Những lương y nối dài hành trình thiện nguyện

Thanh Quỳnh 24/08/2024 09:59

Họ là những sinh viên Đại học Y Hà Nội và những bác sĩ tuyến đầu Trung ương đang công tác tại Hà Nội, chung một nỗi niềm hướng về quê nhà Nghệ An yêu dấu. Nỗi niềm ấy là động lực để hơn 10 năm qua, họ cùng nhau nối dài hành trình thiện nguyện hướng về những vùng đất khó của Nghệ An...

nhungluongy.jpg

Thanh Quỳnh • 24/08/2024 10:00

Họ là những sinh viên Đại học Y Hà Nội và những bác sĩ tuyến đầu Trung ương đang công tác tại thủ đô, chung một nỗi niềm hướng về quê nhà Nghệ An yêu dấu. Nỗi niềm ấy là động lực để hơn 10 năm qua, họ cùng nhau nối dài hành trình thiện nguyện hướng về những vùng đất khó của Nghệ An...

Trao hy vọng đến bản làng xa

Nguyễn Thành Long - chàng sinh viên năm 2 của Trường Đại học Y Hà Nội, Đội trưởng Đội Sinh viên tình nguyện của trường đón chúng tôi về với Trạm Y tế xã Châu Nga (Quỳ Châu) khi nửa lưng áo của mình đã ướt đẫm mồ hôi. Trên chiếc xe máy có phần hơi cũ, Long tươi cười bảo, đây là chiếc xe em mượn người dân để đi đón đoàn. Gần mấy chục ngày triển khai hoạt động tình nguyện ở đây, tình cảm của lực lượng sinh viên và bà con đã trở nên vô cùng thân thiết.

z5759598162085_109ac95d33e31548f48390af5587fa6d(1).jpg
Nguyễn Thành Long (bìa phải) - Đội trưởng Đội Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y Hà Nội trò chuyện, hướng dẫn người dân tại buổi thăm khám bệnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Để tri ân mảnh đất quê hương, mỗi năm, đội ngũ bác sĩ và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội quê ở Nghệ An lại cùng nhau triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng khó của tỉnh.

Năm nay, đội tình nguyện chọn xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu – một trong những địa bàn có hơn 98% là đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai Chiến dịch sinh viên tình nguyện hè.

Kết thúc chương trình tình nguyện là hoạt động hỗ trợ khám, cấp thuốc miễn phí tới gần 600 người dân địa phương. Để việc khám, tư vấn và cấp thuốc hiệu quả, ngay từ sáng sớm, 75 y, bác sĩ và lực lượng sinh viên tình nguyện đã tất bật chuẩn bị cho các công việc cần thiết.

min_5442(1).jpg
Xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu – nơi triển khai hoạt động tình nguyện là một trong những địa bàn có hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Quỳnh

Có mặt tại buổi khám, chúng tôi chứng kiến quang cảnh nhộn nhịp, khi nhiều người dân đã đến chờ từ rất sớm. Trước sân trạm xá, hàng chục băng ghế được xếp đặt vô cùng gọn gàng, người dân, chủ yếu là người già và trẻ em ngồi ngay ngắn với số thứ tự đã được cầm trên tay.

Trên hàng ghế đầu, bà Lim Thị Nga (SN 1957) vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể, nhà bà ở cuối bản Mưn, chỉ có hai ông bà già nương tựa nhau vì con cái đi làm ăn xa. Gia đình bà thuộc hộ cận nghèo, bấy lâu nay đau chân, mỗi lần leo qua bậc thang nhà sàn là một lần ứa nước mắt. Uống mấy loại lá thuốc cũng có đỡ đôi chút nhưng khổ nỗi lại sinh thêm bệnh dạ dày. Trong lúc không biết xoay sở ra sao thì có đoàn bác sĩ từ Hà Nội về, bà mừng lắm. Sáng nay, nhờ các cháu sinh viên tình nguyện chở ra sớm, đã nội soi được dạ dày rồi, giờ chỉ còn khám chân nữa là sẽ được cấp thuốc miễn phí.

anh-2(1).jpg
Niềm vui của người dân khi được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ngồi bên kia băng ghế, bà Phạm Thị Tỏa (SN 1960) cho biết, nhà bà ở bản Nga Sơn nên đến trạm xá tiện hơn rất nhiều. Từ lúc 7h, bà đã được bác sĩ thăm khám và cho thuốc. Hóa ra lâu nay đau chân là bởi khô dịch khớp mà bà không biết. Chỉ khi được bác sĩ khám, kê thuốc và hướng dẫn cách ăn uống, sinh hoạt cho khoa học, bà mới hiểu ra nhiều điều. Cầm túi thuốc trên tay, bà thấy vui vô cùng vì những người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như bà biết bao giờ mới có điều kiện được ra Thủ đô để bác sĩ tuyến Trung ương khám bệnh.

Phía trong khu vực ngồi đợi là hệ thống phòng khám được chia nhỏ ra các khu vực dành cho nhi, dược, sản, răng hàm mặt, siêu âm, điện tim, nội và giải phẫu.

ảnh 3
Anh Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Nghệ An cùng đội ngũ y, bác sĩ tại buổi khám bệnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Để hỗ trợ tối đa cho bà con, anh Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Nghệ An, một trong những người đầu tiên xây dựng ý tưởng thành lập Hội đồng hương Nghệ An Trường Đại học Y Hà Nội cũng có mặt từ sớm.

Dưới sự kết nối của anh, Hội Thầy thuốc trẻ Nghệ An đã thuê máy móc hiện đại, gồm 3 máy siêu âm, 2 máy điện tim, máy giải phẫu bệnh và máy khám thị lực để phục vụ bà con. Đồng thời, kêu gọi nhà tài trợ đồng hành tặng 60 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Châu Nga. Những hỗ trợ đó đã phần nào giúp bà con vơi bớt vất vả hiện tại.

Hội đồng hương Nghệ An Trường Đại học Y Hà Nội những ngày đầu thành lập có 36 thành viên. Sau nhiều năm hoạt động riêng lẻ, từ năm 2020, Hội trở thành thành viên của Trung tâm tình nguyện quốc gia (VVC) với số thành viên hiện tại là 471 người.

Bình quân mỗi năm, Hội tiến hành khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 500 người dân. Nhiều hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo đã kịp thời được chữa trị, giúp họ thêm vững tin vào đạo lý “lương y như từ mẫu”.

Điều kỳ diệu từ tình yêu thương

Trong hành trình triển khai các hoạt động tình nguyện của mình, đội ngũ y, bác sĩ đã đứng ra kết nối và hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân vượt qua lằn ranh sinh tử. Câu chuyện ấm áp về cậu bé đồng bào dân tộc Thổ ở xã miền núi Giai Xuân, huyện Tân Kỳ vẫn còn đọng lại trong ký ức của bác sĩ Trương Sỹ Du (SN 1998) - Bác sĩ nội trú chuyên ngành Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội.

bs-du(2).jpg
Bác sĩ Trương Sỹ Du khám bệnh cho người dân ở chương trình Tình nguyện vùng cao năm 2024 triển khai tại tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Đội Sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội cung cấp

Năm 2018, anh cùng với các y, bác sĩ trẻ triển khai hoạt động tình nguyện tại huyện Tân Kỳ. Trong quá trình khám bệnh, đội hình tình nguyện phát hiện ra cháu Trương Bảo Ninh (SN 2010) bị bệnh tim rất nặng. Thời điểm đó, em đã 8 tuổi nhưng chỉ nặng có 12kg, thân hình xanh xao chỉ có da bọc xương. Vì bệnh tật triền miên mà em đã phải nghỉ học 6 tháng, và có lẽ, trong tương lai, em cũng chẳng còn sức để đến trường. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, mẹ đi làm thuê cuốc mướn, vá víu qua ngày, ngay cả ngôi nhà tranh dột nát cũng chẳng có tiền sửa lại. Vì đói nghèo, gia đình cũng chẳng thể chữa bệnh cho Ninh.

1bb82c47-61c9-4dcb-aa99-ee19d52b0759-1-.jpg
Cháu Trương Bảo Ninh (SN 2010) tại thời điểm Đội Sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội kết nối - hỗ trợ chữa bệnh vào năm 2018. Ảnh: Đội Sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội cung cấp

Trước hoàn cảnh ấy, đội sinh viên tình nguyện đã liên hệ thành công với các mạnh thường quân để tiến hành khám bệnh, lập hồ sơ bệnh án và mổ tim miễn phí cho em tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ca mổ thành công ngoài mong đợi. Và giờ đây, Trương Bảo Ninh đã trở thành cậu học trò 14 tuổi ham học, khỏe mạnh.

Bác sĩ Trương Sỹ Du cũng là một người con của mảnh đất xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ. Nhiều năm qua, mỗi lần Tết đến, anh vẫn thường qua thăm Ninh. Nhìn thấy cháu lớn lên, khỏe mạnh cũng là một niềm hạnh phúc mà anh nhận lại sau hành trình trao đi những yêu thương.

z5676570381828_fe9cdcce6b520efe1207c0c728ca0f5b.jpg
Công trình lò đốt rác mà lực lượng sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội trao tặng Trường Tiểu học Châu Nga. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trước đó, 52 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã cùng nhau triển khai nhiều hoạt động tình nguyện ý nghĩa trên địa bàn xã Châu Nga như dạy học miễn phí cho các em nhỏ, xây dựng hố rác cho Trường Tiểu học Châu Nga, tôn tạo khuôn viên Khu di tích mộ Đốc binh Lang Văn Thiết ở xã Châu Hội và nhiều chương trình ý nghĩa hướng về các gia đình chính sách trên địa bàn. Cho dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, nhưng các em vẫn giữ cho mình một tinh thần nhiệt huyết hiếm có.

min_6041.jpg
Đội ngũ Bác sĩ và sinh viên tình nguyện trường Đại học Y Hà Nội triển khai hoạt động tình nguyện tại xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đội Sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội cung cấp

Qua những chuyến đi ý nghĩa này, các bác sĩ tương lai đã trang bị cho mình một hành trang mới, đó chính là tình thương đối với muôn vàn hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hành trang đó là điều mà không sách, vở nào có được trong chặng hành trình đào tạo nên một bác sĩ có đức, có tài, hết lòng vì người bệnh…

Mới nhất
x
x
Những lương y nối dài hành trình thiện nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO