khi tới đây. Mỗi sự xúc động của du khách, mỗi cử chỉ tri ân của họ với các anh hùng, liệt sĩ sau khi nghe các câu chuyện là động lực để các chị tiếp tục với nhiệm vụ cao cả.
Lửa nghề mãi cháy
Trong đội ngũ thuyết minh viên ở Truông Bồn, có những người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng lửa nghề nồng đượm, như thuyết minh viên Phạm Thanh Hảo. Hôm tôi đến Truông Bồn, hòa cùng đoàn du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh, chứng kiến một cựu chiến binh lặng thầm lau những giọt nước mắt xúc động khi được lắng nghe lời kể của chị Hảo. Giọng nói đầy nội lực đằm sâu, những ngân rung xúc cảm chân thực, đã truyền tải câu chuyện nơi toạ độ lửa này chạm vào trái tim du khách.
Tranh thủ lúc ngơi khách, Hảo mới có thời gian trải lòng về công việc của mình. Theo chị, khách tham quan đa dạng tầng lớp, độ tuổi, vì vậy, đòi hỏi thuyết minh viên luôn phải đổi mới, trăn trở tìm tòi cách dẫn riêng, chắt lọc dữ liệu kiến thức phù hợp với từng đối tượng. Dễ có đến hàng trăm lần thuyết minh, vẫn là bài kể chuyện ấy, nhưng cảm xúc lúc kể mỗi lần vẫn khác nhau. Sự khác biệt ấy đến từ cảm xúc thật sự, tình yêu và niềm tri ân thật sự. Thuyết minh viên phải làm sao để qua mỗi câu chuyện, mỗi du khách có thể hiểu được không khí lịch sử đầy hào hùng của thế hệ đi trước, có như vậy, mới truyền cảm hứng về vẻ đẹp bi tráng, niềm tự hào, khơi gợi động lực và trách nhiệm của thế hệ hôm nay.
Thuyết minh viên Phạm Thanh Hảo còn chia sẻ thêm, có một điều đặc biệt là 3 nữ thuyết minh viên tại Truông Bồn đều có chồng làm việc trong lĩnh vực công an, bộ đội nên thường xuyên đi công tác xa. Vì vậy, mọi lo toan về con cái, gia đình, công việc đều đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của các chị. Nhiều lúc, đứa con 5 tuổi của chị vẫn thường hỏi mẹ: “Khi mô thứ Bảy, Chủ nhật mẹ mới ở nhà với con?”. Mỗi lúc như thế, chị Hảo chỉ biết dạy cho con sự tự lập, chia sẻ công việc và cảm thông cho mẹ nhiều hơn. Chị cũng thường đưa con đến thăm Truông Bồn, chứng kiến những dòng người về đây để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, từ đó thắp lên trong lòng con trẻ niềm tự hào về công việc mà mẹ đang làm.
Cùng với Hảo, nữ thuyết minh viên trẻ tuổi Nguyễn Hà Thu (SN 1995) cũng là một cô gái đã tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách khi họ về với Truông Bồn. Thu được kết nạp Đảng từ năm 2017, khi còn là sinh viên của Trường Đại học Vinh. Đó là dấu mốc quan trọng để thắp sáng tình yêu của Thu đối với công việc hiện tại mà mình chọn lựa.
Hằng ngày, Nguyễn Hà Thu phải vượt quãng đường hơn 30 km từ mảnh đất Hưng Trung (Hưng Nguyên) về với Truông Bồn, nhưng bao mệt mỏi đều được xua tan khi chị khoác lên mình bộ trang phục với sắc xanh quen thuộc đã gắn bó với mình nhiều năm qua. Bằng giọng đọc cuốn hút, truyền cảm, sự chu đáo, chỉn chu trong từng công việc nhỏ nhất, Thu đã mang lại những ấn tượng, những câu chuyện thật đẹp trong hành trình tri ân của những người dân khi về với Truông Bồn.
Có thể nói, mỗi thuyết minh viên đều có những câu chuyện đời riêng, những vất vả, khó khăn đặc thù, nhưng họ cùng chung nỗ lực, đam mê và tình yêu với công việc. Họ đều cảm thấy thật may mắn khi được góp phần lan tỏa giá trị Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
"9 tháng đầu năm 2023, di tích đã tiếp đón 260.000 lượt khách; trong năm 2022 là 200.000 lượt khách. Lượng khách lớn như vậy nhưng chỉ có 3 thuyết minh viên. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ thuyết minh viên cao hơn và khắt khe hơn nhiều nghề khác. Mỗi thuyết minh viên trước hết phải là người có trình độ chuyên môn, có kiến thức vững chắc, chuyên sâu về văn hóa, lịch sử. Đồng thời, phải có kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử linh hoạt, giọng nói truyền cảm, hấp dẫn; có sức khỏe tốt, sự nhẫn nại, và lòng yêu nghề".
Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn