Những người đặc biệt tại quán cơm 2.000 đồng

Tại quán cơm 2000 đồng do nhóm thiện nguyện “Tổ thiện tâm 20 – 24 Lê Huân” lập ra vào tháng 11/2020, đã quá 11 giờ trưa một ngày đầu tháng Ba, khoảng không gian của quán cơm vẫn chật chội, các bàn đều kín người ngồi. Trong một góc nhà chỉ đặt vừa một chiếc bàn học sinh, một người đàn ông dáng người nhỏ thó, da đen nhẻm lặng lẽ ngồi ăn một mình. Sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt đầy những nếp nhăn của ông. Khẽ mời ông cốc nước chè xanh hãy còn nóng hổi, tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe. Ông chậm rãi cho biết mình tên là Võ Trọng Thanh, thương binh bậc 4/4 và đang điều trị bệnh ung thư máu tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

Ông Võ Trọng Thanh dùng cơm tại quán 2000 đồng và vô cùng xúc động vì quán cơm đã giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo. Ảnh: Hoài Thu
Ông Võ Trọng Thanh dùng cơm tại quán 2000 đồng và vô cùng xúc động vì quán cơm đã giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo. Ảnh: Hoài Thu

Quê ở xã Diễn Phú huyện Diễn Châu, ông Thanh phát hiện mình mang trong mình căn bệnh quái ác đã nhiều năm, qua nhiều đợt điều trị, truyền hóa chất nên bệnh có thuyên giảm. Tuy nhiên đã gần một năm nay, bệnh tình của ông lại trở nặng, nhưng vì khả năng kinh tế không cho phép ông điều trị lâu tại Hà Nội nên đành về quê. “Chỉ những đợt truyền hóa chất thì người nhà mới vào viện hỗ trợ, chăm sóc. Còn những đợt điều trị thuốc thì ông tự đi một mình. Ba đứa con, 1 trai 2 gái nhưng đứa thì lấy chồng xa, làm ăn xa, đứa thì cũng vất vả… Ông đi viện, bà ở nhà lo việc ruộng vườn”, ông Thanh tâm sự.

Người đàn ông năm nay bước sang tuổi 65 cho biết, căn bệnh về máu nhiều năm nay đã khiến cơ thể ông rệu rã, ngay cả hàm răng cũng đã rụng hết. Ông phải gắn hàm giả để ăn uống, nhưng cũng rất khó khăn. “Các bệnh nhân cùng điều trị tại bệnh viện với tôi cho biết về quán cơm 2000 đồng nên ông đến đây. Cơm rất ngon và hợp khẩu vị. Thật không ngờ ở thành phố Vinh mình lại có quán cơm như thế này. Thế gian quả là còn quá nhiều người tốt”, ông Thanh xúc động cho biết khi tôi hỏi làm sao ông biết về quán cơm này mà đến đây mua suất ăn. Nói rồi, những giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt to tròn, trũng sâu vì mệt nhọc của ông.

Như sợ người nghe hiểu nhầm, ông giải thích rằng ông khóc không phải thương cảm cho số phận của mình, mà khóc vì ông quá cảm động khi những bệnh nhân nghèo được ăn những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng, nóng sốt đảm bảo cho sức khỏe chỉ với giá 2000 đồng.

Cũng như ông Thanh, nhiều bệnh nhân, vì nghèo nên chỉ dám ăn uống qua loa, có người mua nửa suất cơm với giá 10 nghìn đồng mỗi bữa, có người ăn mì tôm cầm hơi. Vì vậy, với những bệnh nhân điều trị bệnh ung thư dài ngày, những suất cơm chỉ với giá 2000 đồng thực sự đã giúp cho nhiều số phận nghèo khổ, bệnh tật có thêm chút sức lực để chống chọi, và có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống khi được nhận nghĩa cử hảo tâm từ những người lập nên quán cơm cũng như những người đã ủng hộ để quán có thể tồn tại lâu dài.

Mỗi ngày quán cơm phục vụ khoảng 300 suất cơm với giá 2000 đồng/suất. “Khách hàng” chủ yếu là bệnh nhân nghèo, bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện Ung bướu, Viện Sản Nhi và một số bệnh viện khác ở TP. Vinh. Kinh phí duy trì quán cơm do Tổ thiện tâm 20 – 24 Lê Huân kêu gọi các cá nhân, tổ chức ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật.

Tại quán cơm đặc biệt này, những bệnh nhân ung thư không chỉ là khách hàng thường xuyên, mà họ còn là những “nhân viên” phục vụ của quán. Điều đáng nói ở đây, họ biết đến quán cơm, được ăn những bữa cơm ngon, bổ dưỡng chỉ với 2000 đồng, hỏi han cách thức hoạt động của quán, nhiều người đã tình nguyện xin được phục vụ tại đây. Hình ảnh quen thuộc của quán cơm mỗi buổi trưa các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần là những hàng dài bệnh nhân xếp hàng chờ đợi đến lượt mình mua tấm phiếu ăn. Đó còn là hình ảnh các vị khách hàng đầu trọc ngồi ăn cơm và vui vẻ trò chuyện với nhau. Câu chuyện của họ cũng thật đặc biệt khi nội dung xoay quanh các căn bệnh nan y và cách điều trị, thi thoảng là những thông tin về một người điều trị đến giai đoạn cuối cùng, không còn chống chọi được với bệnh tật vừa ra đi.

Trong số những người đến với quán cơm, có chị Nguyễn Thị Hiền ở Nghi Trung (Nghi Lộc). Nghe bạn điều trị cùng phòng giới thiệu về quán cơm, ăn xong suất cơm 2000 đồng, được biết về phương thức hoạt động của quán, mặc dù đang điều trị ung thư vú, đầu tóc đã rụng hết, vừa mới ăn xong cơm là chị xắn tay xin được phụ giúp các công việc phục vụ như bưng bê thức ăn, xếp dọn và rửa bát đĩa.

Chị Nguyễn Thị Hiền - bệnh nhân ung thư, tình nguyện góp chút sức lực của mình phụ giúp quán cơm.
Chị Nguyễn Thị Hiền - bệnh nhân ung thư, tình nguyện góp chút sức lực của mình phụ giúp quán cơm.

“Mong sao mình có sức khỏe để được giúp quán cơm nhiều hơn, giúp được nhiều bệnh nhân nghèo vơi bớt thiếu thốn về vật chất, được động viên về tinh thần để vượt qua bệnh tật”, chị Nguyễn Thị Hiền bộc bạch. Đã hơn một năm nay, chị Hiền phải truyền hơn 20 đợt hóa chất và 8 lần xạ trị, nhiều ngày sức khỏe yếu, chị không thể đến quán cơm được, song, tâm tư chị Hiền vẫn hướng về quán nhỏ trên đường Phùng Khắc Khoan. Chị nhắn qua điện thoại với các tình nguyện viên rằng “sẽ cố gắng điều trị khỏe để được rửa bát, dọn dẹp cùng mọi người”. Từ khi được quen biết các tình nguyện viên của quán cơm, chị vui lắm, thấy yêu đời hơn, thấy cuộc đời này còn nhiều người tốt, nhiều việc làm ý nghĩa và chị muốn tham gia.

Chị Nguyễn Thị Hiền không phải là tình nguyện viên duy nhất mang trong mình căn bệnh ung thư. Tuy mới hoạt động được một thời gian ngắn, nhưng những thực khách đến đây ngay từ ngày mới khai trương đã thấy một cô gái dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng và khá nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn nở nụ cười và thoăn thoắt làm mọi việc. Chị là Doãn Thị Thu, người mang trong mình căn bệnh lý về máu, đã gần chục năm nay thời gian chị ở viện huyết học để truyền máu nhiều hơn thời gian ở nhà. Song chị là người lạc quan, tuy gia cảnh không giàu có nhưng chị lại đam mê làm thiện nguyện, thích được giúp đỡ người khác. “Trước đây chị thường tham gia hoạt động của một số nhóm thiện nguyện, đi tặng quà cho người nghèo, bệnh nhân nghèo. Từ khi biết có quán cơm này mở, chị tình nguyện tham gia phục vụ không bỏ buổi nào”, chị Thu vui vẻ tâm sự.

Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn Nghệ An trao quà động viên Tổ Thiện tâm. Ảnh: Thanh Lê
Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn Nghệ An trao quà động viên Tổ Thiện tâm. Ảnh: Thanh Lê

Đại diện nhóm thiện nguyện thành lập nên quán cơm này, anh Phan Hùng Sơn cho hay, bà Soa không có chồng con, sống cùng chị gái. Từ khi quán cơm 2000 khai trương, bà tình nguyện đến giúp. Bà Soa đã gần 70 tuổi quê ở ngay phường Hưng Dũng, không có chồng con và sống với em gái, sức khỏe không còn dồi dào, nhưng rửa bát, rửa rau thì bà làm được. Bà muốn góp chút khả năng để tiếp sức cùng những người có tấm lòng thơm thảo, giúp cho những người nghèo có được bữa ăn ngon, bổ, rẻ. Cho nên, mặc dù các tình nguyện viên ở quán khuyên bà hãy nghỉ ngơi, nhưng bà một mực xin được phụ giúp, “bà làm được chừng nào bà vui chừng đó”, bà Soa khẩn khoản, rồi lại thoăn thoát rửa dọn.

Không chỉ có các bệnh nhân, người dân tình nguyện đến phục vụ tại đây, mà còn có những bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện của Đoàn thanh niên tham gia nhiệt tình. Em Nguyễn Thanh Lan, một đoàn viên ở phường Hưng Dũng, TP. Vinh cho hay, trước khi tổ chức Đoàn phát động thì chúng em cũng đã tình nguyện đến giúp đỡ quán khi có thời gian rảnh. Nay có sự kêu gọi sẽ càng tăng thêm khí thế và nhiều bạn tham gia hơn.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn thăm, động viên bệnh nhân và đại diện Tổ Thiện Tâm sáng lập quán cơm 2.000 đồng dành cho bệnh nhân và người nghèo khó. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo Tỉnh đoàn thăm, động viên bệnh nhân và đại diện Tổ Thiện Tâm sáng lập quán cơm 2.000 đồng dành cho bệnh nhân và người nghèo khó. Ảnh: Thanh Lê

Những ngày đầu tháng Ba, lãnh đạo Tỉnh đoàn Nghệ An đã đến quán cơm tặng quà, góp thêm cùng các “Mạnh Thường Quân” để quán duy trì được lâu. Anh Chu Đức Thái – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An cho biết, Tỉnh đoàn đã phân công các đội tình nguyện viên của các tổ chức đoàn Khối Các cơ quan tỉnh, Đoàn trường Đại học Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Du lịch Thương mại, Trường Cao đẳng Việt Đức, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt – Hàn, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Cao đẳng Sư phạm Văn hóa Nghệ thuật và Thành đoàn Vinh… để phục vụ tại quán đến hết năm để hỗ trợ nhân lực cho quán. Đồng thời sẽ kêu gọi nguồn lực để góp phần duy trì hoạt động của quán, lan tỏa tinh thần tình nguyện vì cộng đồng trong đoàn viên, thanh niên.

Các sinh viên tình nguyện phát thẻ miễn phí cho các bệnh nhân và người nghèo đến quán ăn cơm. Ảnh: Hoài Thu - Thanh Lê
Các sinh viên tình nguyện phát thẻ miễn phí cho các bệnh nhân và người nghèo đến quán ăn cơm. Ảnh: Hoài Thu - Thanh Lê

Anh Phan Hùng Sơn – một thành viên của nhóm thiện nguyện “Tổ Thiện tâm 20 – 24 Lê Huân” cho biết, nhờ có rất nhiều bạn bè, nhà hảo tâm ủng hộ, rồi quyên góp tiền, nhóm mới có thể khai trương quán cơm 2000 đồng. Ví như vừa rồi có một cán bộ hưu trí nhà ở phường Hưng Dũng, địa điểm quán đứng chân, trực tiếp mang 3 triệu đồng tiền lương hưu của mình ủng hộ; có em học sinh mang toàn bộ tiền tiết “nuôi lợn nhựa” đến tặng. Dù số tiền không nhiều, nhưng ai chứng kiến cũng cảm động không nói nên lời… Ngoài ra, nhiều người ủng hộ bằng hiện vật như rau, củ quả, dầu ăn, gạo… Tại đây, ngoại trừ đầu bếp, toàn bộ nhân viên phục vụ đều là người tình nguyện làm không lấy tiền công. Họ là người lao động tự do, người thì làm công ăn lương, hoặc đang là học sinh, sinh viên… Mỗi người một nghề nghiệp, nhưng đều chung nhau một tấm lòng thiện tâm muốn làm việc tốt giúp ích cho cuộc đời…

Phần lớn khách hàng đến với quán cơm là những bệnh nhân nghèo; Các nhà hảo tâm mang gạo đến ủng hộ quán cơm; Những tình nguyện viên tại quán cơm. Ảnh: Hoài Thu
Phần lớn khách hàng đến với quán cơm là những bệnh nhân nghèo; Các nhà hảo tâm mang gạo đến ủng hộ quán cơm; Những tình nguyện viên tại quán cơm. Ảnh: Hoài Thu