Những lãnh đạo thế giới tăng quyền lực giữa Covid-19

vnexpress.net 15/05/2020 09:50

Từ những nước chống Covid-19 hiệu quả đến vùng dịch lớn, nhiều lãnh đạo thế giới được người dân ủng hộ và tin tưởng cách xử lý khủng hoảng.

Tại những quốc gia nhanh chóng kiềm chế đại dịch, một số lãnh đạo đã giành được, hoặc lấy lại được lòng tin từ cử tri, như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dịch bệnh bùng phát vào thời điểm những ngày tươi sáng nhất trong nhiệm kỳ của họ dường như đã lùi lại phía sau.

Tổng thống Moon năm ngoái đối mặt với làn sóng kêu gọi từ chức, do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và ngày càng nhiều bê bối chính trị tại Hàn Quốc. Hàng trăm nghìn người từng ký bản kiến nghị yêu cầu xem xét bãi nhiệm ông. Trong khi đó tại Đức, bà Merkel, người đang chịu áp lực chuyển giao quyền lực, tuyên bố sẽ về hưu vào năm 2021, sau khoảng 15 năm nắm quyền.

Ban đầu, phản ứng với Covid-19 của ông Moon và bà Merkel đều bị chỉ trích. Thủ tướng Đức từng ngần ngại áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ suốt nhiều tuần. Nhưng sau khi họ bắt đầu hành động quyết liệt, Đức và Hàn Quốc nổi lên thành những hình mẫu chống dịch hiệu quả trong khu vực.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại Nhà Xanh ở thủ đô Seoul hôm 10/5. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại Nhà Xanh ở thủ đô Seoul hôm 10/5. Ảnh: Reuters.

Hàn Quốc theo đuổi chiến lược xét nghiệm và truy vết tiếp xúc không ngừng nghỉ, điều mà Đức cũng áp dụng, thay vì áp lệnh phong tỏa hoàn toàn. Kết quả là số người chết vì nCoV của Đức chỉ bằng 1/4 Italy dù họ đông dân hơn. Tỷ lệ tử vong của Hàn Quốc cũng khá thấp khi nước này ghi nhận 260 người chết trên gần 11.000 ca nhiễm.

Tỷ lệ tín nhiệm của bà Merkel tháng này tăng lên 68%, cao hơn nhiều so với mức 53% hồi tháng 2. Theo kết quả cuộc thăm dò gần đây của Viện nghiên cứu Infratest Dimap, khoảng 67% người Đức bày tỏ tin tưởng vào cách xử lý đại dịch của chính phủ.

Tháng trước, đảng Dân chủ cầm quyền của ông Moon đại thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, giành được 180/300 ghế, tăng mạnh so với 120 ghế trước đó. Tỷ lệ cử tri đi bầu là 66,2%, cao hơn bất kỳ cuộc bầu cử quốc hội nào kể từ năm 1992, theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc.

Sự ủng hộ của công chúng với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng gia tăng, sau khi chính phủ của bà áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn nCoV lây lan hồi cuối tháng 3. Nước này tuần trước có nhiều ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm nào. Theo khảo sát của tổ chức Colmar Brunton vào ngày 20-21/4, 87% số người được hỏi tán thành cách xử lý đại dịch của bà Ardern.

Bất chấp những dấu hiệu cho thấy lòng tin của người dân có thể giúp bà Ardern tăng mức tín nhiệm chung với vai trò thủ tướng, một tổ chức thăm dò khác vẫn kêu gọi thận trọng. "Các thảm họa tự nhiên và chiến tranh thường là điều tốt với chính phủ, nhưng tác động của nó có thể suy giảm nhanh chóng", tổ chức này cho hay.

Theo bình luận viên Rick Noack của Washington Post, cảnh báo này còn có thể đúng với lãnh đạo củanhững quốc gia không ngăn được đại dịch bùng phát nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ tín nhiệm vẫn tăng, trong đó có Anh. Dù số người chết vì nCoV tại nước này cao thứ hai thế giới sau Mỹ, Thủ tướng Boris Johnson vẫn duy trì được ảnh hưởng với công chúng nước này.

"Không ai muốn nói thẳng rằng việc Johnson nhập viện vì nhiễm nCoV là điều may mắn, nhưng đó là sự thật", Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary London, nêu ý kiến. Thủ tướng Anh nhiễm nCoV hồi cuối tháng 3 và phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực, sau đó bình phục và đã trở lại văn phòng.

Bale giải thích rằng diễn biến này giúp Johnson nhận được sự đồng cảm đáng kể, dù trước đó ông hứng chỉ trích nặng nề vì phản ứng quá chậm chạp trong việc áp đặt lệnh phong tỏa, cung cấp đồ bảo hộ cá nhân, cũng như công tác theo dõi và truy vết tiếp xúc.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ tín nhiệm với Johnson vẫn khá cao. Tuy nhiên, người Anh dường như ngày càng mất lòng tin với một số khía cạnh nhất định trong cách xử lý khủng hoảng của chính phủ. Bale đánh giá những bất đồng này chứng minh "mọi thứ có thể chuyển biến rất nhanh chóng và tồi tệ", giữa lúc áp lực từ Công đảng đối lập với chính phủ của Johnson đang gia tăng.

Trong khi đó tại Mỹ, phần lớn người dân không ủng hộ cách Tổng thống Donald Trump ứng phó đại dịch, với 54% người tham gia khảo sát tháng trước của Đại học Maryland và tờ Washington Post đưa ra đánh giá tiêu cực.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trong một phiên họp của quốc hội về Covid-19 tại thủ đô Rome hôm 21/4. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trong một phiên họp của quốc hội về Covid-19 tại thủ đô Rome hôm 21/4. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, quan điểm về Trump hầu hết mang tính đảng phái, khi đa số phe Cộng hòa vẫn ủng hộ những nỗ lực của ông. Theo cuộc thăm dò của Gallup tháng trước, tỷ lệ tín nhiệm tổng thể của Trump vẫn đạt 49%, cao hơn 9 điểm so với mức trung bình toàn nhiệm kỳ.

Cũng là người xử lý một trong những vùng dịch lớn của thế giới, nhưng Thủ tướng Italy Giuseppe Conte dường như "dễ thở" hơn Trump và Johnson. Cách tiếp cận Covid-19 của ông được ca ngợi, ngay cả khi Italy từng là tâm điểm cuộc khủng hoảng ở châu Âu.

Sự nghiệp chính trị của Conte được cho là từng đứng bên bờ vực sụp đổ. Ông xin từ chức hồi tháng 8/2019 sau khi liên minh cầm quyền tan rã, trong bối cảnh phe cực hữu của Phó thủ tướng Matteo Salvini gia tăng ảnh hưởng, nhưng được Tổng thống Sergio Mattarella tái bổ nhiệm 9 ngày sau khi nộp đơn.

Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, người được các chính trị gia Italy ủng hộ không phải Salvini, mà là Conte. Theo kết quả khảo sát hôm 5/5, 59% người được hỏi cho biết họ tin tưởng Thủ tướng Italy, tăng khoảng 20% kể từ khi ông ban lệnh phong tỏa toàn quốc hai tháng trước, được cho là phản ứng cứng rắn đầu tiên của phương Tây.

Mặc dù vậy, quá trình thoát phong tỏa dài hơi và khó khăn của Italy dường như bào mòn sự kiên nhẫn của người dân. Một số chính trị gia địa phương và phe đối lập phản đối kế hoạch của Conte, kêu gọi tái mở cửa nhanh hơn lộ trình được vạch ra. Kết quả thăm dò cho thấy niềm tin vào Thủ tướng bắt đầu giảm nhẹ.

Giới chuyên gia cho biết các cử tri có xu hướng tập hợp quanh lãnh đạo trong giai đoạn khủng hoảng, giúp họ củng cố quyền lực. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người từng gọi Covid-19 là "trò bịp" của truyền thông. Ngày càng nhiều người tức giận với chính phủ của ông.

Phe đối lập chỉ trích Bolsonaro đánh giá thấp, hoặc cố tình phớt lờ Covid-19, trong khi Brazil là vùng dịch lớn nhất Mỹ Latinh, với hơn 190.000 ca nhiễm và hơn 13.000 người chết. Do tiến hành xét nghiệm ít hơn nhiều so với hầu hết quốc gia khác, số ca nhiễm và tử vong ở nước này có khả năng cao hơn đáng kể so với thống kê.

Bolsonaro không phải lãnh đạo duy nhất bị giảm tín nhiệm vì Covid-19. Sau khi số ca nhiễm nCoV tại Nhật Bản tăng vọt tháng trước, làn sóng chỉ trích Thủ tướng Abe Shinzo cũng leo thang vì mức độ xét nghiệm thấp và những khuyến cáo mâu thuẫn. Khảo sát hàng ngày của tờ Mainichi Shimbun và một số cuộc thăm dò khác cho thấy mức bất tín nhiệm với cách chính phủ Nhật xử lý đại dịch vượt 50% trong khoảng thời gian giữa tháng 3 và 4.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nhật đang có xu hướng giảm. Các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm sau, nên đảng của Abe được cho là vẫn có thời gian chứng minh năng lực. Trong khi đó tại Mỹ, Trump còn chưa đầy 6 tháng để đạt được mục tiêu tương tự.

Mới nhất
x
Những lãnh đạo thế giới tăng quyền lực giữa Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO