Những sự cố tên lửa tai hại vì sơ suất của con người
Các hệ thống vũ khí dù hiện đại tới đâu, khi gặp phải sai sót của người vận hành, cũng có thể gây ra thảm họa.
Một hệ thống tên lửa Nike Ajax của Mỹ. Ảnh: US Army |
Ngày 1/7, hải quân Đài Loan đã ra quyết định kỷ luật 7 quân nhân, trong đó có một phó đô đốc và một chuẩn đô đốc, vì sự cố phóng nhầm tên lửa diệt hạm siêu thanh về phía Trung Quốc, khiến một tàu cá của ngư dân Đài Loan bị bắn chìm và thuyền trưởng thiệt mạng, theo CNA.
Sự cố xảy ra khi một quả tên lửa diệt hạm siêu thanh Hùng Phong III bất ngờ phóng ra từ một tàu hộ tống lớp Chinchiang đang diễn tập ở gần căn cứ, và lao vào một tàu cá đang đánh bắt gần đảo Bành Hồ, khiến chiếc tàu này bị vỡ nát. Quân đội Đài Loan giải thích rằng sự cố này là do "lỗi vận hành" của con người, và hạm trưởng cùng hai hạ sĩ quan trực tiếp có mặt trên tàu chiến này đã bị giáng cấp.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, sự cố phóng nhầm tên lửa này tuy chưa gây ra những thiệt hại quá nặng nề, nhưng nó chứng tỏ một điều rằng vũ khí dù hiện đại đến đâu vẫn có thể xảy ra sự cố vì sơ suất của con người. Nếu như quả tên lửa phóng nhầm đó là một vũ khí mang đầu đạn hạt nhân, hậu quả của vụ việc chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều, và có thể đẩy thế giới vào thảm họa.
Trong một bài viết trên trang History.com, chuyên gia sử học Elizabeth Hanes chỉ ra rằng trong lịch sử quân sự thế giới, không ít những sự cố đã xảy ra chỉ vì thao tác sai của con người trong quá trình vận hành vũ khí. Quân đội Mỹ với những loại vũ khí, trang bị hiện đại cũng đã không ít lần chứng kiến những sự cố như vậy.
Theo Hanes, có lẽ sự cố tên lửa tồi tệ nhất diễn ra trên biển đối với hải quân Mỹ chính là vụ nổ khủng khiếp suýt đánh đắm tàu sân bay USS Forrestal trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam vào năm 1967, khiến 134 lính Mỹ thiệt mạng.
Vào ngày 29/7/1967, một chiếc máy bay F-4 Phantom khi đang đậu trên boong tàu sân bay thì bất ngờ một quả tên lửa gắn trên cánh vô tình được kích hoạt. Quả tên lửa xẹt qua trên boong tàu và trúng vào một chiếc cường kích A-4 Skyhawk do phi công John McCain điều khiển đang chờ cất cánh gần đó. McCain may mắn thoát chết trong vụ nổ và sau này trở thành thượng nghị sĩ Mỹ.
Bị trúng tên lửa, chiếc Skyhawk bốc cháy và nhiên liệu bắt đầu tràn ra, khiến ngọn lửa lan rất nhanh đến những chiếc máy bay đậu gần đó. Trong khi các thủy thủ hối hả lao vào chữa cháy, một quả bom 500 kg gắn trên một chiếc phi cơ phát nổ, khiến nhiều thủy thủ thiệt mạng và ngọn lửa càng lan xa hơn, kích hoạt những vụ nổ dây chuyền, nhấn chìm một nửa chiếc tàu sân bay trong ngọn lửa ngay tức khắc.
Tàu sân bay USS Forrestal bốc cháy dữ dội trong sự cố. Ảnh: US Navy |
Những vụ nổ cực mạnh từ bom gắn trên máy bay tạo ra nhiều lỗ thủng lớn trên sàn tàu, trong khi nhiều phi công bị mắc kẹt trong buồng lái khi ngọn lửa lan rộng. Phải mất một ngày các thủy thủ trên tàu USS Forrestal mới khống chế được ngọn lửa. 20 máy bay bị phá hủy, 134 người thiệt mạng, hàng trăm thủy thủ bị thương là hậu quả khủng khiếp của vụ phóng nhầm tên lửa này.
Một sự cố khác liên quan tới phóng nhầm tên lửa diễn ra ngay trên đất Mỹ vào năm 1955, nhưng có mức độ nghiêm trọng lớn hơn vì đó là tên lửa phòng không mang đầu đạn hạt nhân.
Ngày 14/4/1955, Khẩu đội C đang thực hành quy trình huấn luyện với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Nike Ajax tại căn cứ Fort Meade, bang Maryland, Mỹ thì bất ngờ tên lửa tự kích hoạt và rời khỏi bệ phóng trước sự ngỡ ngàng của các binh sĩ vận hành.
Do bệ phóng chưa được nâng lên hoàn toàn khi sự cố diễn ra, quả tên lửa Ajax vọt lên trời theo góc xiên chứ không phải thẳng đứng như thiết kế, đạt đến độ cao khoảng 900 mét trước khi cơ chế an toàn tự động kích hoạt, khiến tên lửa tự hủy trên không, tạo ra xung lực cực lớn và một cơn mưa mảnh vụn rơi lả tả xuống đường cao tốc ở gần đó, theo NYTimes.
Phần đầu đạn của tên lửa và hệ thống dẫn đường được tìm thấy nguyên vẹn cách hiện trường vụ nổ vài trăm mét. Theo tờ báo này, nếu như quả tên lửa bay được xa hơn và phát nổ trên mặt đất, hậu quả mà nó gây ra cho dân cư xung quanh là không thể lường trước được. Vì không lao xuống mặt đất trước khi phát nổ, tên lửa không đạt được lực G cần thiết để kích hoạt cơ chế sẵn sàng cho đầu đạn.
Kết quả điều tra của quân đội Mỹ cho thấy buổi chiều hôm đó trời đổ mưa to, và Khẩu đội C trước khi đưa tên lửa ra khỏi bệ phóng đã không phát hiện ra rằng nước mưa ngấm vào thiết bị điều khiển gây chập điện. Chính sự cố chập điện này được cho là nguyên nhân khiến tên lửa tự kích hoạt. Chỉ huy lữ đoàn tên lửa đó đã bị cách chức sau sự cố.
Quân đội Mỹ cũng cho thấy rằng những sơ suất trong quá trình thao tác với tên lửa cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, điển hình là trong vụ nổ tên lửa ngay trong hầm chứa vào ngày 19/9/1980.
Ngày hôm đó, một kỹ sư bảo trì thuộc lực lượng không quân Mỹ tại căn cứ ở Damascus, bang Arkansas được phân công nhiệm vụ kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Titan II. Trong lúc đang thao tác, người này vô tình để rơi một chiếc cờ lê xuống hầm chứa tên lửa, và sự vụng về này đã gây ra thảm họa.
Hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Titan II bị phá hủy trong vụ nổ. Ảnh: US Army |
Chiếc cờ lê cỡ lớn đã gây ra một vết nứt nhỏ trên bồn chứa nhiên liệu nén của tên lửa, khiến nhiên liệu rò rỉ ra từ từ trong suốt 8 giờ, trước khi phát nổ bên trong hầm chứa, khiến một binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 21 người bị thương.
Sau vụ nổ lớn này, đầu đạn hạt nhân ở phía trên của tên lửa bị sức ép bắn ra bên ngoài, nhưng rất may là các cơ chế an toàn đã giúp nó không bị kích hoạt sau vụ nổ. Đầu đạn được tìm thấy nguyên vẹn, giúp cho nước Mỹ thoát khỏi một thảm họa hạt nhân chỉ vì cái cờ lê.
Theo VNE