Giáo dục

Những nhà giáo Nghệ An tiêu biểu 'làm theo lời Bác'

Mỹ Hà 16/05/2025 16:42

Đằng sau danh hiệu "Nhà giáo làm theo lời Bác" là những người thầy giáo, cô giáo ngày ngày miệt mài bên trang giáo án, sự hy sinh, tận tâm, tận tụy với nghề, với học trò và mái trường yêu thương.

con đường “bảng đen, phấn trắng”

Dù đã ngoài 45 tuổi, nhưng 3 năm trở lại đây, thầy giáo Dương Quốc Việt - giáo viên Trường THCS Đại Minh (Yên Thành) vẫn tích cực tham gia 5 cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, trong đó, có 2 lần tham gia cuộc thi cấp tỉnh.

Nhiều người quan niệm, cuộc đời làm giáo viên chỉ cần 1 lần được công nhận giáo viên dạy giỏi tỉnh. Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác, tôi đi thi không phải vì danh hiệu cũng không phải vì lợi ích của bản thân. Đơn giản, tôi đến với các cuộc thi chính là để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè, đồng nghiệp.

Thầy giáo Dương Quốc Việt - giáo viên Trường THCS Đại Minh (Yên Thành)

bna_thay-giao-vuong-quoc-viet-cam-hoa-va-cac-dong-nghiep-tai-b-uopoir-le-bieu-duong.jpg
Thầy giáo Dương Quốc Việt (cầm hoa) và các đồng nghiệp được biểu dương "Nhà giáo làm theo lời Bác". Ảnh: Mỹ Hà

Hơn 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp cấp 3, thầy Việt đã chọn nghề giáo như một lẽ dĩ nhiên, vì đó là mơ ước được thầy ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì yêu nghề nên những năm qua, dù hầu hết đều công tác ở những trường thuộc vùng khó khăn nhưng thầy Việt lúc nào cũng say sưa với nghề, tận tụy với học trò.

Với vai trò là Tổ trường Tổ Khoa học tự nhiên, thầy luôn là đầu tàu, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi, các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh. Bên cạnh đó, dù ở độ tuổi không còn trẻ nhưng thầy vẫn hăng say với các phong trào và tham gia đạo diễn các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo.

Với nhiều nỗ lực cố gắng, thầy giáo Dương Quốc Việt đã được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều Giấy khen của huyện, của ngành. Năm 2025 này, thầy vinh dự là giáo viên nam duy nhất của huyện Yên Thành được ngành Giáo dục tặng danh hiệu “Nhà giáo làm theo lời Bác”.

Ảnh - Mỹ Hà6
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen cho các nhà giáo được tuyên dương "Nhà giáo làm theo lời Bác". Ảnh: Mỹ Hà

Chia sẻ về giải thưởng đặc biệt này, thầy Việt nói thêm: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có tấm lòng bao la và luôn dành tình yêu cho các em nhỏ. Bản thân tôi là một người giáo viên, tôi nghĩ rằng, mình học được từ Bác những điều bình dị đó và luôn cố gắng vì học trò.

Sinh năm 1985, cô giáo Lương Thị Ngọc Hoàn - Trường PTTH Dân tộc nội trú cũng là một trong ít giáo viên khá trẻ được biểu dương trong dịp này.

Nhận được kết quả này, cô giáo người dân tộc Thái đến từ xã Lục Dạ, huyện Con Cuông chia sẻ, rất xúc động khi được đồng nghiệp và cấp trên ưu ái. Bản thân chị, từ khi chọn con đường “bảng đen, phấn trắng” và gắn bó với ngôi trường dân tộc nội trú của tỉnh, chị luôn tự nhủ mình phải cố gắng gấp hai, gấp ba vì xuất phát điểm khó khăn hơn nhiều đồng nghiệp khác.

Bằng sự cố gắng của bản thân, nên từ năm 2018, ở tuổi còn khá trẻ, chị đã từng đạt thủ khoa phần thi thực hành ở kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh môn Sinh học. Sau này, chị luôn trau dồi chuyên môn, học nâng cao trình độ và trở thành giáo viên cốt cán của Sở, được điều động đi chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT, ra đề, chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Năm học vừa qua, cô giáo Lương Thị Ngọc Hoàn là người đã góp phần quan trọng khi lần đầu tiên bồi dưỡng thành công và đem về giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học cho nhà trường. Bộ môn Sinh học cũng có tiến bộ vượt bậc khi nâng hạng từ vị trí thứ 32 lên vị trí thứ 4 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô giáo Lương Thị Ngọc Hoàn và các học trò. Ảnh: NVCC
Cô giáo Lương Thị Ngọc Hoàn và các học trò. Ảnh: NVCC

Trong câu chuyện của mình, cô giáo Hoàn cũng nói rằng, học sinh của Trường Dân tộc nội trú hầu hết đều là các em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự chăm lo của gia đình. Vì thế, giáo viên ngoài công việc chuyên môn còn phải là người cha, người mẹ, người bạn của học trò.

Những công việc dẫu “không tên” nhưng chị và nhiều thầy giáo, cô giáo khác ở trường vẫn không ngại vất vả, bởi thành quả lớn nhất chính là những điểm 9, điểm 10, là những giấy báo đậu đại học và sự trưởng thành, tiến bộ của học trò...

miệt mài "gieo chữ, trồng người”

Tôn vinh nghề dạy học, biểu dương nhà giáo đã trở thành nét văn hóa và truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Năm nay, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục đã biểu dương 135 giáo viên tiêu biểu và trao tặng danh hiệu “Nhà giáo làm theo lời Bác”.

Tiết học của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và học sinh Trường THPT Đô Lương 1. Năm học vừa qua, thầy được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Mỹ Hà
Tiết học của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến và học sinh Trường THPT Đô Lương 1. Năm học vừa qua, thầy được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Đón nhận danh hiệu này, thầy giáo Nguyễn Văn Tiến - giáo viên Trường THPT Đô Lương 3 tâm sự, làm nghề cũng như làm người: Bác Hồ đã từng căn dặn, không có tài thì làm gì cũng khó, nhưng không có đức thì vô dụng. Là người thầy phải trau dồi cả đức lẫn tài, trong đó, rất cần sự tận tâm với trò, tự tôn với nghề. Cá nhân tôi luôn tâm niệm, là giáo viên ngoài năng lực chuyên môn giỏi chưa đủ. Điều quan trọng nữa là phải biết cách dẫn dắt và tạo động lực cả bên trong lẫn bên ngoài để học trò cố gắng phát huy hết khả năng của mình và chiếm lĩnh tri thức”.

Đại diện cho 135 giáo viên phát biểu tại buổi lê tuyên dương Nhà giáo làm theo lời Bác, cô giáo Dương Thị Thao - Trường THPT Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn) cũng khẳng định: Đây là động lực, là nguồn động viên lớn lao cho bản thân tôi cũng như cho đội ngũ nhà giáo đang ngày đêm miệt mài gieo chữ, trồng người. Bản thân trong suốt hơn 20 năm qua đã luôn cố gắng nỗ lực không biết mệt mỏi làm tốt vai trò của người giáo viên.

Để có được kết quả này, những năm qua ngoài thành tích 5 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 6 năm liên tục có sáng kiến kinh nghiệm cấp sở, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh... chị còn là người giáo viên hết lòng yêu thương học trò.

Cách đây mấy năm, khi cậu học trò cũ của mình bị bạo bệnh chị đã đứng ra kêu gọi quyên góp hỗ trợ. Nay khi học trò qua đời, chị vẫn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đỡ đầu cho em gái của học trò cũ kém may mắn kia đang học lớp 4 để em được đến trường.

Cô giáo
Cô giáo Đỗ Thị Hiền và học trò ở Trường PT DTBT THCS Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Mỹ Hà

Trong những giáo viên được tuyên dương còn có cô giáo Đỗ Thị Hiền - Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hạnh Dịch (Quế Phong).

Nhiều năm trước, từ huyện Đô Lương, chị đã tình nguyện lên công tác ở Trường Tiểu học Tri Lễ 2, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong.

Nơi đây, học sinh ở đa phần là người dân tộc, chủ yếu là người Thái, người Mông. Cô giáo trẻ lần đầu tiên ở vùng đất biên giới giáp Lào, học cách hòa nhập với trò, với bà con dân bản, rồi mới dạy học kiến thức. Sau này, cô lại chuyển công tác về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hạnh Dịch, cũng là một xã ở xa trung tâm, vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học theo bố mẹ lên rẫy.

Những năm tháng gắn bó với học sinh vùng cao chị chưa quên được kỷ niệm một mình cắm bản ở điểm trường bản Khốm, xã Hạnh Dịch. Khi đó, điểm trường chưa có sóng điện thoại, không có điện thắp sáng, nhưng nghe tin 1 học sinh bị bố mẹ bắt nghỉ học, chị đã lặn lội qua sông, leo qua một quả đồi để đến vận động học sinh trở lại trường. Hiện tại, ngoài giờ dạy trên lớp, chị vẫn thường xuyên trực đêm, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà nhưng chị chưa bao giờ thấy mệt.

Hay cô giáo Vy Thị Hằng dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm thợ xây, công việc không ổn định, bố mẹ hai bên đều đau yếu thường xuyên, nhưng chị vẫn tình nguyện vào dạy tại Trường Mầm non Lượng Minh, một trường nằm ở vùng khó khăn ở huyện Tương Dương. Hàng ngày, dù cả đi và về gần 40 km nhưng chị vẫn bám trường, bám bản, yêu thương học trò, không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, rèn luyện phẩm chất nhà giáo theo lời Bác dạy và vẫn là một người vợ, người mẹ, người con chu toàn với gia đình.

Riêng thầy giáo Nguyễn Nhật Đức - Trường THPT Thanh Chương 3, ngoài rất nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi còn là người luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Những năm qua, thầy đã 11 lần tham gia hiến máu trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương, tại nhà trường và trực tiếp cho người không may bị tai nạn và được Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Chương 2 lần tặng Giấy khen.

Thầy giáo Nguyễn Nhật Đức (giữa) và các giáo viên Trường THPT Thanh Chương 3 hưởng ứng Ngày hội hiến máu tình nguyện. Ảnh - NTCC
Thầy giáo Nguyễn Nhật Đức (giữa) và các giáo viên Trường THPT Thanh Chương 3 hưởng ứng Ngày hội hiến máu tình nguyện. Ảnh: NTCC

Mỗi người là một minh chứng sống động cho tinh thần học tập và làm theo lời Bác: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu, chia sẻ, hết lòng vì học trò. Và tinh thần đó, sẽ tiếp tục lan tỏa trong toàn ngành để nối dài thêm thành tích và góp phần viết tiếp truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Những nhà giáo Nghệ An tiêu biểu 'làm theo lời Bác'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO