Những lỗi trong vòng cấm sẽ được nương tay kể từ mùa 2016/17
IFAB (International Football Association Board - Hội đồng điều hành Liên đoàn bóng đá thế giới) vừa công bố rất nhiều điều chỉnh quan trọng về luật bóng đá, nhằm hoàn thiện và tăng tính hấp dẫn cho môn thể thao vua. Luật mới sẽ được áp dụng từ mùa tới 2016/17.
Chỉ phạt thẻ vàng và penalty khi phạm lỗi trong vòng cấm
Trước đây, cứ phạm lỗi trong vòng cấm là phải chịu đồng thời 3 hình phạt: bị thẻ đỏ đuổi khỏi sân, bị phạt đền 11m và cầu thủ bị thẻ đỏ nghiễm nhiên bị treo giò ít nhất 1 trận. Hình phạt này bị cho là quá nghiêm khắc làm ảnh hưởng đến trận đấu vì một đội mất người, lại bị penalty thì rất khó chơi sòng phẳng với đối thủ ở phần còn lại của trận đấu.
IFAB đã nới lỏng luật, nếu phạm lỗi trong vùng cấm nhưng lỗi không nặng (ví dụ tranh chấp bóng 50-50 nhưng thất bại) thì cầu thủ phạm lỗi sẽ chỉ bị thẻ vàng, tức đội phạm lỗi không mất quân dù vẫn phải bị penalty.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phạm lỗi trong vùng cấm chỉ dẫn đến thẻ vàng và penalty. Với những lỗi nặng thì vẫn bị thẻ đỏ, penalty và án treo giò sau đó. Lỗi nặng được định nghĩa là cố tình phạm lỗi như kéo áo từ phía sau, ôm người, xoạc ngã đối thủ trong tư thế không có khả năng đoạt bóng hợp lệ, cố tình dùng tay chơi bóng, có hành vi bạo lực khi cản phá bóng.
Những điều chỉnh khác
Ngoài điều chỉnh quan trọng kể trên, còn có nhiều điều chỉnh đáng chú ý khác. Trọng tài có quyền rút thẻ đỏ với một cầu thủ ngay cả khi trận đấu chưa bắt đầu. Khi giao bóng, có thể chuyền bóng theo bất kỳ hướng nào thay vì bắt buộc phải đưa bóng theo hướng về phía trước.
Những cầu thủ bị chấn thương do đối thủ chơi xấu (và đối thủ phải nhận thẻ) sẽ được chữa trị nhanh ngay trên sân, thay vì phải rời sân để chữa trị như trước đây sẽ gây thiệt thòi cho đội có người bị chấn thương (vì mất 1 người cho đến khi cầu thủ được chữa trị trở lại sân).
IFAB cũng thông qua thử nghiệm 2 năm đối với việc áp dụng phương tiện khoa học kỹ thuật nhằm giúp trọng tài xử lý những tình huống quan trọng khác như bóng đã qua vạch vôi hay chưa, quyết định rút thẻ đỏ, xử phạt penalty có hợp lý hay không.
Bạn có biết? IFAB còn có một tên gọi là “Hiệp hội luật bóng đá quốc tế” ra đời từ năm 1886, trước cả LĐBĐ thế giới - FIFA (năm 1904). IFAB độc lập với FIFA, nhưng FIFA có đại diện trong IFAB và nắm 50% quyền biểu quyết. Do bóng đá hình thành từ Anh nên 4 thành viên của Vương quốc Anh (Anh, Xứ Wales, Scotland, Bắc Ireland) được giữ đại diện trong IFAB bên cạnh các đại diện do FIFA cắt cử. Mỗi điều chỉnh luật được thông qua cần có 75% phiếu thuận, nghĩa là FIFA (với 50% tối đa) không hoàn toàn nắm quyền sinh sát trong mọi thay đổi nếu có. |
Theo bongdaplus