Những người giữ rừng nơi đại ngàn Pù Mát

24/10/2016 12:31

(Baonghean) - Sinh ra từ rừng, lớn lên cũng nhờ rừng… Dù cuộc sống còn nghèo khó, nhưng hàng ngày rừng vẫn đang bảo vệ họ trước mọi tai ương và cho họ cái ăn cái mặc. Với họ, bảo vệ rừng xanh nguyên sinh Quốc gia chính là đang bảo vệ ngôi nhà của mình…

Gắn bó với rừng

Nằm trong khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên miền Tây Nghệ An với diện tích vùng lõi rộng 94.804 ha và vùng đệm rộng 86.000 ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn, Vườn Quốc gia Pù Mát chính là nơi ở của đồng bào các dân tộc Thái, Mông và tộc người Đan Lai nhiều đời nay.

Người dân và cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát tuần tra bảo vệ rừng.
Người dân và cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát tuần tra bảo vệ rừng.

Chúng tôi may mắn có dịp đi cùng các cán bộ Phòng Khoa học, Vườn Quốc gia Pù Mát vào vùng lõi của vườn gần một tuần liền. Trong đoàn chúng tôi đi có 4 cán bộ của vườn và 6 người dân bản địa. Lúc đầu, thấy chúng tôi có vẻ bất ngờ khi có nhiều người dân đi cùng, anh Nguyễn Mạnh Hùng cán bộ Phòng Khoa học Vườn Quốc gia Pù Mát giải thích: “Đó là những người dân cùng tham gia bảo vệ rừng đấy mấy anh. Họ sẽ hỗ trợ mang vác dụng cụ nghiên cứu, lương thực và dẫn đường”.

Những hộ dân đi cùng thuộc các gia đình nhận khoán bảo vệ rừng. Hầu hết là bà con dân tộc thiểu số, sinh ra, lớn lên sống gắn bó với rừng cho nên thông thạo để dẫn đường cho các đoàn đi tuần tra, nghiên cứu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Ngoài ra họ có nhiệm vụ cùng cán bộ vườn đi tuần tra, báo cho lực lượng chức năng khi có hành vi chặt phá rừng. Họ đã thực sự trở thành một chỗ dựa vững chắc, an tâm của các cán bộ Vườn mỗi khi đi vào vùng lõi tuần tra.

Rừng Quốc gia Pù Mát còn hoang sơ nên trong rừng chẳng có lối mòn. Nhưng với những cư dân bản địa này, mỗi tấc đất rừng họ nhớ như trong lòng bàn tay. Việc đi, ăn nghỉ và lên lịch cho các đoàn vào tham quan, tìm hiểu luôn được họ tư vấn rất chính xác, an toàn. Bên cạnh đó, việc di chuyển đường rừng nhờ sự hỗ trợ của họ trong chuyến đi rừng dài ngày cần mang theo nhiều lương thực, máy móc thật sự quý giá.

“Trước đây mỗi chuyến đi của chúng tôi không thể kéo dài ngày được vì số lượng lương thực mang đi kèm với máy móc bị hạn chế. Nhưng giờ có sự giúp sức của những người dân trong việc gùi lương thực, máy móc nên những chuyến đi lên đến cả nửa tháng. Không những vậy, việc nắm bắt thời tiết trong rừng của người dân bản địa này đã nhiều lần giúp các đoàn tránh được mưa lũ khi đi rừng”, anh Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm.

Trong chuyến đi rừng dài ngày này, chúng tôi được những người dân đãi nhiều món ăn dân dã của người dân đi rừng. Đó là món cơm lam, các món canh rau tai voi, măng luộc, nõn chuối, hoa chuối rừng luộc… Chỉ cần mỗi khi đoàn dừng nghỉ một số người dân dựng lán nghỉ, thì những đầu bếp rừng nhanh chóng kiếm được những loại thực phẩm đó quanh nơi dựng lán. Những bữa cơm đơn giản chủ yếu rau, nhưng với bàn tay khéo léo của những người thợ rừng trở thành bữa ăn ngon, thú vị...

Dựng lán tạm nghỉ ngơi trong chuyến tuần tra bảo vệ rừng.
Dựng lán tạm nghỉ ngơi trong chuyến tuần tra bảo vệ rừng.

Bảo vệ “ngôi nhà xanh”

Những người dân đi cùng đoàn chúng tôi trong chuyến đi này đều là đồng bào dân tộc Thái sinh sống tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Hầu hết gia đình họ đang có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Tuy nhiên, những người dân này đều cho biết họ nhận khoán bảo vệ rừng là chính đang bảo vệ môi trường sống và cuộc sống của họ.

“Từ khi sinh ra, lớn lên, bao đời nay người dân bản tôi đã sống dựa vào rừng. Nhưng cứ chặt phá rừng thì chỉ là cách chống đói trước mắt, còn hết rừng lại chẳng còn gì mà ăn. Nên lâu nay người dân chúng tôi luôn xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ chính ngôi nhà mình đang ở. Nhờ rừng mà chúng tôi tránh được lũ ống, lũ quét và nước tưới tiêu luôn đảm bảo cho nương rẫy chúng tôi canh tác. Cho nên từ năm 2013, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng gia đình chúng tôi đã ký nhận với Vườn Quốc gia Pù Mát bảo vệ 15 ha rừng. Vừa giúp Nhà nước bảo vệ rừng nguyên sinh, vừa có thêm tiền hỗ trợ cho gia đình hàng năm để đảm bảo cuộc sống và dùng khi có công việc cần”, anh Lô Văn Là (SN 1972, trú tại bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương) cho biết.

Mặc dù mức hỗ trợ trong giao khoán bảo vệ rừng chưa cao và có nhiều đối tượng lợi dụng vào việc này để lôi kéo nhiều người dân tham gia khai thác rừng với thu nhập cao hơn. Nhưng với tinh thần “Rừng còn là nhà còn”, nhiều người dân đã thẳng thừng khước từ những lời rủ rê ấy của những kẻ phá rừng. Chia sẻ về việc này, anh Vi Văn Đoàn (SN 1950, trú tại bản Liên Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương) nói: “Cũng không ít lần có những kẻ lạ đến bản lôi kéo chúng tôi đi chặt gỗ rừng. Chúng còn cho ứng tiền, ứng gạo trước và nói sẽ trả ngày công cao hơn nhiều nhận khoán bảo vệ rừng. Nhưng với quyết tâm bảo vệ rừng và được các cán bộ của Vườn Quốc gia chỉ rõ tầm quan trọng của rừng nguyên sinh, nên người dân chúng tôi đã kiên quyết từ chối”.

Những bữa ăn giữa rừng già nguyên sinh  Vườn Quốc gia Pù Mát.
Những bữa ăn giữa rừng già nguyên sinh Vườn Quốc gia Pù Mát.

Theo ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, đến 2016 đã có 854 hộ gia đình sống ven vùng đệm và vùng lõi nhận khoán bảo vệ rừng. Mỗi hộ gia đình bảo vệ 1 ha rừng sẽ được nhận hỗ trợ 200.000 đồng/năm; các hộ đồng bào dân tộc thuộc vùng 2 và vùng 3 được tiền giao khoán bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm; những hộ dân ở khu vực 30a thì được nhận thêm 15 kg gạo mỗi người/tháng.

“Việc giao khoán bảo vệ rừng của người dân tập trung bắt đầu thực hiện từ năm 2013 đến nay. Việc giao khoán này giúp đỡ rất nhiều cho Vườn Quốc gia bảo vệ rừng và các đợt công tác, tuần tra vào vùng lõi. Cũng nâng cao tinh thần, ý thức bảo vệ rừng nguyên sinh của người dân bản địa. Nhiều vụ vi phạm, xâm hại rừng nguyên sinh đã được người dân sớm phát hiện báo với cán bộ Vườn Quốc gia để kịp thời can thiệp và có biện pháp xử lý. Hiện đang có 854 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng và thời gian tới dự kiến chúng tôi sẽ giao khoán cho trên 1.000 hộ nằm ở vùng đệm, vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương”, ông Cường cho biết thêm.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những người giữ rừng nơi đại ngàn Pù Mát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO