Giáo dục

Những thủ khoa 8X, 9X tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh

Mỹ Hà 02/12/2024 16:19

Cô giáo Trịnh Thị Hồng (Trường THCS Quang Trung) - Thủ khoa bộ môn Khoa học tự nhiên và cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp (Trường THCS Vinh Tân) - Thủ khoa bộ môn Tiếng Anh, là 2 giáo viên tiêu biểu trong mùa thi năm nay.

Cô giáo Trịnh Thị Hồng: Tự tôn với chính nghề nghiệp của mình

Cô giáo Trịnh Thị Hồng sinh năm 1989 và đến nay đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo. Trước khi là giáo viên của Trường THCS Quang Trung, cô đã có nhiều năm là giáo viên Vật lý ở Trường THPT Diễn Châu 2.

Nữ giáo viên này cũng từng có một thành tích đáng nể, khi là thủ khoa “kép” đầu vào và đầu ra ở khoa Sư phạm Vật lý - Trường Đại học Vinh. Dù không lớn lên tại thành phố Vinh nhưng gần 20 năm gắn bó với Vinh, cô đã xem đây đã là quê hương thứ 2, bởi ở đây cô có gia đình, có đồng nghiệp, có mái trường cô muốn gắn bó lâu dài và những người học sinh của mình...

bna_co-giao-trinh-thi-hong(1).jpg
Cô giáo Trịnh Thị Hồng là người đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THCS bộ môn Khoa học tự nhiên (Vật lý). Ảnh: Mỹ Hà

Trước khi đến với Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh, cô cũng đã từng 3 lần tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố, có những lần chị đi thi khi con mới 2 tháng tuổi, có lần thi giáo viên dạy giỏi trong bối cảnh dịch Covid- 19 đang bùng phát.

Lần thứ ba mới đây nhất cô đi thi và đã vinh dự mang danh hiệu thủ khoa thành phố ở bộ môn Khoa học tự nhiên (môn Vật lý). Đây cũng là tiền đề để cô tham dự Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh và xuất sắc đạt giải Nhất, một kết quả dường như không khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ.

Kể về hội thi này, cô giáo Trịnh Thị Hồng chia sẻ rằng dù hội thi chỉ kéo dài chưa đến 1 tháng. Tuy nhiên, cá nhân chị, việc chuẩn bị cho hội thi không thể tính theo tháng, theo tuần mà đó là một quá trình tích lũy.

Giờ học của cô giáo Trịnh Thị Hồng và các học trò. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học của cô giáo Trịnh Thị Hồng và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Tôi nghĩ phần thi báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy là phần thi được tôi chuẩn bị kỹ càng nhất, khi tôi triển khai bài báo cáo với đề tài: Thiết kế và xây dựng một số chủ đề Stem môn Khoa học tự nhiên nhằm phát triển năng lực học sinh. Thực tế, đây chính là đề tài đúc kết cả một quá trình dài tôi trực tiếp giảng dạy Stem ở nhà trường.

Cô giáo Trịnh Thị Hồng

Theo cô giáo Trịnh Thị Hồng, cách đây 4,5 năm, việc dạy học Stem chỉ mới áp dụng ở một số tiết học và các giáo viên vẫn thường e ngại khi triển khai, bởi tài liệu về Stem không nhiều, chưa có cuộc tập huấn nào là đầy đủ và bài bản.

Nhưng là giáo viên Vật lý, một môn học có tính ứng dụng cao cô đã áp dụng dạy học Stem trong các tiết học của mình, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu kiến thức để chế tạo sản phẩm: Có những sản phẩm thành công, có những sản phẩm thất bại, nhưng sau những lần chế tạo, những lỗi kiến thức mà các em mắc phải sẽ được khắc sâu và các em sẽ nhớ bài học tốt hơn. Qua những bài học Stem, học sinh được phát huy các năng lực như giao tiếp, giải quyết vấn đề và tự tin học, chiếm lĩnh được kiến thức... cô Hồng cho biết.

Với nền tảng vững chắc và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô giáo Trịnh Thị Hồng đã không gặp nhiều khó khăn ở phần thi thực hành. Trong quá trình tổ chức bài học, cô giáo Trịnh Thị Hồng thường không đi theo “lối mòn” mà thường mạnh dạn đưa quan điểm riêng, đưa cách tiếp cận riêng để tạo hứng thú cho học trò. Mục đích cuối cùng là để học sinh tiếp thu bài giảng một cách dễ dàng và giải quyết được các vấn đề mà yêu cầu bài học đưa ra.

Cô giáo Trịnh Thị Hồng và các đồng nghiệp tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THCS. Ảnh - NTCC
Cô giáo Trịnh Thị Hồng tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THCS. Ảnh: NTCC

Là một giáo viên trẻ, cô không ngừng học hỏi và luôn tiếp cận với công nghệ thông tin để có thể ứng dụng vào trong các bài giảng. 3 năm trước, khi dịch Covid – 19 làm gián đoạn việc học, để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với bài học, cô là một trong những người đi đầu trong việc tự làm video về các thí nghiệm Vật lý. Nhiều video sau này có hơn 20.000 lượt xem.

Nữ giáo viên này, dù con còn nhỏ, dù kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng khi nào thấy Trường Đại học Vinh tổ chức các cuộc hội thảo liên quan đến chuyên môn chị vẫn miệt mài đến theo dõi để hy vọng tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới. Việc học được chị thực hiện thường xuyên, liên tục vì không muốn mình lạc hậu và đó còn là tự tôn, là trách nhiệm với nghề.

Tôi đã tham gia khá nhiều Hội thi giáo viên dạy giỏi ở cấp thành phố và cấp tỉnh và chưa bao giờ xem đó là gánh nặng. Ngược lại, tôi đi thi bởi sự tự tôn với chính mình, với nghề nghiệp. Những năm qua, tôi sống với chuyên môn nên không cảm thấy mệt mỏi. Tình yêu nghề cũng cho tôi niềm vui để tôi gắn bó với nghề.

Cô giáo Trịnh Thị Hồng

Sự nhiệt huyết và trách nhiệm cũng giúp cô giáo Trịnh Thị Hồng nhận được nhiều tình cảm của các học trò và của đồng nghiệp. Cô giáo Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung chia sẻ thêm: Dù là một giáo viên trẻ nhưng cô giáo Trịnh Thị Hồng luôn là người tiên phong, đi đầu trong nhiều phong trào của nhà trường, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và không ngại chia sẻ với các đồng nghiệp.

Cô giáo Trịnh Thị Hồng cũng là người trách nhiệm, nhiệt huyết và có chuyên môn tốt và với sự cố gắng không mệt mỏi đó, danh hiệu thủ khoa là hoàn toàn xứng đáng!

Cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp:

Niềm vui là đào tạo những học sinh bình thường trở thành học sinh giỏi

Cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp là nữ giáo viên trẻ nhất trong số hơn 50 giáo viên toàn tỉnh tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Anh năm nay. Thế nên, dù hành trang đến với cuộc thi này là giải Nhất, Thủ khoa Hội thi Giáo viên dạy giỏi của thành phố, nhưng nữ giáo viên sinh năm 1997 này vẫn thừa nhận nhiều áp lực khi tham gia sân chơi cấp tỉnh.

466799391_2987296384753493_4886549690723945862_n(1).jpg
Cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp là nữ giáo viên đạt thành tích xuất sắc nhất tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh môn Tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Phải đến khi bước vào cuộc thi chính thức, được thể hiện năng lực của mình, cô mới thực sự tự tin. "Tôi bắt đầu phần thi thứ nhất với việc trình bày biện pháp nhằm phát triển kỹ năng nói của học sinh. Đây là một trong những kỹ năng kém nhất của học sinh, bởi ở những lớp đại trà, nếu tổ chức làm việc nhóm chỉ phát huy được ở học sinh khá giỏi. Ngược lại, những học sinh yếu hơn sẽ học một cách thụ động. Trong báo cáo của mình tôi đưa ra biện pháp “tiệc trà”, yêu cầu lần lượt tất cả học sinh đều phải giao tiếp với nhau. Qua thực tế triển khai ở trường chúng tôi, sau hơn một học kỳ các em đều tiến bộ rõ rệt.

dscf2784(1).jpg
Giờ học của cô giáo Ngọc Diệp và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Ngọc Diệp chia sẻ: Trường THCS Vinh Tân là ngôi trường khá đặc thù ở thành phố Vinh. Ở đây, do nhiều hoàn cảnh khác nhau nên so với nhiều ngôi trường khác học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và năng lực của học sinh còn nhiều hạn chế.

Bản thân cô giáo Ngọc Diệp, trước đây từng là học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tốt nghiệp Sư phạm Loại giỏi nên khi mới nhận công tác về trường, chị thực sự bất ngờ trước năng lực học sinh đại trà của trường. Sau sự ngỡ ngàng, chị nhận ra chính giáo viên phải là người thay đổi.

bna_co-giao(1).jpg
Niềm vui bên học trò của cô giáo Ngọc Diệp. Ảnh: Mỹ

Tôi học ngoại ngữ khá sớm và có rất nhiều phương pháp tiên tiến để áp dụng vào bài học. Nhưng rồi tôi nhận ra, học sinh của mình không cần những cái “cao siêu” mà phải dạy những điều cơ bản nhất, bám sát vào chương trình, vào ma trận của các đề thi để các em có thể tiếp thu.

Cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp

Cô giáo Ngọc Diệp xác định “không thể ngày một, ngày hai” mà cần cả một quá trình kiên trì, đồng hành với học trò. Niềm vui mà chị nhận được cũng hết sức giản dị, đó là khi một học sinh từ điểm 3, điểm 4 lên điểm 6, điểm 7, lớp không còn học sinh yếu hay học sinh của mình. Đặc biệt, năm học vừa qua, trường có 2 em đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT chuyên Đại học Vinh. "Niềm vui với tôi là học sinh tiến bộ hàng ngày, là việc đào tạo những học sinh bình thường trở thành học sinh giỏi. Nghề giáo còn cho tôi những tình cảm ấm áp từ học sinh, phụ huynh. Đó là món quà vô giá mà tôi hết sức trân trọng" - cô giáo Ngọc Diệp tâm sự.

Để có thể trở thành một giáo viên dạy tốt, trong thời gian qua, cô giáo Ngọc Diệp không ngừng trau dồi chuyên môn như hoàn thành chương trình thạc sĩ, đăng ký dự thi để lấy chứng chỉ IELTS để “tự làm mới bản thân”.

bna_co-giao-ngoc-diep-ben-nhung-hoc-sinh-do-co-chu-nhiem.-anh-nvcc(1).jpg
Cô giáo chủ nhiệm Ngọc Diệp và các học sinh ở Trường THCS Vinh Tân. Ảnh: NVCC

Trong quá trình dạy học, chị cũng không ngại áp dụng các phương pháp mới nhằm tạo hứng thú cho học trò. Niềm yêu nghề cũng đã giúp chị có một tiết dạy thực hành thăng hoa tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh, thậm chí chị nói rằng nếu cho dạy lại “chắc cũng sẽ sửa rất ít” vì tin vào sự cố gắng, chỉnh chu của bản thân mình.

Với thành tích này, cô giáo Ngọc Diệp cũng trở thành một trong những giáo viên trẻ nhất đạt kết quả cao ở hội thi năm nay. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận mà còn là động lực để chị cố gắng, gắn bó với nghề hơn nữa trong chặng đường sắp tới.

Mới nhất

x
Những thủ khoa 8X, 9X tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO