Những phong tục đầu xuân năm mới ở Nghệ An

(Baonghean) - Từ đồng bằng đến miền biển, miền núi, người dân Nghệ An có những phong tục đầu xuân đặc sắc...
Lễ cầu ngư đầu năm
Đầu xuân năm mới, ngư dân các huyện miền biển Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Nghi Lộc, Diễn Châu, TX. Cửa Lò... trang trọng tổ chức lễ cầu ngư, cảm tạ các vị thần đã bảo vệ cho những chuyến ra khơi vào lộng trong năm được bình an và nguyện cầu năm mới tôm cá đầy khoang.  
Lễ hội cầu ngư tại TX Cửa Lò
Lễ hội cầu ngư tại TX Cửa Lò

 Lễ thường tổ chức từ ngày mùng 4 Tết. Bà con ngư dân trong vùng khoác lên mình lễ phục trang trọng nhất, nối nhau thành đoàn rước rộn ràng trong tiếng trống lễ, rước quanh mọi con đường trong xóm rồi tiến ra biển. Lễ vật gồm cỗ xôi, con gà (hoặc cái thủ lợn), trái cây, hương hoa, được những ngư dân khỏe mạnh, trai tráng đưa xuống thuyền dâng cúng thần sông, thần biển. 

Ngoài lễ riêng tại mỗi thuyền, các ngư dân còn tham gia lễ cầu ngư chung do địa phương tổ chức. Lễ cầu ngư giúp không khí vui xuân của bà con thêm vui tươi, tạo động lực để ngư dân tiếp tục yên tâm vươn khơi, bám biển.
Quang gánh gợi nhớ cội nguồn
Với những người dân huyện Yên Thành, ngày Tết thiêng liêng với ý nghĩa đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, khắc ghi truyền thống dòng tộc. Buổi chiều ngày cuối năm, các gia đình ở quê lúa đều sum vầy bên nhau, làm lễ rước “ông bà, ông vải” và những người đã khuất về vui Tết cùng con cháu. Lễ cúng nhất thiết phải có bát gạo mới và chiếc bánh chưng được bỏ vào 2 chiếc thúng, lồng chiếc đòn gánh đặt ở bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Đôi quang gánh đó cũng được sử dụng trong việc gánh cỗ cúng họ ngày đầu năm... 
Buổi sáng đầu tiên của năm mới, mọi thành viên trong gia đình cùng dậy sớm, bày biện mâm cỗ và sắp lễ bỏ vào đôi thúng. Những người phụ nữ đảm nhận việc gánh lễ đến nhà thờ họ.
Đôi quang gánh có mặt trong ngày Tết như một biểu tượng cho tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, rèn dạy, nhắc nhở cháu con và tri ân những giá trị truyền thống.
Khai bút đầu xuân
Lễ khai bút đầu năm mới ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) xưa nay là phong tục đẹp, được chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy. Vào sáng mùng 3 Tết hàng năm, người có học vấn hoặc thứ bậc cao nhất trong gia đình sẽ thực hiện lễ khai bút. Việc khai bút đã trở thành nghi thức thiêng liêng. 

Ngày nay, lễ khai bút đầu năm ở Quỳnh Đôi có nhiều đổi mới, phát triển thành phong trào sôi nổi trong toàn xã. 

Lễ khai bút đầu xuân tại Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)
Lễ khai bút đầu xuân tại Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)
Ngay sau thời khắc giao thừa, hội khuyến học xã vận động mỗi gia đình hướng dẫn con em mình trong độ tuổi đi học khai bút đầu năm. Sáng mùng 2 Tết, đông đảo người dân tập trung ở đình làng để làm lễ khai bút. Ai cũng có quyền được tham gia. Giấy bút được phát và đề bài được ban tổ chức nêu, thông thường là viết một đoạn văn xuôi hay bài thơ ca ngợi về cảnh đẹp quê hương, đất nước hôm nay bằng chữ Quốc ngữ. Sau khi viết xong, nộp lại cho ban tổ chức, sau đó ban tổ chức sẽ chấm điểm “văn hay, chữ tốt” và phát phần thưởng. 
Tục ướm “vết chân tiên”
Những ngày giáp Tết, người dân xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu thường kéo đến đền Mạo Sơn xếp hàng để được đặt bàn chân mình vào “vết chân tiên” trên tảng đá cầu sang năm mới may mắn. Đó là một hòn đá rộng khoảng 10m2 nằm ngay dưới chân núi. Trên tảng đá có in hình bàn chân phải nằm chính giữa, rộng bằng bàn chân của người lớn, 5 ngón chân hiện rất rõ. Câu chuyện truyền ngôn của người xưa đều cho rằng dấu chân trên hòn đá nhất định là “bàn chân tiên” vì đơn giản đá cứng như thế, không có chân người thường nào in dấu lên được.
Họ ướm bàn chân mình vào “bàn chân tiên” trên tảng đá với hy vọng lấy lộc đầu năm, mong theo bước chân tiên để xin được thông minh, học hành giỏi giang và khỏe mạnh. 
Lễ Hạp Kỳ của người Mông 
Trong phong tục Tết của người Mông, nổi bật có lễ Hạp Kỳ (lễ gọi vía) cho người già, tương tự như lễ mừng thọ ở miền xuôi. Trong lễ gọi vía bắt buộc phải có một đôi gà 1 trống, 1 mái và 1 con lợn. Sau khi giết thịt gà trống bày lễ cúng, chân và đầu gà sẽ được những bậc trưởng lão hoặc thầy mo xem xét, đoán định những sự kiện may, rủi trong tương lai. Lễ Hạp Kỳ là phong tục đẹp của đồng bào Mông xứ Nghệ, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, trân trọng người lớn tuổi trong gia đình.
Tắm suối cầu sức khỏe
Đây là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ được tiến hành sau thời khắc giao thừa. Mọi thành viên trong gia đình từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ đều ùa ra suối tắm. Không nhất thiết phải tắm cả người, mà chỉ cần chạm vào dòng nước suối trong những giờ phút đầu năm mới là được. Người Thổ quan niệm đây là lúc nước trong lành nhất, các nàng tiên ở trên trời cũng xuống tắm. Vì vậy, ra tắm lúc này sẽ gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh suốt cả năm. Hiện, trước nhiều đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội, nhà cửa của người Thổ dần ở xa sông, suối, phong tục này không còn được nhiều người thực hiện mà chỉ còn trong trí nhớ của người già. 
Lễ gọi hồn, làm vía 
Đồng bào Thái có tục gọi hồn, làm vía cho các thành viên trong gia đình vào tối 28, 29 hoặc 30 Tết. Chủ nhà sẽ thịt 2 con gà, 1 con để cúng tổ tiên, 1 con dùng để gọi hồn cho mọi người trong gia đình. Để gọi hồn, thầy mo lấy của mỗi người 1 chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai, ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy mo đích thân buộc một sợi chỉ đen vào cổ tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu làm đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
Thành Chung - Phương Chi
(tổng hợp)

tin mới

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

(Baonghean.vn) - Chiều 20/4, tại TP Vinh, ca sỹ Đinh Hiền Anh tổ chức buổi họp báo ra mắt 2 CD phòng thu Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ. Bộ đôi CD ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước sau chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.