Những người Nghệ 'vượt nắng, thắng mưa' trên công trình 500kV
Trong cái nắng như nung như đốt, trong cái gió hanh hao xới tung bụi trắng, trong những lớp áo mũ dày cộp, ướt đầm, mặn chát mồ hôi… những công nhân thi công đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồng mình cho tiến độ công trình.
Trong cái nắng như nung như đốt, trong cái gió hanh hao xới tung bụi trắng, trong những lớp áo mũ dày cộp, ướt đầm, mặn chát mồ hôi… những công nhân thi công đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồng mình để kịp tiến độ công trình.
MỤC TIÊU DUY NHẤT
Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà đội ngũ kỹ sư, công nhân đường dây 500kV mạch 3 phải vượt qua khi thi công công trình. Người thì bỏng rát vì vịn vào những thanh thép nóng, người thì liêu xiêu khi vác những khối vật liệu lên đồi, người thì cay xè mắt vì những giọt mồ hôi… Mệt rã rời nhưng không một ai dừng tay khi chưa làm xong việc, không một người rời vị trí đã được phân công.
Để lên đến hiện trường thi công cọc 355 trên địa bàn xã Nghi Kiều (Nghi Lộc), những người công nhân phải đi khoảng 500m đường đồi. Quãng đường không quá xa nhưng dốc, hẹp, đất cát. Nếu đi xe máy thì phải là xe số, về số 1 và mỗi lần chỉ đi được 1 người. Những ngày mưa, con đường này trơn trượt, công nhân chỉ có thể đi bộ từ chân đồi lên. Và đây không phải là công trình hiểm trở nhất.
Trong số những công nhân đang làm việc ở đây, có 6 người là nữ. Họ là những công nhân thuộc đơn vị thầu phụ, đảm nhận những công việc của phần bê tông. Quệt ngang dòng mồ hôi, công nhân Phan Thị Thủy chia sẻ: “Tôi làm ở đây được hơn 1 tháng rồi, hàng ngày dậy lúc 5 giờ sáng, đi từ nhà ở Yên Thành đến đây mất khoảng 1 tiếng. Tối đến lại từ đây về Yên Thành, mất thêm 1 tiếng nữa, hôm nào sớm thì 8 giờ tối về đến nhà. Có hôm đổ bê tông móng, ở lại đến 2 giờ sáng mới xong, về nghỉ một tí sáng mai lại có mặt sớm để làm”.
Trong câu chuyện với chị Thủy và những người đồng nghiệp, tôi được nghe kể về những nỗi vất vả mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Đó là những ngày công việc không suôn sẻ, đang trộn thì hết nước… không đổ được bê tông như kế hoạch; Là những lần trèo lên, trèo xuống chân móng sâu dưới lòng đất, ngột ngạt, nóng hầm hập; Là những ngày mưa gió, đường lên núi vốn đã dốc lại thêm trơn, trầy trật khuân đồ, ngã lên, ngã xuống…
Không phải đi xa như chị Thủy, công nhân Hồ Văn Thịnh nhà ngay tại xóm 3, xã Nghi Kiều, gắn bó với công trình 500kV mạch 3 từ những ngày đầu tiên khởi công. Sự vất vả của đời công nhân hằn sâu quanh khóe mắt, khóe miệng, khiến người công nhân này già hơn nhiều so với độ tuổi ngoài 50 của mình. “Công việc ở đây vất vả lắm, không chịu khó là không thể làm được mô. Tôi được giao những công việc như bơm nước, giăng dây điện, bốc vác xi măng lên máy, di chuyển vật liệu từ vị trí này đến vị trí khác… Những ngày nắng nóng cao điểm này, vất vả tăng thêm bội phần”, công nhân Hồ Văn Thịnh trải lòng. Nói vừa dứt câu, anh Thịnh vội vàng quay lại công việc để kịp vận chuyển đồ xuống cho đồng nghiệp đang làm dưới móng cọc sâu 10m so với mặt đất.
Cũng trên địa bàn xã Nghi Kiều, ở một cột điện gần hoàn thiện, những công nhân đang gia cố thép bằng những chiếc ốc vít khổng lồ. Cái nắng khủng khiếp khiến những thanh kim loại nóng ran và gương mặt của những người công nhân đỏ lựng.
Chia sẻ với những vất vả mà các công nhân, kỹ sư đường dây 500kV, nhiều đoàn công tác của các cơ quan chức năng, ban, ngành đã đến trao quà động viên. Dẫu biết ơn lắm, vui lắm, những công nhân này cũng không thể tiếp đón một cách chu đáo. Họ chỉ có thể trò chuyện chớp nhoáng rồi quay lại ngay với công việc. Thời gian và tiến độ không chờ đợi họ. Họ chỉ có một lựa chọn duy nhất: Phải hoàn thành tốt nhất và nhanh nhất.
ĐỘI "NGƯỜI NHỆN" XỨ NGHỆ
Tại điểm thi công cột VT438, các thành viên của đội xây lắp điện chủ yếu là người Nghệ An, dù đơn vị công tác có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với năng lực của mình, họ đã đi xây dựng, kết nối điện ở rất nhiều công trình nổi tiếng. Lần này, dù công trình ngay trên quê hương nhưng họ cũng chỉ có thể kết nối với gia đình qua chiếc điện thoại.
Người chỉ huy đội xây lắp này là anh Lê Đình Hào - Tổng đội trưởng Tổng đội Xây lắp điện 3 - Công ty cổ phần PC1 miền Nam (quê xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu). Dưới anh là gần 100 kỹ sư, công nhân, trong đó, 80% là người Nghệ An. Lý giải điều này, anh Hào nói: “Là một người Nghệ An, tôi luôn cảm thấy tin tưởng, an tâm với tính cách của người dân quê mình. Cũng chính vì thế, nên tôi có xu hướng tuyển dụng đồng hương. Hầu hết những người này đều sinh ra và lớn lên trong khó khăn, biết chăm chỉ, chịu khó, biết đoàn kết, chia sẻ với nhau. Khi kết nối lại, chúng tôi sẽ là một tập thể mạnh”.
Tập thể mạnh mà anh Hào nhắc đến đã từng hoàn thành những đường dây cao nhất Đông Nam Á, đường dây vượt biển ra đảo Phú Quốc, những đường dây quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam… Tập thể mạnh có những thành viên tiêu biểu được mệnh danh là “người nhện” và nhiều lần được khen thưởng như Tổng đội Phó Đinh Trọng Tình, Tổ trưởng Hoàng Văn Minh, công nhân Trần Quốc Huy… Cho đến thời điểm này, tập thể mạnh của các anh cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được tập huấn ở nước ngoài về kỹ năng kéo cùng lúc 4 dây, thay vì 2 dây như những đơn vị khác.
“Trong những công việc của chúng tôi, thả và căng dây là công việc vất vả nhất. Giữa thời tiết nắng nóng, anh em treo mình nhiều giờ đồng hồ trên dây cáp, ở độ cao chóng mắt, phải vô cùng tập trung và bình tĩnh để đảm bảo không có sai sót. Chỉ một phút lơ là sẽ dẫn đến hư hỏng công việc, nguy hiểm tính mạng. Để đảm bảo an toàn và tiến độ, chúng tôi giữ nếp sinh hoạt như trong quân đội, làm từ 5 giờ sáng đến 6 giờ 30 phút tối, chỉ quanh quẩn ở lán trại, công trình. Cũng chính vì thế mà làm việc ngay trên quê hương nhưng mọi người cũng không thể về nhà được”, anh Hào chia sẻ.
Hình ảnh “treo mình” trên dây điện, giữa trời xanh của những người đồng đội, anh em cũng chính là hình ảnh khiến anh Hào xúc động nhất mỗi khi nhìn thấy. Từ những cảm xúc đó, người Tổng đội trưởng đã có một cách làm rất hay để động viên, cổ vũ mọi người. Bên cạnh việc đảm bảo đời sống, xây dựng chế độ khen thưởng, anh còn dùng flycam và máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc lao động đầy nguy hiểm, cống hiến của mọi người. Sau đó, anh tập hợp lại và xuất bản thành những đoạn clip ngắn với nhạc chèn khí thế, tươi vui, chuyển tải tinh thần phấn chấn, hăng say trên công trường. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, những hình ảnh quý giá mà anh thu thập đã trở thành kho tư liệu giá trị đơn vị, của ngành.
Hiểu được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý nghĩa của đường dây 500kV, những ngày này anh em chúng tôi đang nỗ lực "vượt nắng, thắng mưa", làm việc "3 ca, 4 kíp", thi công " 24/24h bám sát công trường", để khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ dự án. Có những ngày, anh em phải làm thông tầm, ăn trưa lúc 3 giờ chiều. Áp lực và vất vả nhưng sau mỗi lần giao ban buổi sáng, mỗi lần thấy hạng mục hoàn thành, là lại cảm thấy phấn khởi. Tối về, ở với nhau như người một nhà, chia sẻ chuyện gia đình, cuộc sống, là lại thấy mệt mỏi như tan hết”, anh Hào thổ lộ.