Những tác phẩm, sách, báo tiến bộ được bí mật tuyên truyền tại Nghệ Tĩnh từ năm 1922-1930
Xin trân trọng giới thiệu một số tác phẩm, sách, báo tiến bộ được bí mật chuyển về Nghệ Tĩnh để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động trong giai đoạn từ năm 1922 đến năm 1930, góp phần chuẩn bị và làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 sau này thành công.
Báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm.
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Maroc… lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Paris tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Tờ báo xuất bản số đầu ngày 1/4/1922, duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926) và xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức.
Báo Le Paria đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc, đối với công luận Pháp và đặc biệt đối với phong trào yêu nước ở các nước thuộc địa. Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.
Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Ngày 21/6/1925, tuần Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Trong giai đoạn lịch sử 1925 - 1930, Báo Thanh Niên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tờ báo cách mạng tuyên truyền, cổ động tập thể, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và chế độ phong kiến suy tàn, khích lệ tinh thần yêu nước và khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam. Báo Thanh niên đã đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng Việt Nam, có tác dụng to lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, là tiền đề quan trọng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam (21/6). Và ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
"Đường Kách mệnh", tác phẩm tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xuất bản năm 1927.
Đường Kách mệnh là cuốn sách tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do Người và Tổng bộ tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Cuốn sách này do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927 để làm tài liệu học tập và tuyên truyền.
Đường Kách mệnh là tác phẩm lớn, một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nội dung cuốn sách thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của Người trong thời kỳ chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam.
Với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung sách đã khái quát được bối cảnh lịch sử đất nước ta lúc đó và chỉ ra con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc ta mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Báo Thân Ái, cơ quan ngôn luận của Hội Thân ái, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Việt kiều ở Thái Lan, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1928.
Hội Thân ái là một tổ chức quần chúng rộng rãi của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mục đích đoàn kết Việt kiều và đoàn kết giữa người Việt với người Thái; nhắc nhở kiều bào yêu Tổ quốc và giúp kiều bào học chữ quốc ngữ. Cuối năm 1926, tờ báo Đồng Thanh - Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Thái Lan ra đời, báo chữ Quốc ngữ dành cho người Việt Nam đầu tiên tại đây.
Tháng 7/1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Thái Lan, trong thời gian hoạt động ở đây Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở cách mạng và gây ảnh hưởng về trong nước. Người đề nghị đổi tên báo Đồng Thanh thành báo Thân Ái cho phù hợp với hình thức hoạt động công khai của Hội Thân ái. Bài viết cần ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, lời văn hợp với ngôn ngữ giao tiếp thường ngày của bà con người Việt, người Hoa, người Thái. Mục đích của báo Thân Ái là đoàn kết giúp nhau ổn định đời sống, xóa nạn mù chữ, sẵn sàng ủng hộ cách mạng, tham gia công tác đoàn thể giao, giữ bí mật tổ chức, bảo vệ cán bộ.
Về hình thức báo Thân Ái có 2 trang, kích thước 38,5 x 53,5cm. Trên mặt báo sử dụng chữ Việt rất linh hoạt, dùng chữ Z thay cho chữ D, chữ K thay cho chữ C, chữ F thay cho chữ Ph, chữ J hoặc chữ Z thay cho chữ Gi. Góc bên phải trên cùng của tờ báo là các câu thơ động viên tinh thần yêu nước, như: Nhiễu điều phủ lấy zá gương; Người chung một nước thì thương nhau kùng.
"Nhật ký chìm tàu" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được in ở Hồng Kông, năm 1930.
Nhật ký chìm tàu là tác phẩm được hoàn thành trên cơ sở vốn sống thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc trên đất nước Nga Xô viết, kết hợp với những tư liệu từ Liên Xô gửi đến và trực tiếp trao đổi với một số cán bộ của phái đoàn M. Bôrôđin trong thời gian Người ở Quảng Châu.
Nhật ký chìm tàu kể chuyện 3 thủy thủ: Pôn (người Âu), Zô (người Phi), và Râu (người Việt) sống sót sau vụ tàu buôn Pháp đắm, được tàu Liên Xô cứu, đưa về Liên Xô. Trong thời gian ở Liên Xô, 3 anh được đối xử tử tế, đi thăm nhiều nơi, được Đảng Cộng sản Liên Xô tạo điều kiện cho học tập văn hóa, chính trị và tìm cách để họ trở về Tổ quốc.
Trong bức thư gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 2-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi gửi cho các đồng chí một bản “Nhật ký chìm tàu” viết về cuộc sống của công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ và trẻ em ở nước Nga Xô viết. Nó là một loại tài liệu tuyên truyền tốt. Tôi đã mất 8 ngày để viết nó, chúng tôi đã mất gần 1 tháng để in ra 20 bản, vẫn bản sao này, không được rõ lắm”.
Nhật ký chìm tàu ngoài phần mở đầu và phần kết luận gồm 24 chương, khoảng 100 trang giấy rơm, khổ 22 x 18cm, viết chữ thường bằng bút sắt, in litô, giấy một mặt. Mỗi chương mở đầu bằng hai câu lục bát và phần kết cũng bằng hai câu lục bát:
... Không bột mà gột nên hồ,
Tay không xốc nổi cơ đồ, cừ không!
Cho đến nay, nguyên bản Nhật ký chìm tàu chưa tìm lại được.