Xã hội

Những làng quê Nghệ An sống ‘tốt đời đẹp đạo’

Công Kiên 20/12/2024 10:51

Những ngày này, khắp các làng quê có đồng bào công giáo sinh sống đều ngập tràn không khí vui tươi, phấn khởi đón mừng Lễ Giáng sinh năm 2024. Niềm vui ấy có sự kết tinh của công sức, thành quả lao động với tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng quê hương của bà con giáo dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Đoàn kết xây dựng cuộc sống

Chúng tôi về xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) vào một ngày cận kề Lễ Noel, được chứng kiến không khí náo nức, hân hoan của cộng đoàn giáo dân xứ Mỹ Dụ. Các xóm, thôn quanh nhà thờ giáo xứ bà con đã trang hoàng cờ Thiên Chúa giáo, bóng nháy, hang đá… sẵn sàng chào đón Giáng sinh.

bna_1.jpg
Nhà thờ giáo xứ Mỹ Dụ, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên

Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Châu Nhân là sự đổi thay, khởi sắc của vùng quê nằm ven sông Lam với những tuyến đường thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang thi nhau mọc lên giữa các xóm, làng.

Ông Nguyễn Trường Sinh – Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Hưng Nguyên, thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ Mỹ Dụ cho biết: “Bà con giáo dân ở Châu Nhân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và các nghề tiểu thủ công nghiệp như làm bánh đa, kẹo lạc, nấu rượu, ép dầu lạc và chế biến các sản phẩm từ rươi. Gần đây, nhiều gia đình có thành viên đi xuất khẩu lao động nên nguồn thu nhập được nâng cao, đời sống mọi mặt được cải thiện. Bà con tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, nhất là xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.

bna_2.jpg
Nhiều ngôi nhà khang trang thi nhau mọc lên giữa làng quê Châu Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên

Theo ông Lê Khánh Quang – Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, năm 2024 tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 440 tỷ đồng, tốc độ phát triển kinh tế đạt 9,3%, bình quân thu nhập đầu người đạt: hơn 56 triệu đồng/người/năm. Xã tiếp tục triển khai thực hiện, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về giáo dục, trường học, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Trong năm, đã đầu tư trên 25 tỷ đồng xây dựng các công trình như trường học, đường giao thông, kênh mương thủy lợi…

Những kết quả đạt được đều có sự đóng góp không nhỏ của bà con giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Dụ. “Mỗi một người dân Châu Nhân nói chung; mỗi một con chiên giáo xứ Mỹ Dụ nói riêng với đường hướng “Người công giáo tốt trước hết phải là người công dân tốt”, luôn cùng nhau đoàn kết, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã sớm xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, ông Lê Khánh Quang nói.

bna_3.jpg
Mô hình phát triển nghề mộc truyền thống của giáo dân Nguyễn Văn Nghĩa ở giáo xứ Mỹ Dụ, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên

Từ Châu Nhân, chúng tôi sang xóm 7, xã Hưng Chính (TP. Vinh), nơi có giáo họ Vĩnh Giang. Giáo họ Vĩnh Giang thuộc giáo xứ Cầu Rầm, chiếm 86,8% dân số của xóm 7. Với phương châm “Kính Chúa, yêu nước”, hòa hợp giữa đạo và đời, Ban quản lý xóm đã phối hợp với Hội đồng mục vụ cùng các tổ chức đoàn thể từng bước tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

bna_4.jpg
Một góc xóm 7, xã Hưng Chính (TP. Vinh). Ảnh: Công Kiên

Nhờ đó, xóm 7 đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống và đạt được những kết quả tích cực. Đời sống kinh tế phát triển, đồng bào Công giáo Vĩnh Giang nói riêng, bà con xóm 7 nói chung có điều kiện đóng góp kinh phí và công sức xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Vận động lắp đặt hệ thống truyền thanh để nhân dân nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các hoạt động của địa phương.

bna_5.jpg
Nhà văn hóa xóm 7, xã Hưng Chính (TP. Vinh). Ảnh: Công Kiên

Để đảm bảo điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho nhân dân, Ban quản lý xóm đã vận động mỗi hộ đóng góp 2 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa xóm và tôn tạo khuôn viên sạch, đẹp. Huy động nguồn kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, vận động hiến 7.200m2 đất làm đường, mỗi hộ đóng góp từ 5 – 9 triệu đồng, ước tính tổng số tiền khoảng 900 triệu đồng để nâng cấp các tuyến đường và các thiết chế văn hóa.

Với những kết quả đạt được, với niềm tin Thiên Chúa, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đồng hành cùng quê hương, dân tộc, nhân dân xóm 7 – giáo họ Vĩnh Giang sẽ giữ vững và phát huy danh hiệu đơn vị văn hóa. Đúng như lời dạy của thánh Mat-thêu: “Chính anh em là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”.

Anh Nguyễn Văn Trí – Xóm trưởng xóm 7, xã Hưng Chính, TP. Vinh

Đồng hành cùng quê hương

Dịp này, trở lại Giáo xứ La Nham, xã Nghi Yên (Nghi Lộc), chúng tôi thực sự ấn tượng về những khu dân cư được quy hoạch khang trang, sạch đẹp theo hình ô bàn cờ. Giáo xứ La Nham bao gồm xóm 1 và xóm 2, xã Nghi Yên (Nghi Lộc), có hơn 560 hộ với khoảng 2.700 nhân khẩu. Những ngày này, cùng với việc đẩy mạnh làm ăn, sản xuất, bà con giáo dân đang chuẩn bị đón Giáng sinh.

bna_6.jpg
Nhà thờ giáo xứ La Nham, xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Những năm gần đây, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ La Nham đã tích cực phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền tuyên truyền, vận động cộng đoàn giáo dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn sản xuất, đầu tư mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Một số hộ đã tận dụng lợi thế bám Quốc lộ 1A và đường D4 để mở rộng kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và làm giàu cho quê hương.

bna_7.jpg
Một góc giáo xứ La Nham, xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Nhờ đó, nhiều hộ được tôn vinh là sản xuất, kinh doanh giỏi với mức thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với tinh thần tương thân, tương ái, linh mục quản xứ và Hội đồng Mục vụ luôn tham gia công tác từ thiện bác ái, đóng góp, chia sẻ với người nghèo và người già neo đơn, bất hạnh bằng những suất quà mang đầy ý nghĩa.

bna_9.jpg
Một góc giáo xứ Đồng Lam, xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Quang Dũng

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", sống “tốt đời đẹp đạo”, bà con giáo xứ La Nham đã đóng góp công sức, tiền của làm hàng nghìn mét đường bê tông và kênh mương nội đồng. Hội đồng mục vụ cùng các ban, ngành, đoàn thể cấp xã vận động bà con giáo dân bàn giao 50 ha đất nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Với bà con giáo xứ Đồng Lam, xã Hùng Sơn (Anh Sơn), nguồn thu nhập của bà con cơ bản dựa vào sản xuất nông nghiệp, gồm trồng lúa nước, ngô, mía, chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, những năm gần đây, chè công nghiệp đã thành cây chủ lực, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ làm giàu.

bna_8.jpg
Không khí đón Giáng sinh ở giáo xứ Đồng Lam, xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên

Đời sống mọi mặt của bà con không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các tiện nghi hiện đại để phục vụ cuộc sống. Khi có nguồn thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao, từ đó con em có điều kiện được học lên cao, nhiều em đã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng và có công việc ổn định.

Đặc biệt, ở đây có những hộ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần làm giàu cho quê hương. Điển hình là hộ anh Lê Tiến Dũng với xưởng cơ khí sản xuất nhôm kính phục vụ người dân trong vùng; ông Nguyễn Văn Quý với nghề làm bún, bánh và phát triển chăn nuôi; ông Đinh Xuân Phú với hàng chục ha chè nguyên liệu, thu về mỗi tháng hàng chục triệu đồng…

Bà con giáo dân trên địa bàn đều chăm chỉ làm ăn, lao động sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, mức thu nhập ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, phần lớn bà con đều có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, góp phần giữ gìn cuộc sống yên bình, no ấm”.

Ông Trần Minh Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, Anh Sơn

Mới nhất
x
Những làng quê Nghệ An sống ‘tốt đời đẹp đạo’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO