Những người tình nguyện đưa liệt sĩ về với gia đình
Trong gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, rất nhiều người chưa được tìm thấy và chưa được trở về với gia đình, quê hương. Với tâm nguyện góp sức đưa các liệt sĩ trở về, nhiều năm nay, 2 người đàn ông Nghệ An đã xem niềm vui hội ngộ của những gia đình xa lạ là hạnh phúc và trách nhiệm của bản thân.
Thiện duyên trên hành trình ý nghĩa
Những ngày này, gia đình anh Hoàng Mạnh Cường (phường Nghi Thu, TP. Vinh) chộn rộn vì diễn ra một sự kiện trọng đại. Ngày 19/12, ngay trước ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, gia đình anh được đón hài cốt người bác ruột của mình - liệt sĩ Hoàng Anh Tiến (1960 - 1979) về với quê hương, gia đình.
“Bác tôi hy sinh trong trận đánh cuối cùng năm 1979 và phần mộ lưu lạc từ đó. Mãi đến Hè năm 2023, may mắn làm sao, tôi tình cờ gặp và quen chú Nguyễn Đình Trung. Nhờ sự giúp đỡ của chú, tôi tìm lại được ngôi mộ của bác ở nghĩa trang Đồng Nai với phần thông tin năm sinh bị sai lệch. Ông bà nội tôi có 3 người con, bác Hoàng Anh Tiến là con trai cả, bố tôi là con trai thứ, sau còn một o con gái nữa. Đón bác về, dù ông bà nội tôi đều đã mất, bố tôi cũng qua đời đã lâu, nhưng tôi đã hoàn thành được tâm nguyện đau đáu cả đời của ông bà và bố…” - anh Cường xúc động chia sẻ, khi đang chuẩn bị những đồ đạc cần thiết để vào Đồng Nai.
Anh Cường cũng tâm sự, theo lời khuyên của mọi người, anh sẽ đón bác về bằng về ô tô để chuyến đi ấm cúng hơn, và để bác có thể được ngắm cảnh dọc đường đi, để thấy được nay đất nước hòa bình, phát triển như thế nào. Hòa bình đã được đánh đổi bởi máu xương của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ như bác.
Cuộc hội ngộ muộn màng sau 44 năm xa cách, dẫu âm dương cách trở, dẫu chưa từng gặp gỡ, nhưng vỡ òa trong nước mắt - những giọt nước mắt mừng tủi và hạnh phúc. Người đem đến cuộc hội ngộ bất ngờ cho gia đình liệt sĩ Hoàng Anh Tiến là ông Nguyễn Đình Trung (SN 1964) - hay còn được gọi với cái tên Trung “liệt sĩ”.
Nhiều năm nay, vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nghi Hòa (TP. Vinh) đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc tìm kiếm mộ các anh hùng liệt sĩ Nghệ An bị thất lạc. Hành trình đặc biệt ấy bắt đầu sau khi ông đi tìm phần mộ cho người thân gia đình mình.
Chia sẻ về hành trình tìm mộ liệt sĩ, ông Nguyễn Đình Trung kể: “Những năm 2015, để tìm được mộ của người anh con bác, tôi vào Kon Tum 3 lần và không thể đếm được số lần ra Hà Nội. Hồi đó, thủ tục xác minh mộ liệt sĩ còn rất khó khăn, thông tin tiếp cận hạn chế nên vô cùng vất vả và tốn kém. May mắn, tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Sư đoàn 968 và ông Nguyễn Sĩ Hồ - người nổi tiếng với “thư viện thông tin liệt sĩ online”, nhờ vậy đã thành công đưa anh tôi về quê nhà. Cũng từ đó, tôi muốn làm công việc giúp đỡ các gia đình thân nhân đưa liệt sĩ về nhà”.
Trên hành trình tìm kiếm đó, ông Trung đã gặp anh Lê Tiến Dũng (SN 1973, quê TP. Vinh) – cũng là một người tâm huyết với công việc tìm mộ liệt sĩ nhiều năm nay. Không chỉ kết nối tìm mộ cho hàng trăm gia đình liệt sĩ, ông Trung còn hỗ trợ kết nối để trao trả nhiều kỷ vật chiến tranh giá trị của các liệt sĩ về cho gia đình.
Gần đây nhất, từ kết nối của ông Trung, gia đình của liệt sĩ Nguyễn Quang Số (1944-1969, quê Thanh Chương) và liệt sĩ Hồ Văn Chương (1939-1969, quê Diễn Châu) đã nhận lại cuốn nhật ký của người thân từ nước Mỹ xa xôi. Không thể kể hết nỗi xúc động nghẹn ngào của những gia đình khi nhận lại “món quà” vô giá, cũng như không thể đong đếm được niềm vui trong những cuộc hội ngộ âm – dương của các gia đình liệt sĩ...
“Bên cạnh những trang nhật ký có lửa được gửi về từ bên kia bán cầu, chúng tôi còn tìm thấy nhiều kỷ vật đáng quý khác của những người lính Nghệ - Tĩnh. Trong đó có những bức thư phải 50 năm sau mới đến được tay người cần nhận; có những huân chương cao quý mãi không được trao. Trong số 92 huân chương ta chúng tôi đã kết nối và trả lại, đau lòng nhất là trường hợp của Liệt sĩ Trương Thanh Hải (quê Hương Nguyên). Bác là thương binh nặng, trước lúc mất vì những đau đớn, bác không hề biết rằng mình có Huân chương Hữu nghị của Campuchia và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang do Đảng và Nhà nước trao tặng năm 1986, 1987. Mãi đến năm 2023, những huân chương này mới đến được tay gia đình bác…” – anh Dũng trải lòng.
Không dừng ở hỗ trợ tìm kiếm, từ tâm nguyện chung, ông Trung và anh Dũng đã kết nối được với nhiều tấm lòng khác trong cộng đồng tình nguyện viên hỗ trợ tìm mộ liệt sĩ. Ở đó có những người cần mẫn thu thập thông tin, dữ liệu từ các nghĩa trang để mọi người thuận tiện tìm kiếm; có những nhà xe "0 đồng" tài trợ hoàn toàn cho hành trình đưa liệt sĩ về quê nhà một cách trang trọng nhất, không kể xa hay gần và có bao gồm cả chi phí ăn, nghỉ cho thân nhân dọc đường đi; có những tình nguyện viên sẵn sàng đội mưa gió, lặn lội hàng trăm km để xác minh thông tin trên một bia mộ… Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha ông.
“Nguyên tắc” của trái tim
Dù không ai dặn ai nhưng cả ông Trung và anh Dũng đều có những nguyên tắc chung trong quá trình tìm mộ liệt sĩ: Không bao giờ nhận tiền của người nhà liệt sĩ, dù chỉ một đồng; Không bao giờ nhận lời mời ăn cơm của cán bộ địa phương, dù chỉ một bữa.
Chia sẻ về nguyên tắc này, anh Dũng nói: “Cả 2 chúng tôi đều có công việc riêng với thu nhập ổn định, đều được gia đình ủng hộ và không có nhu cầu kiếm tiền từ công việc này. Thậm chí, các con của ông Trung còn xin được góp tiền để hỗ trợ bố đi tìm mộ liệt sĩ, đồng hành đến cùng với gia đình thân nhân”.
Vì từng có những người lợi dụng nỗi đau của gia đình thân nhân để lừa đảo, trục lợi nên nhiều gia đình có tâm lý e ngại, dè chừng. Bởi vậy, rất nhiều lần ông Trung và anh Dũng nhận được thái độ thiếu thiện chí từ phía gia đình thân nhân, có người thì chặn số điện thoại, có người đóng cửa không tiếp, lại có người nhờ tìm thông tin với thái độ ngờ vực, xét nét.
“Cá biệt, khi chúng tôi tìm được thông tin liệt sĩ, liên hệ với cán bộ chính sách cơ sở, một số người tỏ thái độ thờ ơ, qua chuyện, thậm chí chặn luôn số điện thoại của chúng tôi mà không cần biết thông tin chúng tôi cung cấp có đúng hay không. Đây là một thái độ rất vô cảm, vô trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trước những tình huống đó, dẫu buồn, dẫu thất vọng, nhưng chúng tôi tự dặn lòng không nản chí, mà sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm liệt sĩ, kiên trì chia sẻ thông tin, đăng bài lên mạng xã hội, mong chờ những cuộc hội ngộ vào một ngày nào đó…” – ông Trung trải lòng.
Niềm mong chờ ấy là động lực để ông Trung và anh Dũng duy trì nguyên tắc luôn nghe điện thoại từ số lạ, luôn gọi lại những số bị nhỡ, dù là lúc nửa đêm. Trong danh bạ của cả hai đều có số điện thoại của những người quản trang cấp huyện trên khắp Việt Nam và cán bộ chính sách cấp xã, phường trên toàn tỉnh Nghệ An...