Những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua

16/10/2016 09:43

(Baonghean.vn) - Khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nằm sát Việt Nam; Sẽ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 và 62; mưa lũ ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và của;.... là những sự kiện nổi bật trong nước tuần qua.

1 - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, sáng 9/10, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số nội dung quan trọng để Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định.

2 - Hội nghị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ theo hướng để người dân tự thoát nghèo thay vì chỉ cho không
Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ theo hướng để người dân tự thoát nghèo thay vì chỉ cho không.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao khi năm 1993 cả nước có tới có 58% hộ nghèo thì đến năm 2015 giảm còn 4,25% theo tiêu chí cũ. Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều thì tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%, tương đương khoảng 2,33 triệu hộ. Thủ tướng khẳng định, có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Rút kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo 5 năm qua, Thủ tướng lưu ý một số địa phương còn tình trạng xác định hộ nghèo chưa chính xác, xác nhận hộ nghèo theo kiểu “luân phiên”. Thậm chí một số cán bộ địa phương lạm dụng chính sách giảm nghèo làm ảnh hưởng đến tính chất của công cuộc giảm nghèo. Trong đó có tình trạng cán bộ có thu nhập nhưng lại kê là hộ nghèo để được nhận hỗ trợ.

Để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ theo hướng để người dân tự thoát nghèo thay vì chỉ cho không.

3 - Phát động phong trào "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao cúp Thánh Gióng tặng các doanh nhân tiêu biểu.  Font Size:     |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao cúp Thánh Gióng tặng các doanh nhân tiêu biểu.

Tối 11/10, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư tổ chức lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập”; trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

Phát biểu ý kiến phát động phong trào thi đua, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam có gần 600 nghìn DN đang hoạt động, riêng chín tháng qua, có hơn 91 nghìn DN mới thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh, để phấn đấu đến năm 2020 cả nước có hơn một triệu DN, với chất lượng hoạt động được cải thiện mạnh mẽ.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016 và cúp Thánh Gióng tặng 100 doanh nhân tiêu biểu trong phát triển và hội nhập quốc tế.

4 - Hội thảo về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương

Hội thảo khoa học về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương.
Hội thảo khoa học về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương.

Chiều 12/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương. Hội thảo nhằm hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Kết luận số 63 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, chính sách tiền lương ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động và không thể lấy mức lương tối thiểu chung làm căn cứ tính mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Xuất phát từ tiền lương tối thiểu không giải quyết được vấn đề bởi khi tăng lương tối thiểu, các khoản trích nộp theo lương cũng tăng theo. Tăng lương tối thiểu không dựa vào tăng năng suất lao động mà dựa trên dự báo mức tăng GDP và chi số giá tiêu dùng, ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, đồng thời thu nhập người lao động không thực sự được cải thiện.

5- Ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nằm sát Việt Nam

Vị trí ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam.
Vị trí ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam.

Trước việc 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc vừa đi vào hoạt động ở gần Việt Nam, Bộ Khoa học cho biết sẽ thỏa thuận với nước này về cảnh báo sớm khi có sự cố, đồng thời lắp đặt một số trạm quan trắc trong khu vực.

Ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa đi vào vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km.

Dù là thế hệ công nghệ mới an toàn, nhưng việc xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nhất là kế hoạch phát triển xuống khu vực tiếp giáp Việt Nam khiến nhiều chuyên gia trong nước lo lắng. Theo một chuyên gia an toàn hạt nhân, các sự cố từ hạt nhân đều rất nguy hiểm, bởi nó phát tán phóng xạ trong vùng rộng lớn. Do vậy Việt Nam cần tăng cường quan trắc và đưa ra giải pháp kịp thời khi xảy ra sự cố, đồng thời có cơ chế trao đổi thường xuyên với Trung Quốc.

6 - Sẽ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 và 62

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xác nhận đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lại được nêu ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động và dự kiến năm 2017 trình Quốc hội. Theo ông Huân, dự thảo này đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị liên quan tại các hội thảo và đưa lên trang web của Bộ LĐ-TB&XH.

Dự kiến, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam. Lý do đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là để tránh “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội” và tình trạng già hóa dân số của Việt Nam.

Trước đó ngày 4/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016, trả lời câu hỏi về quan điểm của Chính phủ với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã nhấn mạnh: “Việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện. Tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khỏe và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi)”.

7 - Công nhận 703 chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2016

703 nhà giáo được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016.
703 nhà giáo được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016.

Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã ký quyết định số 55/QĐ-HĐCDGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016.

Theo Quyết định này, trong đợt xét công nhận năm 2016, cả nước có 65 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, và 638 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Trong đó, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thắng, Trường Đại học Vinh là người trẻ tuổi nhất được xét phong hàm giáo sư trong đợt này.

Phó Gáo sư - Tiến sỹ Trần Đình Thắng sinh năm 1975 tại huyện Thanh Chương và đã có nhiều năm làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Vinh. Năm 2012, anh được phong hàm phó giáo sư và hiện đang làm Phó Trưởng khoa Hóa học - Trường Đại học Vinh.

Đặc biệt, năm 2016, Văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư đặc cách cho giáo sư Đào Văn Lập - ngành Vật lý, giảng dạy tại Trung tâm Khoa học Quang học và Lượng tử, Đại học Công nghệ Swinburne, Australia.

8 - 3.000 tỷ đồng đền bù cho ngư dân miền Trung đã về đến địa phương

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, ngày 10/10, Bộ Tài chính đã tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 địa phương để đền bù cho người dân bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển. Đến cuối ngày hôm qua, số tiền tạm cấp nói trên đã được chuyển tới tài khoản của 4 địa phương.

ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính cho biết, để công tác chuyển tiền được nhanh gọn nhất và thuận tiện nhất, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương lập tài khoản, độc lập với ngân sách Nhà nước. Khi các đối tượng bồi thường được xác định rõ thì việc chuyển tiền rất nhanh gọn và minh bạch, rõ ràng.

"Quá trình đền bù được thực hiện công khai, minh bạch từ khâu xác định đối tượng nhận bồi thường ở cấp xã cho đến kết quả đền bù đến từng đối tượng bị thiệt hại", ông Đào Xuân Tuế khẳng định.

9 - Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung làm nhiều người chết và mất tích

Mưa lũ nhấn chìm làng mạc ở miền Trung. (Ảnh minh họa)
Mưa lũ nhấn chìm nhiều ngôi làng ở miền Trung. (Ảnh minh họa)

Do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 12/10/2016, trên địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có mưa rất to trên diện rộng, diễn biến phức tạp, lũ trên các sông lên nhanh, chảy xiết làm sạt lở mái ta luy âm và trôi nền đường tại một số đoạn trên phạm vi 200 km tuyến đường sắt Bắc-Nam gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường sắt Bắc-Nam; nhiều vị trí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh tại địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị ngập sâu; một số phương tiện vận tải thủy bị đứt neo, trôi ra biển.

Tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, đến 17 giờ ngày 15/10, toàn tỉnh có 12 người chết và mất tích, 13 người bị thương. Các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đoạn qua tỉnh Quảng Bình tê liệt.

Tại Nghệ An từ đêm 14/10 đến sáng 15/10 mưa lớn kéo dài gây ngập lụt tại thành phố Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Anh Sơn... Lượng mưa đo được tại nhiều địa phương vượt trên 338 mm. Mưa lớn khiến khoảng 200 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, các tuyến đường bị ngập sâu và tê liệt, hàng nghìn phương tiện bị chết máy dọc đường. Nước lũ dân cao khiến 1 em học sinh tại huyện Nam Đàn và 1 người đàn ông ở Yên Thành bị nước cuốn trôi.

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn trút xuống liên tục khiến nhiều nơi ngập sâu trong nước. Huyện Hương Khê được ghi nhận bị thiệt hại nặng nhất, gần như tất cả các xã trên địa bàn bị ngập sâu, các xã Phương Mỹ, Hòa Hải, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Lộc Yên, Hương Đô đã bị cô lập. Tại thành phố Hà Tĩnh, các tuyến đường như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Đồng Quế, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Biểu, Nguyễn Du, Hà Tôn Mục... bị ngập sâu, các phương tiện không thể lưu thông.

10 - Bộ Y tế lên tiếng việc Vụ trưởng bị tố hầu đồng

Hình ảnh lan truyền trên mạng được cho là ông Tác đang làm lễ
Hình ảnh lan truyền trên mạng được cho là ông Tác đang làm lễ

Ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế nhận được Đơn kiến nghị của ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ phản ánh về việc ngày 9/11, một số cơ quan báo chí đăng tải bài viết: “Hầu đồng” mong thăng quan tiến chức.

Sau khi nghiên cứu vụ việc, Bộ Y tế nhận thấy, việc ông Phạm Văn Tác tổ chức lễ tạ đền Bảo Lộc thờ Đức thánh Trần là việc của cá nhân, gia đình đồng chí, không liên quan đến công việc của ngành y tế.

Nội dung bài báo nêu, việc tổ chức lễ tạ thực hiện từ 12h đến 17h30 ngày thứ 7, đó là ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc theo quy định của nhà nước.

Vấn đề tín ngưỡng của cá nhân, đã được Nhà nước cho phép, do đó, trước những thông tin trên, Bộ Y tế mong muốn các báo phản ánh trung thực, khách quan theo đúng quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân của ngành y tế vì mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO