Kinh tế

Nghĩa Đàn nỗ lực về đích huyện nông thôn mới

Nguyên Nguyên 05/12/2024 14:37

Để hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân huyện Nghĩa Đàn chung sức thực hiện nhiều công trình, phần việc cụ thể. Đến nay, qua rà soát, huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, trình hồ sơ để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện Nghĩa Đàn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Nỗ lực từ mỗi xã, thị trấn

Nhà văn hóa xóm Liên Tây, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) được đầu tư 2,3 tỷ đồng xây dựng khang trang từ nguồn ngân sách xã, người dân đóng góp và xã hội hóa. Ảnh Nguyên Nguyên
Nhà văn hóa xóm Liên Tây, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) được đầu tư 2,3 tỷ đồng xây dựng khang trang từ nguồn ngân sách xã, người dân đóng góp và xã hội hóa. Ảnh: Nguyên Nguyên

Xã Nghĩa Sơn là 1 trong 2 xã ở huyện Nghĩa Đàn sớm hoàn thành các tiêu chí và được tỉnh Nghệ An công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Điều đặc biệt trong năm 2023, xã Nghĩa Sơn chưa đăng ký về đích xã nông thôn mới nâng cao nhưng xét mức độ các tiêu chí nên giữa năm, huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo xã rà soát và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong vòng 6 tháng củng cố các tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ, đến cuối năm 2023, xã Nghĩa Sơn được tỉnh thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quý - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn phấn khởi cho biết: Xét theo Nghị quyết của Đảng ủy xã đặt ra, việc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của xã hoàn thành sớm hơn 1 năm. Trước đó, năm 2016, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng vượt kế hoạch 1 năm. Điều đó minh chứng cho nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã.

Đường vào xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn). Ảnh Nguyên Nguyên
Đường vào xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn). Ảnh: Nguyên Nguyên

Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt trên 69 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn 0,62.%; tỷ lệ hộ cận nghèo cũng dưới 1%. Giai đoạn 2020 - 2023, xã huy động được gần 92 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, trong đó, nhân dân đóng góp gần 63 tỷ đồng, chiếm 67,6%. Hạ tầng được xây dựng đồng bộ, đời sống người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên. Việc phát triển sản xuất, chăn nuôi được bà con đầu tư theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, bền vững...

Còn thị trấn Nghĩa Đàn vừa được thẩm định hoàn thành các tiêu chí “đô thị văn minh" và trình UBND huyện công nhận trong năm 2024. Nhiều năm liền, thị trấn Nghĩa Đàn là đơn vị tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng đô thị văn minh.

Tân Tiến- TT Nghĩa Đàn
Thiết chế nhà văn hóa khối Tân Tiến, thị trấn Nghĩa Đàn được người dân chung sức trang bị đầy đủ. Ảnh: Nguyên Nguyên

Đồng chí Hồ Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nghĩa Đàn cho biết: “Đa số hộ dân trên địa bàn thị trấn hoạt động kinh doanh dịch vụ, kinh tế duy trì ổn định và tăng trưởng khá. Từ đó, bà con chung sức xây dựng khu phố văn minh, thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự đô thị; tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội… Ý thức cao và tinh thần đồng thuận của nhân dân trên địa bàn là yếu tố cốt lõi để thị trấn hoàn thành 9 tiêu chí, 52 chỉ tiêu xây dựng đô thị văn minh.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và chung sức của nhân dân, cuối năm 2023, tất cả các xã của huyện Nghĩa Đàn đã về đích nông thôn mới, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (10,5% xã). Có được kết quả đó, tất cả các xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề; tập trung đánh giá hiện trạng, thực trạng về nông thôn của xã, xây dựng kế hoạch thực hiện sát thực tiễn. Cấp ủy, chính quyền từ xã đến cơ sở xóm bám sát nghị quyết của Đảng bộ xã, kế hoạch của UBND xã để thực hiện đúng lộ trình với nhiều giải pháp đồng bộ.

Một góc thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyên Nguyên
Một góc thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyên Nguyên

Trên cơ sở đó, UBND huyện Nghĩa Đàn xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2022-2025. Các phòng, ban, ngành của huyện đã bám sát kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong từng giai đoạn để tham mưu tổ chức thực hiện đảm bảo đúng theo quy định và kế hoạch đề ra.

Cùng đó, Mặt trận, đoàn thể phối hợp với chính quyền tập trung tuyên truyền sâu rộng về chương trình xây dựng nông thôn mới, để người dân hiểu rõ, phát huy khối đại đoàn kết, khơi dậy phong trào mọi người, mọi nhà chung tay xây dựng nông thôn mới, với phương châm “làm từ nhà ra ngõ, làm từ ngõ ra đường, làm từ đường ra đồng”…

Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn đốc thúc tiến độ thi công Nhà máy bột đá siêu mịn ở KCN Nghĩa Đàn tại xã Nghĩa Hội. Ảnh Nguyên Nguyên
Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn đốc thúc tiến độ thi công Nhà máy bột đá siêu mịn ở KCN Nghĩa Đàn tại xã Nghĩa Hội. Ảnh: Nguyên Nguyên

Bám sát thực tiễn, đốc thúc thực hiện

Quá trình thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng xã, huyện nông thôn mới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Nghĩa Đàn bám sát cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện chương trình. Cùng đó, theo dõi, tổng hợp, báo cáo, giám sát, đánh giá tình hình thực tiễn để ban chỉ đạo huyện kịp thời có những giải pháp chỉ đạo thực hiện kịp tiến độ, đảm bảo các tiêu chí bền vững.

Ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện Nghĩa Đàn đã tham mưu HĐND huyện ban hành các cơ chế hỗ trợ cho các xã, cụ thể: Thưởng cho các xã về đích nông thôn mới mức từ 300- 400 triệu đồng, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 500 triệu đồng. Khuyến khích hỗ trợ xi măng đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới 500 tấn/xã; cho các xóm khó khăn đăng ký đạt chuẩn là 120 tấn/thôn, xóm; các xóm còn lại là 80 tấn/thôn, xóm, để thực hiện làm đường giao thông nông thôn.

Từ năm 2015 – 2025, tổng lượng xi măng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Đàn trên 114.157 tấn. Trong đó, nguồn tỉnh cấp 101.054,15 tấn, huyện cấp 13.103 tấn. Huyện cũng có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho trường học trên địa bàn xây dựng đạt chuẩn quốc gia; ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, y tế cơ sở.

Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các tổ chức chính trị - xã hội ở Nghĩa Đàn tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Cụ thể: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng hộ liền kề nhà sạch, vườn đẹp”; Hội Cựu chiến binh với mô hình “tuyến, đường điện chiếu sáng”; Huyện đoàn với chương trình hỗ trợ xây dựng các khu vui chơi góp phần hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, chương trình "Thắp sáng đường quê", "Đường cờ Tổ quốc"...; Hội Nông dân thực hiện các chương trình “Vườn cây nông dân ơn Bác”, mô hình “Đồng ruộng không có rác thải thuốc bảo vệ thực vật”..., Mặt trận Tổ quốc với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, phát động các đợt cao điểm xây dựng nông thôn mới, mô hình “Đường điện, đường cờ, đường hoa - Đại đoàn kết”, tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Đầu tư xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2011-2024 hơn 9.120 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước 4.611.961 triệu đồng, chiếm 50,5 %; ngân sách địa phương 3.911.228 triệu đồng, chiếm 42,8%; nhân dân đóng góp 355.359 triệu đồng, chiếm 3,9%; doanh nghiệp hỗ trợ 89.091 triệu đồng, chiếm 1%; Còn lại là vốn vay và lồng ghép các chương trình.

Qua trao đổi, đồng chí Lê Thái Hùng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết thêm: Để nguồn vốn huy động, quản lý và sử dụng đúng mục đích hiệu quả các nguồn lực, huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện giao vốn đảm bảo khách quan, dân chủ, công bằng, có trọng tâm, trọng điểm.

đ.c Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn (ở giữa) thăm mô hình sâm Nam ở xã Nghĩa Hiếu-NN
Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn thăm mô hình sâm Nam ở xã Nghĩa Hiếu. Ảnh: Nguyên Nguyên

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình nông thôn mới hàng năm và nguồn vốn huy động, Ban quản lý nông thôn mới cấp xã lựa chọn các công trình, dự án cụ thể để hỗ trợ đầu tư nhằm đạt được mục tiêu hoàn thành và nâng cao mức chuẩn các tiêu chí nông thôn mới.

Trong đó, ưu tiên thực hiện xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, đường giao thông, cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao ở xóm, các trường học, trạm y tế chưa đạt chuẩn,... Nhân dân quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các ban phát triển nông thôn, qua giám sát cộng đồng. Những cách làm đó đảm bảo được sự minh bạch, công khai và tạo đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các xóm, xã trên toàn huyện.

UBND huyện Nghĩa Đàn đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Nghệ An thẩm tra, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Nghĩa Đàn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

bna_Một góc xã Nghĩa Mỹ- huyện Nghĩa Đàn- Ảnh Minh Thái.jpg
Một góc huyện Nghĩa Đàn nhìn từ trên cao. Ảnh: TL

Mới nhất

x
Nghĩa Đàn nỗ lực về đích huyện nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO