Những tấm lòng ngời sáng y đức

Thanh Hoa - Minh Thái 27/02/2020 09:59

(Baonghean.vn) - Yêu nghề, nhiệt huyết với công việc, hết lòng vì bệnh nhân, những cán bộ, nhân viên y tế Nghệ An đã không ngừng cố gắng, học tập, rèn luyện, thực hành y đức, y thuật để rồi có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Mẹ đỡ đầu” khoác áo blouse trắng

Được học đúng nghề yêu thích – nghề truyền thống của gia đình, lại được về công tác tại chính quê hương, với chị Trần Thị Thơ “đó chính là niềm hạnh phúc”. Niềm hạnh phúc càng được nhân lên gấp bội khi chị được Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu phân công làm công việc nữ hộ sinh, chào đón các công dân mới ra đời.

Điều dưỡng trưởng Trần Thị Thơ chăm sóc trẻ sơ sinh.
Điều dưỡng trưởng Trần Thị Thơ chăm sóc trẻ sơ sinh.

Hạnh phúc là vậy nhưng công việc nữ hộ sinh cũng lắm gian nan, áp lực với nhiều yêu cầu, đòi hỏi riêng biệt. Chị Thơ chia sẻ: “Nhiệm vụ của nữ hộ sinh là hàng ngày phải tiếp xúc với các sản phụ, giúp đỡ họ vượt qua những cơn đau chuyển dạ. Với những thai phụ, sản phụ có những tiên lượng không tốt như dọa sẩy, sẩy thai, thai lưu... thì chính nữ hộ sinh phải là người cung cấp liều thuốc tinh thần, đó chính là kiến thức chuyên môn, thái độ ứng xử, giao tiếp nhẹ nhàng, sự cảm thông và chia sẻ đối với người bệnh và gia đình người bệnh”.

Ở bệnh viện, nhiều người vẫn gọi chị Thơ là “mẹ đỡ đầu” theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Chị kể về xuất xứ cái tên này: “Vào lúc nửa đêm của một ngày trong năm 2006, một gia đình đưa sản phụ, thai 40 tuần tuổi vào cấp cứu. Sản phụ rau bong, da xanh, mạch nhanh... Kíp trực nhanh chóng đưa sản phụ vào phòng đẻ và sau 5 phút, bé gái nặng 3,2 kg đã chào đời.

Tuy nhiên lúc này, sản phụ mạch yếu dần, bé gái tím tái không khóc được. Kíp trực vội vã chia làm hai để cứu mẹ, cứu con. Sức khỏe bé ngày một xấu đi, mọi người chìm trong tuyệt vọng. Bản thân tôi thì không chấp nhận điều đó, tìm mọi cách, áp dụng tất cả kiến thức để cứu cháu bé từ hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực. Kiên trì 30 phút thì cháu bé đã khóc và được cứu sống, sau 1 giờ chăm sóc thì trở lại bình thường. Khi tôi rời khỏi phòng bệnh thì người nhà tìm đến cảm ơn trong nước mắt, xin nhận tôi làm mẹ đỡ đầu cho cháu”.

Điều dưỡng trưởng Trần Thị Thơ thăm hỏi, động viên người bệnh.

Gương mẫu, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, năm 2007, “mẹ đỡ đầu” Trần Thị Thơ được Ban Giám đốc Bệnh viện cử tham gia khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ năm 2007 - 2011; năm 2012 được điều động về làm Phó phòng Điều dưỡng và đến năm 2015 được đề bạt giữ chức Trưởng phòng Điều dưỡng.

Trên cương vị mới, chị Thơ không ngừng đặt cho mình những mục tiêu rèn luyện cao hơn, tìm mọi cách để giúp đỡ cho người bệnh. Luôn ân cần, cởi mở, hòa nhã, mỗi khi rỗi, chị Thơ lại dành thời gian thăm hỏi, động viên người bệnh nhằm tạo mối quan hệ thân thiện để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp cho người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Không chỉ trau dồi cho bản thân, chị Thơ còn truyền cả tình yêu nghề, cảm hứng, những cử chỉ ân cần đó cho các đồng nghiệp trẻ tuổi trong toàn viện và sẵn sàng chỉ bảo giúp đỡ họ trong công việc, trong cuộc sống đời thường. Để từ đó, các điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu đều yên tâm công tác, chuyển biến tích cực, có thái độ ân cần, nhẹ nhàng với bệnh nhân và ý thức nâng cao tay nghề trong công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Với tấm lòng vì người bệnh, “mẹ đỡ đầu” Trần Thị Thơ đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Quỳnh Lưu, kêu gọi tất cả các mọi người trong và ngoài bệnh viện tham gia hiến máu nhân đạo. Bằng kinh nghiệm, sự học tập và nghiên cứu, chị Thơ đã hoàn thành sáng kiến “Biểu mẫu theo dõi chăm sóc người bệnh cải tiến” được Sở Y tế phê duyệt và đưa vào sử dụng tại đơn vị từ tháng 10/2016. Bộ biểu mẫu này đã giúp cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh giảm bớt công việc hành chính để tập trung chăm sóc, hướng dẫn, tư vấn trực tiếp đến người bệnh. Hiện nay, chị Thơ còn đảm nhiệm làm Tổ trưởng Tổ chăm sóc khách hàng bệnh viện, cố gắng đem lại sự hài lòng, tiện ích nhất cho người bệnh.

Nói về điều dưỡng trưởng Trần Thị Thơ, bác sĩ Nguyễn Sỹ Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu cho hay: “15 năm trong nghề, chị Thơ đã, đang và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và y đức. Trong công tác chuyên môn, chị Thơ không ngừng học tập, trau dồi những kiến thức mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân trên địa bàn, là tấm gương sáng để các cán bộ, nhân viên bệnh viện noi theo”.

Trưởng trạm nơi vùng "khó"

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Vinh (nay là Đại học Y khoa Vinh) năm 1986, anh Trần Nguyên Lam về công tác tại Trạm Y tế xã Nghĩa Lộc. Khi đó, trạm còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn. Nhưng với lòng yêu nghề, anh luôn tận tâm với công việc, cùng đồng nghiệp khắc phục khó khăn, hết lòng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Để tích lũy kiến thức, nâng cao tay nghề phục vụ người dân, ngoài thời gian làm việc tại trạm y tế, anh thường xuyên nghiên cứu tìm hiểu kiến thức từ sách vở, tài liệu để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Nhờ đó, anh đã cùng đồng nghiệp cứu được nhiều bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo.

Ngoài thời gian làm việc Bác sỹ Lam luôn trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn.
Ngoài thời gian làm việc Bác sĩ Lam luôn trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa - Đại học Y Thái Bình, anh được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Lộc. Trên cương vị mới, bác sĩ Trần Nguyên Lam càng ý thức hơn trọng trách của mình. “Bản thân tôi nêu cao tinh thần học tập, tự rèn luyện, luôn quan tâm đến người bệnh, làm hết trách nhiệm, phấn đấu làm tốt công việc được giao, làm sao người bệnh đến đây được chăm sóc một cách tốt nhất. Đặc biệt, năm 2019, xã đã có những quyết sách quan trọng đầu tư các dịch vụ về y tế ở trạm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh”, bác sĩ Lam chia sẻ.

Từ đặc thù của xã Nghĩa Lộc là đông dân (gần 19.000 dân), đồng bào công giáo chiếm 34%, địa bàn trải dài, bác sĩ Lam đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể trong xã tổ chức truyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho người dân. Trong đó, chú trọng vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, bác sĩ Lam cũng đã chỉ đạo làm tốt công tác khám, chữa bệnh. Trung bình, mỗi ngày, trạm có trên 60 lượt người đến khám và chữa bệnh.

Bà Hoàng Thị Ba ở xóm Bình Minh - một trong rất nhiều người dân thường xuyên đến Trạm Y tế xã để khám, chữa bệnh cho biết: “Tôi được bác sĩ Lam trực tiếp khám cho nhiều lần, bác sĩ rất gần gũi, tận tình. Chúng tôi mong sao có nhiều bác sĩ tâm huyết và trách nhiệm với nghề như bác sĩ Lam”.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều áp lực, vất vả của nghề y nhưng bác sĩ Trần Nguyên Lam luôn giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc. Với những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp y tế, bác sĩ Trần Nguyên Lam đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, của huyện; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Bà Hoàng Thị Ba ở xóm Bình Minh là một trong rất nhiều người dân thường xuyên đến trạm y tế xã để khám chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Nguyên Lam luôn giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc.

Ông Lại Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: “Bác sĩ Lam là người có tay nghề, phẩm chất đạo đức tốt, từ đó được cán bộ và nhân dân đánh giá cao. Nhiều ca khó được bác sĩ Lam trực tiếp xử lý, nhằm giảm tải bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Bằng trách nhiệm, tình yêu nghề, trong những năm qua bác sĩ Lam cùng đội ngũ y, bác sĩ Trạm Y tế xã Nghĩa Lộc đã mạnh dạn tham mưu với ngành, chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Đến nay, Trạm Y tế xã Nghĩa Lộc là trạm đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao như: Siêu âm, nội soi cổ tử cung, tai, mũi, họng và các xét nghiệm khác...”.

BSCK1 Đặng Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Bác sĩ Trần Nguyên Lam là người có uy tín, làm việc khoa học, quản lý tốt. Mặc dù công tác ở vùng đặc thù, đông dân nhưng trong quản lý rất năng động, sâu sát, gần dân, được nhiều người yêu quý. Anh không chỉ là một bác sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu về y đức mà còn là tấm gương sáng của ngành Y tế huyện Nghĩa Đàn”.

Theo Kỹ thuật: Thành Cường
Copy Link

Mới nhất

x
Những tấm lòng ngời sáng y đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO